Kinh tế Trung Quốc ‘vượt rào’ chiếm vị trí dẫn đầu công nghệ toàn cầu, từ ‘đường làng’… đến vũ trụ. Ảnh: Phương tiện vận chuyển được mệnh danh là phương tiện mặt đất nhanh nhất thế giới. (Nguồn: cnsphoto) |
Qua nội dung bài nghiên cứu vừa công bố, lấy tên gọi như trên, Viện Trung Quốc và các nước châu Á hiện đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (ifes-ras.ru) muốn dẫn chứng về vị trí hàng đầu về công nghệ toàn cầu của Trung Quốc, 'băng băng' vượt qua các rào cản để thực hiện tốt các kế hoạch phát triển dài hạn.
Nỗ lực đứng ngang hàng với các cường quốc đổi mới
Trong khuôn khổ Kế hoạch dài hạn đến năm 2020, Trung Quốc đã nỗ lực đứng ngang hàng với các cường quốc đổi mới trên thế giới.
Bất chấp môi trường "sóng gió" từ bên ngoài, hầu hết các dự án phát triển quốc gia đều được hoàn thành đúng hạn. Đến thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, trên một số lĩnh vực, Trung Quốc đã thực sự đuổi kịp và vượt các nước phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá, tình trạng tụt hậu về công nghệ trong sản xuất một số ngành quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc vẫn còn tồn tại.
Đặc biệt, Trung Quốc tạo ra khoảng một nửa nhu cầu cả thế giới về chất bán dẫn - cần thiết cho việc sản xuất các sản phẩm điện - là cơ sở xuất khẩu của nước này. Năng lực của nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc là SMIC hạn chế và không cho phép đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường trong nước. Ngoài ra, công ty này còn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ nên càng bị hạn chế sự phát triển.
Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) TSMC – nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, ước tính chiếm hơn 1 nửa sản lượng toàn cầu. Công ty này sản xuất nhiều loại sản phẩm, bao gồm cả những sản phẩm phù hợp để sử dụng trong các phát triển tiên tiến. Năm 2020, các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm khoảng 17% doanh số bán hàng của công ty này.
Nhưng do áp lực từ Bộ Thương mại Mỹ trong nửa cuối năm 2020, TSMC đã tạm dừng cung cấp linh kiện bán dẫn cho hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei - một trong những đối tác lớn nhất của TSMC. Bởi vậy, trong thời gian tới, việc cung cấp hàng cho các công ty Trung Quốc tham gia quá trình phát triển siêu máy tính sẽ bị hạn chế.
Vào tháng 10/2022, quy mô của các rào cản đã tăng lên đáng kể: 28 công ty sáng tạo của Trung Quốc rơi vào lệnh trừng phạt của Mỹ. Việc cung cấp vi mạch cho siêu máy tính, hệ thống máy tính thông minh và hệ thống máy tính hiệu năng cao từ Mỹ và các công ty sản xuất chip sử dụng công nghệ của Mỹ đều bị hạn chế.
Trong "cuộc đua" giữa các quốc gia nhằm duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ, mọi biện pháp đã được các bên sử dụng triệt để. Trong đó, các biện pháp hạn chế mới đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cũng đã được tung ra. Tuy nhiên, đến năm 2020, Bắc Kinh đã cố gắng hoàn thành một số bước đột phá đổi mới và tiến gần hơn đến đối thủ cạnh tranh chính là Mỹ.
Tiến bộ đáng kể đã đạt được trong ngành công nghiệp hạt nhân, ghi nhận bằng 54 tổ máy đang hoạt động, tính đến ngày 30/6/2022. Về sản lượng điện tại các nhà máy điện hạt nhân, vào năm 2021, Trung Quốc đã vượt qua Pháp, một trong những cường quốc hạt nhân lớn nhất.
Đối thủ cạnh tranh duy nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này hiện là Mỹ - tính đến cuối năm 2021, có 93 lò phản ứng đang hoạt động. Nhưng khoảng cách công nghệ đang được thu hẹp nhanh chóng: vào năm 2020, Trung Quốc đã cho ra đời thành công lò phản ứng hạt nhân loại Hualong và dự kiến sẽ cho ra đời 1 lò phản ứng loại SAR-1400, hoặc Guohe One. Tuy nhiên, cả hai lò này đều không phải là sự phát triển tiên tiến của Trung Quốc mà dựa trên hợp tác với các đối tác phương Tây (Pháp trong trường hợp lò Hualong và Mỹ trong trường hợp Guohe One).
