Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là thị trường lớn nhất của Tập đoàn Qualcomm (Mỹ). (Nguồn: Reuters) |
Chiến lược có tên gọi "ở lại Trung Quốc vì Trung Quốc" là một quy trình tích hợp, theo đó các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thiết kế, phát triển và sản xuất hoàn toàn trong nước để bán cho khách hàng địa phương.
Xin Qiang, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu quốc tế của Đại học Fudan (Thượng Hải) cho biết, phương án này đang trở thành một trong số ít lựa chọn khả thi đối với nhiều công ty đa quốc gia - đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất.
"Nhiều công ty không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc. Dù vậy, trong tương lai, nhiều công ty nước ngoài sẽ tách Trung Quốc khỏi các hoạt động khác của mình ở một mức độ nào đó", ông cho biết.
Tập đoàn NXP của Hà Lan - nhà cung cấp chất bán dẫn lớn vốn xem Trung Quốc là một trong những nguồn doanh thu chính - là doanh nghiệp mới nhất tham gia xu hướng này, khi các lệnh hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu có hiệu lực và nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump tại Nhà Trắng đang đến rất gần.
Theo hãng tin Bloomberg và một số báo cáo khác, công ty đang cân nhắc việc xây dựng chuỗi cung ứng chip dành riêng cho Trung Quốc trong nỗ lực tìm giải pháp cân bằng giữa các yêu cầu tuân thủ từ phương Tây với việc thực hiện cam kết của Tập đoàn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Phó Chủ tịch điều hành NXP Andy Micallef cho hay, Tập đoàn này nhiều khả năng sẽ xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín ngay tại Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng thuộc thị trường nội địa.
Các nhà phân tích nhận định, cách làm này, vốn từng được áp dụng cho các lĩnh vực khác như hóa chất, dược phẩm và ô tô, có thể là hướng đi hiệu quả cho phép các công ty nước ngoài tập trung vào việc tái cấu trúc doanh nghiệp.
"Chiến lược này bảo đảm phía Trung Quốc đánh giá đây là sản phẩm được sản xuất để phục vụ cho nhu cầu trong nước và có thể giúp Bắc Kinh bác bỏ mọi lập luận cho rằng sản xuất tại Trung Quốc là để xuất khẩu sang Mỹ", James Zimmerman, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết.
Theo ông này, nếu các công ty Trung Quốc có quyền lựa chọn giữa sản phẩm của Mỹ so với sản phẩm được sản xuất tại địa phương hoặc từ một khu vực pháp lý thân thiện hơn, họ có thể sẽ chọn phương án thay thế. Nhưng nếu họ không thể tìm được nguồn cung ứng nội địa, họ vẫn cần tìm nguồn cung ứng trên toàn cầu.
Hôm 2/12, Mỹ đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu sang Trung Quốc 24 loại thiết bị sản xuất chip và 3 loại phần mềm, tập trung vào các chip nhớ băng thông cao rất quan trọng đối với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các hạn chế này nhằm mục đích ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng năng lực về AI của mình để sử dụng cho mục đích quân sự.
Một ngày sau đó, 4 Hiệp hội thương mại Trung Quốc thúc giục các thành viên thận trọng khi mua chip từ Mỹ, khuyến khích ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Zimmerman cảnh báo, các công ty Mỹ có thể gặp bất lợi so với các công ty Trung Quốc hoặc các công ty từ một quốc gia thứ ba vốn không bị ràng buộc bởi các hạn chế của lệnh cấm xuất khẩu hoặc lệnh trừng phạt.
Bất chấp cạnh tranh công nghệ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới vẫn diễn ra khốc liệt, rất ít doanh nghiệp nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn rời bỏ thị trường Trung Quốc, bởi lẽ nền kinh tế lớn thứ hai vẫn luôn là một trị trường lớn, mang lại lợi nhuận tốt cho các tập đoàn đa quốc gia và các công ty công nghệ quốc tế.
Trong báo cáo tài chính gần đây nhất của Tập đoàn Qualcomm, có tới 46% doanh thu là đến từ các khách hàng Trung Quốc, duy trì vị thế là thị trường lớn nhất. Báo cáo cũng đánh dấu mức tăng trưởng về doanh thu từ thị trường này so với mức 37% của năm 2023.
Nvidia - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đang thúc đẩy làn sóng AI có được 15% doanh thu từ thị trường Trung Quốc trong quý 3/2024. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng chiếm 27% doanh thu của Nvidia năm 2023.
Nhà phân tích Jim Chien của Digitimes Research ước tính, tỷ lệ nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ trong tổng lượng chip nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 3% vào năm 2023. Tổng lượng chất bán dẫn nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2024 dự kiến tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước lên 320 tỷ USD, với thâm hụt thương mại chip sẽ tăng 3% lên 238 tỷ USD.
“Trung Quốc hiểu được những thách thức địa chính trị đang gia tăng mà các công ty đa quốc gia phải đối mặt và chính quyền cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Chiến lược này có thể không phải là điều Bắc Kinh mong muốn, nhưng ít nhất những công ty nước ngoài đang áp dụng chiến lược này sẽ không rời đi", ông Jim Chien bình luận.
| Tận dụng nợ công 'khủng' của Mỹ, Trung Quốc tham vọng dùng vàng để 'hạ gục' đồng USD Trung Quốc đang dần từ bỏ các tài sản được định giá bằng đồng USD để chuyển sang vàng - một động thái hướng tới ... |
| Bầu cử Tổng thống Mỹ có đảo ngược 'thế trận' cuộc đua trong ngành năng lượng Mặt trời? Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang nỗ lực trong cuộc chiến bảo đảm tương lai của ngành năng lượng Mặt trời. Cuộc ... |
| Bầu cử Mỹ trước 'giờ G': 'Kỳ phùng địch thủ' Trung Quốc vẫn gia tăng sức ảnh hưởng, chiến lược châu Á sẽ được định hình ra sao? Chỉ còn 2 ngày nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính và các chuyên gia đang cố gắng tìm hiểu ... |
| Chủ tịch Tập Cận Bình nhắn nhủ gì tới ông Trump trong thông điệp chúc mừng? Tân Hoa xã đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp chúc mừng tới Tổng thống Mỹ mới đắc cử ... |
| Vũ khí laser chống UAV: Mặt trận nóng bỏng mới trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc Cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục trải rộng trên nhiều lĩnh vực khi hai siêu cường hàng đầu ... |