📞

Đồng Nai đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

An Tường 17:27 | 05/10/2022
Đồng Nai từng có nhiều diện tích đất được quy hoạch để dành phát triển thương mại dịch vụ (TMDV), nhưng không đạt yêu cầu với chỉ tiêu quy hoạch đã phê duyệt. Trong kế hoạch từ nay đến năm 2030, Đồng Nai tiếp tục dành ra 6.000 ha nhằm phát triển các dự án TMDV, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch.

Theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 dành cho tỉnh Đồng Nai, chỉ tiêu đất TMDV sẽ có 2.650 ha. Tuy nhiên, tỉnh chỉ thực hiện được hơn 1.220 ha, thiếu gần 1.430 ha so với quy hoạch. Lý do là có nhiều dự án TMDV vẫn chưa được thực hiện, tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.

Đại diện Công ty TNHH AEON Việt Nam tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Nai.

Còn nhiều dự án trì hoãn kế hoạch triển khai

Trong kế hoạch 10 năm đến 2020, tỉnh Đồng Nai dự kiến phát triển lĩnh vực TMDV tại các trung tâm TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh, nhằm tăng nguồn thu rất lớn cho các địa phương, đón đầu lĩnh vực này phát triển. Tuy nhiên, vướng mắc trong hồ sơ, các thủ tục liên quan lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, năng lực nhà đầu tư... đã ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án trong thời gian qua. Điều này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi đất quy hoạch dành cho phát triển TMDV tại tỉnh Đồng Nai.

Điển hình là TP. Biên Hòa với chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020 là khoảng 895 ha đất TMDV. Tuy nhiên, đến hiện tại, địa phương này mới chỉ đạt gần 54% chỉ tiêu, tương đương hơn 480 ha đất đã được chuyển đổi so với quy hoạch.

Các dự án chậm triển khai khiến diện tích đất TMDV chưa đạt kế hoạch gồm Khu đô thị du lịch sinh thái Sơn Tiên (P.An Hòa), Khu du lịch Vườn Xoài mở rộng (P. Phước Tân), Khu công nghiệp Biên Hòa 1… Các dự án này sẽ tiếp tục được chuyển sang giai đoạn 2021 - 2030 để TP. Biên Hòa tiếp tục thực hiện. Huyện Nhơn Trạch cũng là một địa phương được tập trung quy hoạch TMDV với chỉ tiêu 603 ha đến năm 2020. Tuy nhiên, Nhơn Trạch mới thực hiện được 322 ha, và còn đến 46,6% chỉ tiêu chưa hoàn thành. Các dự án tại đây chậm triển khai có thể kể ra như: Khu du lịch sinh thái cống Ông Kèo, Điểm du lịch sinh thái Long Tân - Phước Thiền, Điểm du lịch sinh thái Phú Hội, Điểm du lịch sinh thái Long Tân 2… Điều này khiến việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất TMDV tại đây còn chậm

“Trên địa bàn Huyện Nhơn Trạch quy hoạch nhiều dự án TMDV, nhưng những năm trước, do thiếu hạ tầng kết nối, nhiều nhà đầu tư triển khai dự án chậm làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu quy hoạch đất TMDV của huyện. Vì thế, đối với những dự án khả thi, huyện chuyển quy hoạch sang giai đoạn 2011-2030, còn dự án quá hạn, huyện đề xuất UBND tỉnh thu hồi” - Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết.

Ngoài hai địa phương trên, hầu hết các địa phương có quy hoạch chuyển đổi đất qua mục đích phát triển TMDV đều gặp khó khăn trong thủ tục chuyển đổi, khiến hầu hết các dự án đều kéo dài nhiều năm và trực tiếp ảnh hưởng đến chỉ tiêu quy hoạch đã đề ra.

Đặt mục tiêu tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ.

Trước việc chậm hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch đã đề ra trước đây, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch và tăng diện tích đất cho phát triển các dự án TMDV trong giai đoạn tiếp theo, từ nay đến năm 2030. Mục tiêu là để tăng tỉ trọng TMDV trong cơ cấu kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Theo đó, TP. Long Khánh, TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom là những địa phương được tập trung phát triển mạnh về TMDV.

TP. Long Khánh sẽ là nơi có tỷ trọng đất TMDV lớn nhất, chiếm 11,3% trong cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp, tương ứng với diện tích quy hoạch phát triển TMDV là 841 ha, tăng gần 800 ha so với hiện nay. Chủ tịch UBND TP. Long Khánh, ông Đỗ Chánh Quang cho biết: “TP. Long Khánh dự tính trong những năm tới sẽ tập trung phát triển lĩnh vực TMDV, khai thác các lợi thế từ hạ tầng giao thông như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dầu Giây - Liên Khương. TMDV phát triển sẽ hỗ trợ các lĩnh vực khác cùng phát triển theo”. TP. B iên Hòa cũng là một địa phương có quy hoạch đất TMDV trong thời gian tới tăng mạnh với gần 1.650 ha, tăng đến 1.170 ha so với hiện nay. Quy mô sẽ chiếm gần 5,6^% tỷ trọng trong cơ cấu đất phi nông nghiệp tại địa phương. Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, thành phố cùng với tỉnh sẽ rà soát và yêu cầu các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án TMDV đã ký kết. Riêng các dự án TMDV mới, thành phố đề xuất UBND tỉnh cần lựa chọn kỹ và chỉ chấp thuận cho các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực TMDV và năng lực tài chính tốt, nhằm đảm bảo các dự án được thực hiện theo đúng kế hoạch.

H. Long Thành cũng sẽ có 650 ha đất dành cho phát triển TMDV trong kế hoạch đến năm 2030, nhằm phục vụ cho phát triển sân bay quốc tế, cũng như các khu đô thị, dân cư tại địa phương. Ngoài ra, Huyện Vĩnh Cửu cũng sẽ có khoảng 761 ha được quy hoạch phát triển TMDV đến năm 2030, tăng đến 700 ha so với hiện tại. Địa phương này cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các khu du lịch sinh thái, siêu thị để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh, đồng thời tận dụng ưu thế từ điều kiện tự nhiên với hệ thống rừng tự nhiên, sông, hồ, thác… Huyện Trảng Bom cũng phát triển các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, du lịch sinh thái… với diện tích quy hoạch hơn 500 ha.