📞

Đồng Nai: Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

An Tường 17:38 | 05/10/2022
Hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai định hướng tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành và xây dựng NTM theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng Nai áp dụng công nghệ vào phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững

Đồng Nai hiện là một tỉnh công nghiệp với diện tích tự nhiên gần 600.000 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm trên 350.000 ha, hơn 60% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, năm 2021, tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản đạt 3,01%, cao hơn bình quân chung cả nước và là 01 trong 2 địa phương đạt mức tăng trưởng cao trong khu vực Đông Nam bộ, đóng góp 10,56% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng 28,3%, góp phần ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh 52%. Đặc biệt, có 03/05 chỉ tiêu vượt chỉ tiêu nghị quyết giao là: tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch (81,95%), số xã đạt chuẩn NTM mới nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ luôn được quan tâm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng và ngày càng phổ biến. Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng tuy có giảm nhưng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên sản lượng các loại cây trồng chính đều tăng. Toàn tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh trong đó có vùng chuyên canh về trồng trọt, cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, bưởi, mít và cây công nghiệp như tiêu, điều, ca cao; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 1.667 ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương; chuyển đổi 2.519 ha từ đất trồng lúa sang cây hàng năm, cây lâu năm và kết hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản nhằm tăng hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chăn nuôi vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp (61,83%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Trong đó, heo và gà là 2 loại vật nuôi chủ lực của tỉnh, được phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện đàn heo khoảng 2,1 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn với 1.332 trang trại; đàn gà khoảng 23,183 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 360 trang trại. Bên cạnh đó, tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, tiếp tục chuyển dịch sang phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh, chuyển đổi đối tượng nuôi kém hiệu quả sang đối tượng có giá trị kinh tế tăng cao.

Trong năm 2021 có thêm 48 chuỗi liên kết được hình thành, 36 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, 12 HTX và 26 THT được thành lập mới. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 180 chuỗi liên kết, 183 HTX, 1.002 CLB-THT, 1.601 trang trại và 533 doanh nghiệp nông nghiệp. Công tác xúc tiến thương mại gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được thường xuyên chỉ đạo thực hiện. Hình thành thêm nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, thương mại điện tử đối với sản phẩm nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được kết quả tích cực: trong năm 2021 có thêm 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến hết năm 2021 cả tỉnh có 65/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 08 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh cũng đã thực hiện một số đề án về xây dựng NTM như đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025; đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với huyện Trảng Bom,… Người dân nông thôn cũng từng bước áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Về chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP của 46 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Kế thừa những thành quả đạt được, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai định hướng tiếp tục tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành và xây dựng NTM theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tăng cường chuyển đổi sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, đẩy mạnh liên kết sản xuất phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chuyển đổi số, công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, từ chọn, tạo, sản xuất giống đến sản xuất và chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Quan tâm đẩy mạnh việc nhân rộng các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm tỉnh, vùng, quốc gia. Tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản; làm tốt thông tin, dự báo, định hướng thị trường; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và tạo cảnh quan môi trường tốt đẹp cho người dân ở khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường, sinh thái. Gắn chặt xây dựng NTM với thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông nội đồng, điện sản xuất, thủy lợi nội đồng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung gắn với công nghiệp chế biến.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành Nông nghiệp Đồng Nai phấn đấu đạt tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt tối thiểu 80%. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm và tăng lên 108 triệu đồng/người vào năm 2030.