TIN LIÊN QUAN | |
Quảng Ninh đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2018 | |
Đại biểu tỉnh Quảng Ninh hiến kế xây dựng địa phương |
Theo dự kiến, tháng 5/2018, Quảng Ninh sẽ chính thức đưa chuỗi dự án gồm cao tốc nối Hải Phòng – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn vào khai thác. Cùng với Cảng Cái Lân, đây có thể coi là 3 cửa ngõ giao thông quan trọng để Quảng Ninh kết nối với quốc tế.
3 cửa ngõ kết nối thế giới
Như vậy, thay vì mất 4h30’ để di chuyển bằng xe ô tô từ Hà Nội - Hạ Long, thì nay với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng - Hạ Long, thời gian di chuyển sẽ chỉ mất 1h30’. Trong thời gian tới, khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hình thành, thời gian để di chuyển đến thành phố cửa khẩu Móng Cái sẽ được rút ngắn đi rất nhiều. Đây có thể coi là tuyến hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, tạo nên sự phát triển liên vùng.
Dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. (Ảnh: Thái Yên) |
Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là “cánh cửa bầu trời” nối Quảng Ninh với thế giới cũng đang rất được mong đợi. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô thành cảng hàng không quốc tế, tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Sun Group đã khẩn trương điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện thủ tục cấp phép, bổ sung thêm một số hạng mục theo tiêu chuẩn... Đến nay, các hạng mục cuối của công trình đang khẩn trương hoàn thành sau hơn 2 năm thực hiện.
Quảng Ninh còn có thêm cơ hội mới “mở rộng” cửa ngõ đường biển, khi Cảng Container Quốc tế Cái Lân (CICT) chính thức trở thành điểm trung chuyển của tuyến hàng hải ACS. Mỗi tuần một chuyến tàu sức chở trên 5.000 Teu chạy thẳng tuyến Ấn Độ - Malaysia - Singapore - Cái Lân - Hàn Quốc - Trung Quốc và ngược lại. Con đường này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải do không phải chuyển tải hàng hoá qua cảng trung gian. Đây đang là cửa ngõ kết nối, hấp dẫn các hãng tàu quốc tế và cũng là cơ hội tốt để Quảng Ninh khai thác tối đa lợi thế cảng biển, gia tăng hiệu quả đầu tư.
Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng, tỉnh Quảng Ninh đã cam kết chưa thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng hoạt động tại Cảng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hãng tàu làm thủ tục thông quan hàng hoá.
Như vậy, với đa dạng các loại hình giao thông, có thể nói rằng, đến nay Quảng Ninh có điều kiện kết nối với thế giới tốt nhất so với các tỉnh trong khu vực miền Bắc, rộng mở cánh cửa giao thương. Hiện tỉnh đang hoàn thiện và thông qua quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng đồng bộ, tăng cường kết nối đồng bộ các khu vực trung tâm Hạ Long với các tiểu vùng khác trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh; khai thác hiệu quả các loại hình vận tải, chú trọng vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics...
Giao thông mở đường
Từ định hướng đó, Quảng Ninh tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng giao thông, cả về cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường không, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế... Hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội phát triển mới cho tỉnh, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hoá các ý tưởng phát triển, xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực tăng trưởng.
Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành phố trong cả nước bỏ ngân sách địa phương để xây dựng nâng cấp cầu, đường trên tuyến quốc lộ. Đặc biệt trong 10 năm gần đây, “bộ mặt” hạ tầng giao thông của tỉnh có nhiều đổi mới, với nhiều dự án tiêu biểu như: Cầu Bãi Cháy, dự án nâng cấp QL18 đoạn Mông Dương - Móng Cái, Uông Bí - Hạ Long, nâng cấp QL18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đường tỉnh 340, 329, đường vành đai phía Bắc TP. Hạ Long, QL18C, cảng Cái Lân… Việc phát triển các con đường huyết mạch, trọng điểm, cùng với việc công bố các quy hoạch chiến lược của tỉnh đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư ở Quảng Ninh.
Quảng Ninh cũng là tỉnh sớm được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải giao cho làm đường cao tốc từ nguồn ngân sách kết hợp với nguồn đầu tư của các nhà đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Hiện, tỉnh đã và đang có 6 dự án triển khai theo hình thức này thu hút hàng nghìn tỷ đồng, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn TP Uông Bí - TP Hạ Long; Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - TP Uông Bí; Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; Dự án cảng hàng không Quảng Ninh; Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Dự án Đường dẫn cầu Bắc Luân II...
Trong năm 2017, Sở GTVT Quảng Ninh tiếp tục hoàn chỉnh việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; hoàn chỉnh Quy hoạch đấu nối giao thông quốc lộ. Phối hợp với các sở, ngành triển khai giải quyết các thủ tục liên quan đối với các dự án đối tác công tư (PPP) và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang thi công.
Được biết, đến quý I/2018, ngành Giao thông Quảng Ninh sẽ hoàn thành 85km đường cao tốc từ Hải Phòng (điểm cuối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) đến sân bay Vân Đồn. Phấn đấu triển khai và hoàn thành 80km đường cao tốc từ Vân Đồn đi Móng Cái. Như vậy, đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ có gần 200km đường cao tốc, đóng góp vào mục đích cao tốc hóa của Chính phủ trong tương lai. Việc phát triển bền vững và hiện đại hạ tầng giao thông được xác định là tiền đề, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Quảng Ninh họp quyết định các vấn đề quan trọng của năm 2018 Sáng 11/12, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh Quảng Ninh, HĐND tỉnh khóa XIII long trọng tổ chức Kỳ họp thứ 7. Bí ... |
26 sản phẩm OCOP Quảng Ninh lên sàn Đặc sản Việt Nam Đến nay, Quảng Ninh có 26 sản phẩm của Chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm" (OCOP) đang được quảng bá, giới thiệu, bày ... |
Quảng Ninh có 2.240 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Ninh, ước tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 2.240 doanh nghiệp thành lập mới, tổng ... |