TIN LIÊN QUAN | |
"Mạnh về biển, giàu lên từ biển" | |
Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics |
Kết nối Quảng Ninh với thế giới
Từ kế hoạch quốc gia nối dài tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Quảng Ninh) để trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc đang hình thành nên mối liên kết phát triển liên vùng - cửa ngõ quốc tế đường bộ. Quảng Ninh đã sớm quyết tâm triển khai tuyến cao tốc nối Hải Phòng - Móng Cái, đồng thời tích cực huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Dự kiến, nửa chặng đường sẽ hoàn tất trong quý I/2018.
Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh mở ra hướng đi mới về đầu tư dịch vụ hàng không tại Việt Nam. (Nguồn: Investinquangninh) |
Cầu Bạch Đằng, dự án đầu tiên của tuyến cao tốc có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng theo hình thức BOT chuẩn bị hợp long vào tháng 12/2017. Tuyến cao tốc cầu Bạch Đằng - Hạ Long thực hiện bằng vốn ngân sách, đã thi công được trên 70% khối lượng các hạng mục. Còn các hạng mục của dự án BOT cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với số vốn “khủng” nhất của Quảng Ninh hiện nay (12.000 tỷ đồng) đều đảm bảo kế hoạch và cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuyến cao tốc cuối cùng Vân Đồn - Móng Cái dự kiến sẽ khởi công trong tháng 9/2017.
Để hoàn thành cửa ngõ quốc tế đường bộ với gần 200km đường cao tốc, Quảng Ninh đã huy động hơn 40.000 tỷ đồng. Đây được coi là đóng góp quan trọng của tỉnh đối với việc thực hiện quy hoạch đường cao tốc Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quyết tâm có 2.000km đường cao tốc trước năm 2020.
Không chỉ tập trung cho cửa ngõ đường bộ, công trình Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh cũng đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô Cảng hàng không Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh và chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Sun Group đã khẩn trương bổ sung thêm một số hạng mục theo tiêu chuẩn, hoàn thiện thủ tục cấp phép... Đến nay, trên 70% các hạng mục khu bay đã hoàn thành; khu vực nhà ga hành khách và hàng hoá có công suất tiếp nhận được hai triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm đã hoàn thành được 50%. Kế hoạch bay hiệu chỉnh sẽ được tiến hành vào tháng 12/2017.
Cục hàng không Việt Nam đánh giá, dự án là một trong số ít hạ tầng hàng không có tiến độ triển khai nhanh. Đây không chỉ là cửa ngõ mới nối Quảng Ninh với thế giới, mà còn là dự án tiên phong, mở ra hướng đi mới về đầu tư dịch vụ hàng không tại Việt Nam, trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế.
Về đường biển, tháng 6/2017, Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) chính thức trở thành điểm trung chuyển của tuyến hàng hải quốc tế ACS từ Ấn Độ đi Hàn Quốc. Mỗi tuần một chuyến tàu sức chở trên 5.000 Teu chạy thẳng Ấn Độ - Malaysia - Singapore - Cái Lân (Quảng Ninh, Việt Nam) - Hàn Quốc - Trung Quốc và ngược lại.
Cửa ngõ đường biển của Quảng Ninh thông qua Cảng CICT được ưu đãi với mớn nước sâu -13m, trang thiết bị đầu tư hiện đại và là cảng duy nhất tại miền Bắc có thể tiếp nhận tàu có sức chở trên 5.000 Teu. Đây đang là điểm đến hấp dẫn các hãng tàu quốc tế và là cơ hội tốt để Quảng Ninh khai thác tối đa lợi thế cảng biển cũng như gia tăng hiệu quả đầu tư.
Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã đổi thay mạnh mẽ với những tuyến đường cao tốc hiện đại và đồng bộ; một cảng hàng không quy mô, hiện đại dần hiện hữu; một cảng biển thuận lợi nhất miền Bắc đang kéo gần khoảng cách Quảng Ninh với thế giới...
Cơ hội phát triển dịch vụ logistics
Mới đây, tại TP. Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn các nhà đầu tư quốc tế đến Quảng Ninh tìm hiểu đầu tư các dự án logistic, dự án xử lý môi trường. Chủ tịch Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, để có định hướng phát triển, Quảng Ninh đã thuê các nhà tư vấn uy tín trên thế giới thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cảng Quảng Ninh. (Nguồn: quangninhport) |
Tỉnh cũng công bố công khai các quy hoạch để doanh nghiệp trong và ngoài nước nắm bắt được cơ hội đầu tư. Quảng Ninh nằm trong cụm cảng phía Bắc Việt Nam, được gắn kết với các cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, do đó, việc kết nối vận chuyển hàng hóa đến Quảng Ninh khá thuận lợi.
Đến nay, hạ tầng logistic của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam có hiệu lực, làn sóng đầu tư vào tỉnh dự báo tăng cao khiến nhu cầu logistic tăng. Do đó, Quảng Ninh đang có kế hoạch phát triển thêm các trung tâm logistic tại khu vực mới như Đầm Nhà Mạc, Khu kinh tế Vân Đồn…
Như vậy, một Quảng Ninh - ba cửa ngõ, kết hợp với nhiều tiềm năng được khai thác hợp lý, hứa hẹn đem lại những cơ hội phát triển mới cho tỉnh. Điều này góp phần quan trọng trong việc hiện thực hoá các ý tưởng phát triển, xây dựng Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
36.000 tỷ đồng dành cho hạ tầng Vân Đồn Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đoàn công ... |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát đặc khu Vân Đồn Sáng ngày 26/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ và tỉnh Quảng Ninh đã tới huyện đảo Vân Đồn, thị ... |
Đảm bảo chất lượng thi công dự án BOT cầu Bạch Đằng Trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 25/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thị sát tiến độ thi công của dự ... |