Ngành Du hành vũ trụ đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Năm 1970, Trung Quốc phóng vệ tinh trái đất nhân đạo "Đông Phương Hồng 1" lên quỹ đạo, trở thành cường quốc vũ trụ thứ 5 trên thế giới sau Liên Xô, Mỹ, Pháp và Nhật Bản. Năm 1999, nước này lần đầu tiên phóng tàu vũ trụ không người lái Thần Châu-1 vào vũ trụ và năm 2003, với việc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-5, Trung Quốc đã trở thành nước thứ ba trên thế giới thực hiện chuyến bay có người lái.
Vào năm 2021, mô-đun cơ sở của trạm vũ trụ Thiên Hà đã được phóng lên quỹ đạo. Tháng 6/2022, tàu vũ trụ Thần Châu-14 bắt đầu chuyến bay có người lái lần thứ 3 tới trạm Trung Quốc.
Nước này cũng đang phát triển hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của riêng mình. Sau 26 năm phát triển, vào năm 2020, phiên bản toàn cầu của vệ tinh này, Bắc Đẩu-3 đã được đưa vào hoạt động.
Vào năm 2020, tàu thám hiểm Mặt Trăng Thường Nga-5 của Trung Quốc đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thu thập đất trên mặt trăng. Qua đó, Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ ba thế giới, sau Mỹ và Liên Xô thực hiện các thí nghiệm như vậy. Vào tháng 9/2022, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một khoáng chất mới trong đó, được gọi là Changesite.
Vào năm 2021, sứ mệnh đầu tiên của tàu tự hành Zhurong của Trung Quốc đã hoàn thành thành công, sứ mệnh này đã phát hiện ra dấu vết xói mòn của nước trên bề mặt Sao Hoả.
Điểm đáng chú ý nữa là những thành tựu của Trung Quốc được ghi nhận trong nghiên cứu biển sâu. Vào tháng 11/2020, tàu lặn có người lái Fendouzhe đã lặn xuống Rãnh đại dương Marina ở độ sâu 10.909m.
Trung Quốc cũng đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc chế tạo siêu máy tính. Thiên Hà-2 vào năm 2013 đã trở thành siêu máy tính mạnh nhất thế giới,tuy nhiên vẫn được lắp đặt trên cơ sở bộ vi xử lý của công ty Intel của Mỹ. Nhưng từ năm 2016-2018, một siêu máy tính khác của Trung Quốc là "Sunway TaihuLight" đã chiếm vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng thế giới và nó sử dụng bộ vi xử lý do Trung Quốc sản xuất.
Sau đó, Trung Quốc mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này do những hạn chế của phương Tây áp đặt đối với việc cung cấp vi mạch hiệu suất cao và "người dẫn đầu" được chuyển cho Fugaku của Nhật Bản, cũng như Summit và Sierra của Mỹ.
Theo bài nghiên cứu của ifes-ras.ru, tháng 10/2022, công ty Trung Quốc Sunway bị đưa vào danh sách trừng phạt mới của Mỹ, kìm hãm khả năng quay trở lại bảng xếp hạng thế giới của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.
Dần bỏ xa các nước phát triển?
Trong lĩnh vực viễn thông và thị trường đường sắt cao tốc, Trung Quốc không chỉ tiếp cận mà còn bắt kịp, thậm chí bỏ xa các nước phát triển.
Năm 2006, tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng được khai trương, trở thành tuyến đường sắt trên cao dài nhất thế giới. Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về tổng chiều dài đường sắt, sau Mỹ (năm 2020 là 150.000 km) và dẫn đầu về chiều dài đường sắt cao tốc (năm 2021 chiều dài tuyến cao tốc đã vượt hơn 40.000 km).
Mỹ và Trung Quốc vượt trội so với các quốc gia khác về số lượng phát triển trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong số các nhà sản xuất lớn nhất có các công ty Trung Quốc Baidu, DJI, SenseTime, Megvii và Iflytek, nhưng tất cả các công ty này (ngoại trừ Baidu) đều đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các nhà sản xuất AI của Trung Quốc chỉ xếp sau các công ty Mỹ là Microsoft, Google và Facebook.
