Đây là cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển ra thị trường nước ngoài, gặp gỡ và giao lưu trực tiếp với các đại sứ trao để trao đổi về nhu cầu và quan tâm của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, và cùng đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong phạm vi nguồn lực, chức năng của cơ quan đại diện, theo tinh thần Chính phủ kiến tọa, ngoại giao kiến tạo.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) và các ông Nguyễn Văn Trung và Lê Hồng Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tham dự Tọa đàm có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành, đại diện lãnh đạo Báo Thế giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao), đại diện Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Công ty TNHH Đông Nam Dược Sóc Sơn, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Dự án Hoàng gia, Công ty Du học Đồng Đội, Công ty Cơ khi chính xác Thăng Long.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Chia sẻ tại Tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và quan hệ thương mại phát triển nhanh trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN vào Trung Quốc. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào Trung Quốc là nông, lâm, thủy hải sản.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp lớn của Việt Nam và sự vào cuộc của người nông dân. Đại sứ quán luôn coi nhiệm vụ phát triển là quan trọng; nỗ lực tăng cường giao lưu tiếp xúc với cơ quan chức năng Trung Quốc; tham mưu kiến nghị, tăng cường trao đổi cấp cao, mở đường cho thúc đẩy thương mại, mở cửa cho thị trường gạo, thịt lợn sữa; hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp hỗ trợ kết nối với thị trường.
Đại sứ Đặng Minh Khôi (giữa) và ông Nguyễn Bá Nho tại Tọa đàm. |
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trong việc thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường một cách bền vững. Chia sẻ về vấn đề này, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết, là đơn vị hiểu rõ thị trường trung quốc, bộ phận thương vụ của Đại sứ quán đều có báo cáo thường xuyên về Bộ Ngoại giao để báo cáo về thị trường này. Bên cạnh đó, Đại sứ quán thường xuyên kiến nghị, nêu trực tiếp các vấn đề thúc đẩy thương mại trong các cuộc tiếp xúc bên lề, đặc biệt là thúc đẩy các đoàn thương mại thúc đẩy nông sản.
Về phần mình, ông Nguyễn Bá Nho – Giám đốc Công ty TNHH Đông Nam Dược Sóc Sơn chia sẻ, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong phong trào nghiên cứu bảo tồn cây thuốc nam và nhân giống nhiều loại dược liệu quý hiếm có giá trị chữa bệnh cao, nhất là các bệnh hiểm nghèo như ung thư, vậy nên công ty và bản thân ông đã có nhiều năm làm việc với các công ty Trung Quốc và đã có sự hiểu biết khá sâu rộng với thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Bá Nho đề cao vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vì đã làm cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp của ông cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác kết nối tốt hơn với thị trường, tìm được các đối tác tiềm năng. Ngoài ra, ông cũng kỳ vọng sẽ nhận được thêm nhiều sự giúp đỡ hơn nữa từ ĐSQ trong bối cảnh Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để hiểu rõ các rủi ro sắp tới.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh (giữa) và ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại AMWAY Việt Nam, tại Tọa đàm. |
Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nga, Đại sứ Ngô Đức Mạnh – Đại sứ Việt Nam tại Nga khẳng định, Nga là thị trường lớn với hơn 140 triệu dân, giàu tiềm năng và có cộng đồng người Việt lớn và năng động. Hơn nữa, Việt Nam và Nga đều thuộc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) nên doanh nghiệp Việt sẽ có rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt vào thị trường này.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh. |
Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH AMWAY Việt Nam đánh giá cao vai trò của các CQĐD Việt Nam tại nước ngoài. Theo ông, chính nhờ các CQĐD mà doanh nghiệp Việt Nam nhận được những chia sẻ hữu ích về thị trường, văn hóa, con người,… để việc hoạt động được thuận lợi, thu hút đầu tư, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.
Ông Sơn cũng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thói quen tiêu dùng sẽ có những thay đổi rõ rệt, tạo ra nhiều thách thức mới cho các doanh nghiệp bán lẻ. Các doanh nghiệp bán lẻ giờ đây sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ mới để tiếp cận được với khách hàng. AMWAY hiểu rõ được vấn đề này và cũng đang tích cực xây dựng phương pháp để đối mặt với những thách thức công nghệ mới này.
