Chủ nhà hàng là ông Trần Minh Thế - một kiều bào đã định cư tại Thụy Sỹ nhiều năm. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Kiên Giang. Bố mẹ ông lên đường sang Thụy Sỹ định cư khi ông còn nhỏ.
Ông Trần Minh Thế (giữa) cùng người thân tại Thụy Sỹ. (Ảnh: NVCC) |
Năm 1979, khi vừa tròn 16 tuổi, ông Trần Minh Thế được đoàn tụ với gia đình tại Vaud. Ông được một cha cố Nhà dòng Don Bosco nhận đỡ đầu để ông có cơ hội học tập ngay trong chính tu viện này. Học hết bậc phổ thông, ông theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh và sau khi tốt nghiệp, ông được cha mẹ hỗ trợ tài chính để mở một nhà hàng bên hồ Léman.
Dấu ấn Việt ở Geneva
Nhớ đến quê hương Kiên Giang - nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông Thế đã đặt tên nhà hàng là Mekong để luôn nhắc ông nhớ về dòng sông thuở ấu thơ của mình. Nằm bên cạnh trụ sở Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và nhiều cơ quan, tổ chức đa quốc gia khác..., sự đa dạng trong thực đơn kiểu Á khiến Mekong trở thành điểm hẹn yêu thích của không chỉ thực khách sở tại mà còn gây ấn tượng cả với những thực khách chỉ tạt qua đây trong chuyến công tác hay du lịch của mình. Mùa Hè là thời điểm khung cảnh hồ Léman đẹp nhất trong năm và quán luôn trong tình trạng hết chỗ hoặc không có đủ đồ ăn để phục vụ.
Ông Thế cho biết: “Nhà hàng Mekong mở cửa hai buổi mỗi ngày, bữa trưa từ 11h00 và bữa tối lúc 18h30. Phục vụ trong Nhà hàng là tám người Việt định cư tại đây. Chúng tôi chuẩn bị những món ăn ngon của Việt Nam, một số món Á và cả món Âu. Vì thế, trong thực đơn của nhà hàng Mekong, bên cạnh những món như phở cuốn, nem rán, cơm rang… còn có cả bít-tết hay cá bỏ lò…”.
Theo ông Thế, phần lớn thực khách của nhà hàng là người Âu và họ đặc biệt ấn tượng với một số món ăn truyền thống của Việt Nam như nem rán, nem cuốn hay phở... Với những lợi thế như vị trí ven hồ, sự sang trọng và đậm nét văn hóa Việt, nhà hàng Mekong thường được các thành viên Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Geneva, Thụy Sỹ, lựa chọn làm địa điểm ưa thích.
Tại Nyon chỉ có ba đến bốn gia đình người Việt sinh sống. Bà con chủ yếu lao động trong các nhà máy phân loại thực phẩm, hoặc kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Cộng đồng người Việt Nam tại đây được người dân sở tại đánh giá là chăm chỉ làm ăn và tuân thủ luật pháp Thụy Sỹ. Đó là điều đáng tự hào. |
Luôn hướng về quê hương
Năm 1990, ông Thế lần đầu trở về quê hương sau 12 năm xa cách. Ông kể, khi máy bay cất cánh từ thủ đô Bangkok của Thái Lan, ông đã khóc gần như suốt chuyến bay vì xúc động. Vài năm sau, nhận thấy những cơ hội đang mở ra, ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nhu cầu đầu tư trong nước. Ông nhớ lại: “Khi đó, lĩnh vực mà bà con Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới tập trung đầu tư về Việt Nam là kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn và các ngành dịch vụ. Được các cán bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam tư vấn, tôi đã tới Vịnh Cam Ranh và thấy ở đây nảy sinh một vấn đề: việc sử dụng hạt kim loại để rửa thân, vỏ tàu neo đậu trên vịnh về lâu dài có thể làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây. Tôi nghĩ mình nên đầu tư một nhà máy thu gom các phế liệu từ hoạt động này để tái chế thành sản phẩm bê-tông, phục vụ cho các công trình giao thông”.
Đó là lý do mà Công ty xây dựng Thạch Anh, do ông hợp tác cũng vài người bạn ở trong nước ra đời và đi vào hoạt động tại Khánh Hòa. Đó chính là kết quả của những chuyến đi lại như con thoi của ông giữa Thụy Sỹ và Việt Nam trong suốt nhiều năm ròng.
Không chỉ thiết thực đầu tư xây dựng quê hương, hàng năm, ông Thế cùng vợ vẫn lặng lẽ tham gia các hoạt động xã hội, chăm sóc trẻ mồ côi hay ủng hộ bà con các địa phương gặp khó khăn hay vừa trải qua thiên tai ở trong nước. Ông tâm niệm: “Người Việt Nam, dù sống ở bất cứ nơi nào, làm công việc gì, đến một lúc nào đó sẽ hướng về quê hương. Không có gì vui hơn khi được chứng kiến quê hương mình ngày càng phát triển”.