Những kết quả ấn tượng cũng đã đạt được trong ngành viễn thông. Xét về số lượng bằng sáng chế cho tiêu chuẩn mạng viễn thông 5G, Trung Quốc đứng đầu thế giới. Vào năm 2021, số lượng trạm cơ sở 5G đã vượt hơn 1,4 triệu, chiếm khoảng 70% tổng số trạm của thế giới. Vùng phủ sóng 5G đã đạt 98% ở các thành phố và 80% ở các làng mạc.
Các đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ 5G vẫn là Mỹ và Hàn Quốc.
Trung Quốc dẫn đầu về số lượng nghiên cứu trong lĩnh vực kênh liên lạc an toàn lượng tử. Nước này đi trước các quốc gia khác tham gia vào sự phát triển tương tự (Mỹ, Đức và Nhật Bản). Hoạt động trong lĩnh vực điện toán lượng tử được thực hiện bởi các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Baidu, Alibaba, Tencent và "gã khổng lồ" viễn thông Huawei. Trong lĩnh vực truyền thông lượng tử, các nhà khai thác di động hàng đầu của Trung Quốc có thể "điểm danh" như China Mobile, China Telecom và China Unicom.
Vào năm 2020, một sáng chế lớn đầu tiên đã hoàn thành - nguyên mẫu máy tính lượng tử được tạo ra ở Trung Quốc, được gọi là Jiuzhang. Tính độc đáo của nó nằm ở tốc độ tính toán cao, vượt xa các siêu máy tính mạnh nhất hiện có trên thế giới. Mỹ tất nhiên đã không "bỏ qua" những thành tựu mới này, khi khả năng cung cấp vi mạch cho những phát triển đó đang nằm trong tay họ.
Trên thực tế, đứng trước nhiều rào cản, tỷ lệ sử dụng linh kiện nước ngoài ở Trung Quốc đang giảm dần hàng năm và mức độ nội địa hoá sản xuất công nghệ cao ngày càng tăng. Tỷ lệ này trong ngành công nghiệp bán dẫn là lớn nhất do sự lạc hậu của sản xuất nhà nước và hạn chế ngày càng tăng đối với việc cung cấp chất bán dẫn và vi mạch từ nước ngoài.
Bài nghiên cứu của Viện Trung Quốc và các nước châu Á hiện đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga kết luận, việc Trung Quốc có thực hiện được mục tiêu tiệm cận nhóm nước dẫn đầu về phát triển đổi mới sáng tạo vào năm 2030 và trở thành cường quốc khoa học kỹ thuật hàng đầu vào giữa thế kỷ XXI trong điều kiện hiện nay hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng chịu đựng sức ép từ bên ngoài của nước này, trước hết là trong ngành công nghiệp bán dẫn.
| Giá vàng hôm nay 8/2: Giá vàng tăng, vẫn được dự báo khả quan, nên đầu tư vào đâu trong năm nay? Giá vàng hôm nay 8/2/2023 tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của đồng USD yếu, nhưng nếu muốn tăng cao hơn nữa thị trường sẽ ... |
| Giá cà phê hôm nay 9/2/2023: Giá liên tục đổi chiều, tín hiệu khởi sắc của cà phê đặc sản thương hiệu Việt Thị trường cà phê vừa đón nhận kết quả khảo sát do Reuters vừa công bố, theo đó, giá cà phê arabica trên sàn New ... |
| Canh bạc chính trị, ông Biden ‘chơi dốc túi’ vào mục tiêu tái cấu trúc kinh tế Mỹ Nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Joe Biden là tham vọng, là mạo hiểm hay ích kỷ? |
| Làn sóng doanh nghiệp ồ ạt rời Nga, các 'ông lớn' phương Tây quyết 'dứt tình' với Moscow? Kể từ khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, những tên tuổi kinh doanh lớn của thế giới đã ... |
| Kinh tế Trung Quốc: Sau năm 2022 'bước hụt', là năm 2023 mất đà? Năm 2022 kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 3%, thấp hơn so với mục tiêu 5,5% được đề ra tại kỳ họp ... |