Ông Nguyễn Phương Sơn. |
Chia sẻ tại Tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành khen ngợi mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt bền chặt như tình anh em của Việt Nam và Cuba. Trên thế giới này, hiếm có hai quốc gia nào gìn giữ được mối quan hệ keo sơn thân tình như vậy. Tuy hai nước chưa có nhiều hợp tác kinh tế nhưng hiện tại, Việt Nam đang dần trở thành một nền kinh tế quan trọng của Cuba, khi là bạn hàng châu Á lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Với nhiều thách thức trước mắt, để kinh tế cả hai bên cùng nhau phát triển, vai trò của ĐSQ Việt Nam tại Cuba hết sức quan trọng. ĐSQ phải là người đi đầu, có trách nhiệm, có tình cảm giúp cho không chỉ doanh nghiệp mà cho nhà nước hai bên bằng cách tiếp cận đúng đắn và nội dung nội hàm mới, phương pháp mới để tạo ra những xúc tiến phát triển thương mại mới trong tương lai.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành. |
Ông Đỗ Thanh Tâm - Chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn dự án Hoàng Gia cho biết, Hoàng Gia là đơn vị hoạt động kinh doanh đầu tư đa lĩnh vực, hiện nay đang tập trung phát triển chuỗi siêu thị bán lẻ với phong cách gần gũi, tiện ích với người tiêu dùng. “Dưới tác động của CNMC 4.0, Hoàng gia tiếp tục mang lại cho người tiêu nhu cầu thích của người tiêu dùng”, ông Đỗ Thanh Tâm nhấn mạnh.
Là công ty sở hữu chuỗi siêu thị online và siêu thị truyền thống đang phát triển khá mạnh mẽ với số lượng khách hàng lớn, ông Đỗ Thanh Tâm cho biết, trong năm 2018, Hoàng Gia đã và đang tập trung tạo ra giá trị của thương hiệu, khẳng định là thương hiệu Việt vì người tiêu dùng Việt. Sang các năm tiếp theo, quy trình xuyên suốt mà công ty đang thực hiện sẽ chắc chắn sẽ giúp công ty lớn mạnh và khẳng định được vị thế của mình.
Ông Đỗ Thanh Tâm (trái) tại Tọa đàm. |
Tham gia tọa đàm, ông Lương Ngọc Nhàn - Trưởng Ban kinh tế và xúc tiến thương mại, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hy vọng rằng, Tọa đàm lần này sẽ mang lại kết quả tốt. Cùng với các chính sách xúc tiến thương mại, sự kết nối giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng.
Với các chính sách thúc đẩy thương mại trong thời gian qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đều tăng cao, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017 đạt kỷ lục 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 213,7 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 225 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 113,93 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Du học Đồng Đội, nhận định thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường du học khá phổ biến đối với người Việt Nam, bởi sự tương đồng về mặt văn hoá, chi phí hợp lý và chính sách hỗ trợ giờ làm thêm giúp cho học sinh có thể cân đối thời gian học tập và làm việc để có thêm thu nhập và trải nghiệm suốt quá trình du học tại đây.
Theo ông Dũng, những điều mà phụ huynh và học sinh cần lưu tâm khi đi du học tại hai thị trường này đó là: (1) Xác định rõ lý do đi du học (việc xác định được lý do sẽ giúp ta nhận thức được động cơ của việc đi du học và như vậy ta sẽ tập trung học để lên kế hoạch và hiện thực hoá kế hoạch đi du học của mình), chuẩn bị tâm lý và nghiên cứu kỹ thông tin về đất nước mình muốn đi du học. Đặc biệt là lựa chọn đơn vị tư vấn Du học giàu kinh nhiệm và chuyên nghiệp để tránh những đáng tiếc xảy ra (bởi hiện nay, rất nhiều phụ huynh quyết định lựa chọn đơn vị tư vấn rất cảm tính). (2) Có một sự thật đó là: hàng năm Nhật Bản và Hàn Quốc sang Việt Nam tuyển sinh 4 kỳ/ năm. Nếu như Nhật Bản (kỳ tháng 1,4,7,10) thì Hàn Quốc (Kỳ 3,6,9,12). Điều này cho thấy các đối tác của chúng ta ở Nhật và Hàn xem trọng thì trường Việt Nam thế nào. Điều này cũng tương đồng rằng lượng du học sinh Việt Nam du học tại hai quốc gia này hàng năm là rất lớn.
Vì vậy, Công ty Du học Đồng Đội luôn không ngừng mở rộng hợp tác với các đối tác doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài để tạo nền tảng hỗ trợ các em du học sinh trong quá trình du học và sau khi tốt nghiệp có nhu cầu làm việc tại nước sở tại. Ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, sứ mệnh của Đồng Đội là xây dựng một mô hình tư vấn du học đáng tin cậy với phụ huynh, đảm bảo sự an toàn và việc học ổn định cho các học sinh sinh viên trước và sau khi sang nước ngoài.
Tại Tọa đàm, ông Vũ Đình Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long, chia sẻ mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài nhằm xúc tiến thương mại giữa hai bên, qua đó giúp cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập tốt hơn.
Ông Hồng cho biết, trong thời gian tới, định hướng của Công ty là khai thông và tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Dự kiến đến năm 2025, 60% quy trình sản xuất của Công ty là tự động hóa theo tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0. Công ty cơ khí chính xác Thăng Long có bề dày hoạt động 18 năm, xuất khẩu từ năm 2010 sang các thị trường Peru, Haiti, Mozambique.