Cao tốc Bến Lức - Long Thành |
Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông
Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Điển hình là dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được khởi công từ đầu năm 2021. Đây là dự án trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tạo tiền đề cho sự phát triển rất lớn của nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong những năm tới. Bên cạnh đó, một số dự án giao thông lớn đã kịp thời hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, rút ngắn hành trình lưu thông và vận chuyển hàng hóa được thông suốt. Cụ thể là dự án đường 319 nối dài và nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được thông xe; thông xe cầu Thanh Sơn bắc qua sông Đồng Nai; hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng tuyến đường Cao Cang – đoạn 3, huyện Định Quán.
Ngành GTVT tỉnh cũng đã triển khai một số dự án lớn như cầu Vàm Cái Sứt, Hương lộ 2 - giai đoạn 1, Hương lộ 10, đường Sông Nhạn - Dầu Giây. Nâng cấp đường ĐT 763 phân kỳ đầu tư đoạn Km0 đến Km8+300, huyện Xuân Lộc; cải tạo, nâng cấp đường ĐT 768 huyện Vĩnh Cửu đoạn từ đầu cầu vượt Thủ Biên đến giao với đường ĐT 767. Riêng tại thành phố Biên Hòa đã khởi động nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến Trần Quốc Toản), dự án đường trục trung tâm nối đường Võ Thị Sáu đến Đặng Văn Trơn (gồm cầu Thống Nhất bắc qua sông Đồng Nai và đường kết nối 2 đầu cầu), dự án ven sông Đồng Nai.
Đáng chú ý, từ cuối năm 2021, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ra Nghị quyết số 36 về đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 có chiều dài 29,7km. Điểm đầu tuyến giao với QL 1A tại ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và điểm cuối giao với QL 51 tại ngã tư Lộc An (huyện Long Thành). Dự án dự kiến được triển khai từ năm 2022 – 2027, hướng đến mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, tăng khả năng lưu thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Về giao thông đối ngoại, Đồng Nai cũng phối hợp các tỉnh lân cận triển khai nhiều dự án cầu kết nối giao thông như cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Bình Dương, cầu Phước An nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, cầu Mỏ Vẹt kết nối với Lâm Đồng, cầu Nam Cát Tiên kết nối với Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối
Được biết, theo kế hoạch, năm 2025, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ chính thức hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và đưa vào khai thác sử dụng. Dự án không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Nai nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Với tầm quan trọng của dự án, tỉnh Đồng Nai cũng định hướng tập trung xây dựng hệ thống giao thông kết nối với sân bay quốc tế Long Thành. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư 6 tuyến giao thông trọng điểm gồm: đường ĐT 773, đường ĐT 770B, mở rộng đường ĐT 769, đường ĐT 776, đường vành đai 3, đường Vành đai 4. Sau khi hoàn thành, các dự án sẽ đảm bảo giao thông kết nối sân bay với các khu vực lân cận, hình thành các trục giao thông thúc đẩy phát triển cho các địa phương, nhất là các huyện còn khó khăn như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, Thống Nhất,…
Tỉnh Đồng Nai cũng đang nỗ lực phát triển giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vì địa phương được xem là cửa ngõ quan trọng mở ra giao thông kết nối với các tỉnh thành lớn phía Nam như: TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, Sở GTVT đã phối hợp với các tỉnh thành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến đường Vành đai 3, 4 - TP.HCM; dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò là những trục giao thông “xương sống” kết nối các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, cũng như toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 53,7km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư xây dựng với quy mô 4 - 6 làn xe, giải phóng mặt bằng một lần quy mô 6 - 8 làn xe theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ được khởi công vào năm 2023 và cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị to lớn, mở ra con đường huyết mạch góp phần nới rộng không gian phát triển cho tỉnh Đồng Nai.
Đối với dự án đường Vành đai 3, 4 - TP.HCM, đây là hai dự án giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra không gian phát triển mới. Mục tiêu được Chính phủ đề ra là phải thực hiện “khép kín” đường Vành đai 3 - TP.HCM và hoàn thành một số đoạn tuyến của đường Vành đai 4 -TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài gần 100km sẽ hoàn thành xây dựng, góp phần giảm tải cho quốc lộ 1 và giúp lưu thông hàng hóa trong Vùng Đông Nam bộ với khu vực Nam Trung bộ thuận lợi hơn. Cùng với đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2024 cũng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng cường kết nối liên vùng Đông và Tây Nam Bộ.
Bên cạnh hệ thống giao thông đường bộ thì phát triển giao thông đường sắt để kết nối sân bay quốc tế Long Thành vận chuyển hàng hóa cũng rất quan trọng. Do đó, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các tỉnh thành liên quan như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM để tổng hợp ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện 2 dự án: đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Cả 2 dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tăng khả năng kết nối đồng bộ với sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực.
| Đảm bảo tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Trên cơ sở bám sát các nội dung chỉ đạo của NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tốt chức năng quản ... |
| Đồng Nai: Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững Hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai định hướng tập trung thực ... |