Đồng minh Mỹ sẽ vào BRICS, không chống lại đồng USD, quay ngoắt về vấn đề đồng tiền chung, Nga đang 'ủ mưu' gì? |
Hội nghị thượng đỉnh BRICS đã kết thúc vào cuối tuần trước tại Johannesburg, Nam Phi, với thông báo rằng, họ đã chấp nhận thêm 6 thành viên mới. Dự đoán về những "cuộc cách mạng" của BRICS, với những chuyển biến mới về cục diện thế giới, giới quan sát đang tiếp tục dõi theo các tác động từ "nhất cử, nhất động" của khối này.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ca ngợi việc mở rộng, lưu ý rằng việc bổ sung thêm Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ chứng kiến tổng GDP của BRICS tăng lên 36% GDP toàn cầu (tính theo sức mua) và 46% dân số thế giới.
Trong đó, Saudi Arabia - đồng minh truyền thống của Mỹ, được đánh giá là thành viên tiềm năng, có ý nghĩa kinh tế và chiến lược nhất đối với BRICS. Tuy nhiên, những kỳ vọng về thành viên mới này dường như đang được "kiềm chế", khi Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal Bin Farhan đưa ra ý kiến thận trọng trong buổi gặp gỡ báo chí, sau khi BRICS thông báo về việc kết nạp các thành viên mới vào ngày 24/8.
Ngoại trưởng Bin Farhan nói: “Trong chính sách đối ngoại của mình, Vương quốc tập trung vào việc xây dựng quan hệ đối tác kinh tế, chúng tôi đánh giá cao lời mời làm thành viên của BRICS và đang nghiên cứu đề nghị đó”.
“Chúng tôi đang chờ thêm thông tin chi tiết về bản chất và tiêu chí của tư cách thành viên. Dựa trên thông tin này và theo quy trình nội bộ, Riyadh sẽ đưa ra quyết định phù hợp”.
"Saudi Arabia coi BRICS là một kênh có lợi và quan trọng để tăng cường hợp tác kinh tế", Ngoại trưởng Farhan nói thêm.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula, người được đánh giá có phát ngôn thẳng thắn nhất trong số các nhà lãnh đạo BRICS trong suốt Hội nghị thượng đỉnh vừa qua, đã làm sáng tỏ các tiêu chí kết nạp mà khối này hướng tới khi lựa chọn thành viên mới. “Điều quan trọng là tầm quan trọng của đất nước đó” - ông Lula tiết lộ với báo giới trước khi rời Nam Phi.
“Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng địa chính trị của Iran và các quốc gia khác sẽ tham gia BRICS”. Ông cho biết thêm, trong tương lai, Brazil sẽ hỗ trợ Nigeria, Angola, Mozambique và Congo gia nhập khối.
Việc BRICS tính toán đến yếu tố kinh tế và địa chính trị, rõ ràng đã mang lại lợi thế cho các ứng viên giàu tài nguyên như Saudi Arabia, UAE và Argentina..., và tất nhiên, nó có thể khiến cơ hội của các ứng viên khác ít đi. Bởi vậy, trong các lá đơn xin gia nhập BRICS, sẽ có những người được 'trải thảm đỏ" như Saudi Arabia, nhưng cũng có quốc gia bị từ chối, như trường hợp của Bangladesh hay Algeria.
Trong bối cảnh này, tất nhiên Nga không thể lãng phí thời gian để đẩy các đồng minh và ưu tiên của mình lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của khối. Với việc Nga sẽ đảm nhận chức Chủ tịch BRICS vào ngày 1/1/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Moscow đang tìm cách "bổ sung" thêm các đồng minh khu vực thân cận nhất của mình khi đảm nhận vai trò lãnh đạo khối.
"Tất nhiên, Kazakhstan và Belarus là những đối tác thân thiết nhất của chúng tôi. Và không quốc gia nào ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ trở thành thành viên của BRICS", ông Ryabkov nói.
Tuy nhiên, “nếu ai đó từ nhóm phương Tây đột nhiên nhận thấy BRICS rất hấp dẫn, quyết định phá vỡ hàng ngũ và... từ chối áp dụng chính sách trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào có trong khối và nộp đơn, thì theo thủ tục, chúng tôi vẫn sẽ xem xét”, ông Sergey Ryabkov cho biết.
Ông Ryabkov nói thêm: “Điều quan trọng là tất cả họ không chỉ ủng hộ mà còn chia sẻ các giá trị cơ bản của BRICS, bao gồm tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cởi mở, toàn diện và hợp tác cùng có lợi”.
