Nhỏ Bình thường Lớn

Đồng Nhân dân tệ bất ngờ 'trúng đạn', kinh tế Trung Quốc tăng thách thức

Trung Quốc có thể mất đi hỗ trợ chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay khi người dân đổ xô du lịch nước ngoài và xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh do suy thoái toàn cầu.
Đồng Nhân dân tệ bất ngờ 'trúng đạn', kinh tế Trung Quốc tăng thách thức
Nhiều người Trung Quốc sẽ đổi đồng Nhân dân tệ lấy ngoại tệ để đi du lịch, dẫn đến dòng vốn chảy ra nước ngoài nhiều hơn. (Nguồn: Bloomberg)

Sau khi đạt mức cao nhất trong 14 năm, gần 420 tỷ USD vào năm ngoái, thặng dư tài khoản vãng lai - thước đo rộng nhất về thương mại hàng hóa và dịch vụ - tại Trung Quốc dự kiến ​​sẽ thu hẹp mạnh trong năm nay.

Các nhà kinh tế được hãng Bloomberg khảo sát dự đoán, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ suy yếu xuống 1,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay, giảm từ mức 2,3% vào năm 2022.

Sự sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà còn gây áp lực đến đồng Nhân dân tệ. Ít xuất khẩu hơn có nghĩa là "túi tiền" của đất nước sụt giảm. Trong khi đó, du lịch nước ngoài tăng mạnh có nghĩa là nhiều người Trung Quốc sẽ đổi đồng Nhân dân tệ lấy ngoại tệ để chi tiêu, dẫn đến dòng vốn chảy ra nước ngoài nhiều hơn.

Tăng thách thức

Sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch là một trong những yếu tố hỗ trợ chính cho nền kinh tế và tài khoản vãng lai. Xuất khẩu hàng hóa kỷ lục và cán cân thương mại cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái đã giúp bù đắp cho tình trạng sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản và tác động từ các biện pháp hạn chế vì Covid-19.

Khu vực xuất khẩu của đất nước này cung cấp hơn 180 triệu việc làm. Sự chậm lại trong thương mại trong năm nay sẽ làm giảm thu nhập của các doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời làm tăng thêm những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai phải đối mặt trong việc mở rộng nhu cầu trong nước.

Nhà kinh tế trưởng Dan Wang của Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc nhận định: “Rất có khả năng Trung Quốc sẽ chứng kiến ​​thâm hụt thương mại vào năm 2023. Điều này kéo tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm, khiến lợi nhuận và việc làm trong lĩnh vực sản xuất sụt giảm theo”.

Nhà kinh tế này cho biết thêm, cán cân thương mại đảo ngược cũng sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng đối với đồng Nhân dân tệ, làm tăng tính biến động trên thị trường tài chính.

Thương mại hàng hóa và dịch vụ đã đóng góp thêm 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm ngoái, nâng tổng mức mở rộng của nền kinh tế trong năm lên 3%.

Đón tin tốt từ kinh tế Trung Quốc, thế giới lại Đón tin tốt từ kinh tế Trung Quốc, thế giới lại 'run
Tin liên quan

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, thương mại không còn là lực cản đối với tăng trưởng kể từ năm 2018 khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Wang Tao tại UBS Group AG dự đoán, xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ có thể khiến tăng trưởng GDP trong năm nay giảm khoảng 0,5%.

Tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước cho thấy, bức tranh thương mại tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mờ dần từ cuối năm ngoái, với mức thặng dư hàng hóa giảm 10% trong quý IV/2022 so với một năm trước.

Về phía dịch vụ, thâm hụt thương mại trong quý cuối cùng của năm 2022 đã tăng 89% so với một năm trước, lần đầu tiên mức thâm hụt này gia tăng kể từ cuối năm 2018.

Mặc dù quy mô thâm hụt vẫn chưa bằng một nửa mức trước đại dịch nhưng có khả năng tình hình sẽ xấu đi hơn nữa khi người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài. Mua ngoại tệ cho thương mại dịch vụ đã tăng trong tháng 12/2023 lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo cho thấy, Trung Quốc đang đối mặt với một loạt vấn đề kinh tế dài hạn được cho là sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, bao gồm dân số lão hoá và tổng năng suất lao động tăng chậm lại.

Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo của IMF cũng nhấn mạnh, mặt hạn chế của mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư của Trung Quốc. Trong mô hình này, dòng vốn khổng lồ được rót vào các doanh nghiệp quốc doanh và lĩnh vực bất động sản. Theo báo cáo, việc đặt trọng tâm vào những khu vực kém năng suất như vậy đẩy cao nguy cơ nợ công chồng chất.

Quỹ này nhấn mạnh: "Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn đang bị phủ bóng bởi những yếu tố như căng thẳng địa chính trị và cuộc cạnh tranh khốc liệt toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ.

Nếu không có nỗ lực cải cách, dân số lão hoá và năng suất suy giảm có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong dài hạn. Những yếu tố chèn ép này cho thấy sự cần thiết phải tái cân bằng khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và có mức phát thải carbon cao sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, cụ thể là dựa vào tiêu dùng".

Trung Quốc điều chỉnh hoạt động cho vay nước ngoài
Sự sụt giảm tài khoản vãng lai không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà còn gây áp lực đến đồng Nhân dân tệ. (Nguồn: Reuters)

Nhân dân tệ "trúng đạn"

Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhập khẩu, gây áp lực lên thặng dư tài khoản vãng lai và đồng Nhân dân tệ khi nhiều ngoại tệ chảy ra khỏi đất nước.

Mặc dù các thị trường tài chính đã phục hồi nhờ sự lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng triển vọng vẫn không chắc chắn.

Ông Le Xia, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA cho hay: “Nếu sự phục hồi của Trung Quốc không như kỳ vọng của người dân hoặc một số rủi ro tài chính leo thang, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tránh xa các tài sản bằng đồng Nhân dân tệ.

Song song với đó, các nhà đầu tư cũng sẽ trở nên miễn cưỡng hơn trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ đối với các thị trường mới nổi bao gồm cả Trung Quốc nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất".

Thời gian qua, các quan chức đã tìm cách hạ thấp những lo ngại về tăng trưởng và thay vào đó nhấn mạnh việc cải thiện niềm tin vào nền kinh tế.

Tháng trước, Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Guo Shuqing cho biết, tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại con đường bình thường “khá nhanh” và đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng giá trong trung và dài hạn .

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Đại lục và Bắc Á tại Standard Chartered Plc nhận định: “Tôi không nghĩ rằng, thặng dư thương mại giảm sẽ là mối lo ngại đối với chính phủ nếu điều đó phản ánh nhu cầu trong nước mạnh hơn.

Chính phủ có thể tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài, bao gồm cả thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Điều này sẽ ngăn chặn sự tách rời khỏi các nền kinh tế phương Tây".

Giật mình với số tiền người dân Trung Quốc tiết kiệm năm 2022

Giật mình với số tiền người dân Trung Quốc tiết kiệm năm 2022

Do các biện pháp hạn chế vì Covid-19, năm 2022, người dân Trung Quốc đã ở nhà nhiều hơn và tiết kiệm được số tiền ...

Kinh tế Trung Quốc ‘vượt rào’ chiếm vị trí dẫn đầu công nghệ toàn cầu, từ ‘đường làng’… đến vũ trụ

Kinh tế Trung Quốc ‘vượt rào’ chiếm vị trí dẫn đầu công nghệ toàn cầu, từ ‘đường làng’… đến vũ trụ

"Trung Quốc trên con đường hướng tới dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và các lệnh trừng phạt mới của Mỹ".

Nhà đầu tư đặt cược vào Trung Quốc sẽ làm hồi sinh kinh tế toàn cầu

Nhà đầu tư đặt cược vào Trung Quốc sẽ làm hồi sinh kinh tế toàn cầu

Christy Tan, chiến lược gia về đầu tư tại Viện Franklin Templeton cho biết, thế giới đều đang chờ đợi một cuộc suy thoái ở ...

Khủng hoảng nhân khẩu học là 'cú đánh mạnh' vào nền kinh tế Trung Quốc

Khủng hoảng nhân khẩu học là 'cú đánh mạnh' vào nền kinh tế Trung Quốc

Wang Pei'an, Phó Giám đốc Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc cho rằng nước này cần các chính sách khuyến khích người ...

Điểm danh những 'cạm bẫy' đang bủa vây nền kinh tế Trung Quốc

Điểm danh những 'cạm bẫy' đang bủa vây nền kinh tế Trung Quốc

Báo Mainichi ngày 12/2 dẫn phân tích của Giáo sư Rumi Aoyama, Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Waseda cho rằng nền ...

(theo Bloomberg)