Với mục tiêu tăng cường vai trò và quyền lực của BRICS, Nga rất tập trung vào việc thúc đẩy các sáng kiến phi USD hóa của khối. Về vấn đề tiền tệ trong BRICS, “các cuộc tham vấn đang tiếp tục nhằm tạo ra các công cụ thanh toán hiệu quả trong khuôn khổ khối, độc lập với phương Tây, cũng như một nền tảng an toàn cho các giải pháp đa phương xuyên biên giới”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana cũng tiết lộ, “chưa có ai thảo luận về vấn đề đồng tiền chung BRICS, ngay cả trong các cuộc họp không chính thức”. Theo quan điểm của ông, việc thiết lập một đồng tiền chung đòi hỏi phải thành lập một ngân hàng trung ương và điều đó đồng nghĩa với việc mất đi sự độc lập về chính sách tiền tệ. "Tôi không nghĩ có quốc gia nào sẵn sàng cho điều đó”.
“Đây không phải là giải pháp thay thế cho SWIFT. Đây là một hệ thống thanh toán tạo điều kiện cho việc sử dụng đồng tiền địa phương ngày càng thuận tiện và rộng rãi hơn”, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi cho biết.
Theo đó, các nhà lãnh đạo BRICS đã thông báo rằng, các bộ trưởng tài chính của họ sẽ được giao nhiệm vụ nghiên cứu thêm các vấn đề về tiền tệ của các thành viên, công cụ và nền tảng thanh toán. Họ sẽ báo cáo lại kết quả tìm hiểu được sau một năm.
Đại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal, cũng nhanh chóng chuyển hướng các cuộc nói chuyện sang đề tài tiền tệ quốc gia và tránh xa ý tưởng về một đồng tiền chung, như ông từng đề cập trước hội nghị thượng đỉnh.
“Vấn đề tiền tệ đang được thảo luận nhưng hãy để tôi đính chính, đây không phải là về một loại tiền tệ chung của BRICS. Còn quá sớm để nói về đồng tiền BRICS", ông Sooklal khẳng định với giới truyền thông.
Cụ thể, “những gì chúng tôi đang nói đến là tạo ra nhiều sự hòa nhập tài chính hơn trong các giao dịch tài chính toàn cầu, thương mại tài chính quốc tế và cách chúng tôi thực hiện các khoản thanh toán của mình”.
Ông Sooklal cũng nói với THX rằng, mục tiêu là “một hệ thống tiền tệ toàn cầu đa dạng, hệ thống thanh toán của riêng chúng ta, sẽ không bị bắt làm con tin cho một hoặc hai loại tiền tệ mà qua đó chúng ta phải giao dịch để gây thiệt hại cho chính mình”. Ông Anil Sooklal, tái khẳng định vấn đề tiền tệ của BRICS, mà Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana đã thông báo trước đó.
Nhiệm vụ được giao cho các bộ trưởng tài chính BRICS nói trên (về tìm hiểu các đồng nội tệ của các thành viên trong khối) dường như đã đặt vai trò có tính quyết định cho Tổng thống Nga Putin - phải đưa ra một thông báo về vấn đề phi USD hóa trong khối, khi Nga tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo vào tháng 10/2024. Hoặc thậm chí có thể là một tuyên bố về một loại tiền tệ thương mại chung mới cho BRICS.
Những động thái mới này của BRICS cho thấy, chắc chắn Nga cũng như các nhà lãnh đạo khối đều biết rõ rằng, con đường để các nước kinh tế mới nổi thực hiện kế hoạch thay thế đồng USD không hề dễ dàng. Chưa có lựa chọn thay thế nào cho đồng USD có thể đạt đến mức "thống trị toàn cầu" và việc tạo ra một loại tiền tệ BRICS mới nằm ngoài tầm ảnh hưởng của đồng USD cần có rất nhiều thời gian, cần niềm tin và con đường gập ghềnh sẽ rất dài.
Trên thực tế, việc BRICS tích cực xem xét giao dịch nội khối bằng đồng tiền riêng, không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối mà còn loại bỏ được chi phí chuyển đổi USD cao trong các giao dịch quốc tế.
Nga và Trung Quốc đang đi đầu trong động thái phi USD hóa vì lợi ích chính trị và kinh tế của họ. Nga đang nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách thách thức hệ thống tài chính do đồng USD thống trị, trong khi Trung Quốc đang thúc đẩy và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) như một giải pháp thay thế.
Và bất kỳ sự phát triển nào trên mặt trận này cũng đã là thắng lợi, cho dù nó chỉ mới là một hình thức thanh toán trung gian giữa các đồng nội tệ, hoặc tốt hơn là tạo ra một đồng tiền thương mại mới. Mỗi thành quả quan trọng mà BRICS đạt được sẽ được nhân lên vào năm tới, sau khi BRICS tăng hơn gấp đôi số thành viên. Và trong đó, Nhóm các cường quốc mới nổi sẽ còn được bổ sung thêm sức mạnh từ các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn như Saudi Arabica, UAE và Iran.