Việc phát hành đồng Petro điện tử là chủ trương mà Chính phủ Venezuela nỗ lực thúc đẩy nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Theo ông Roa, giá trị này không cố định mà sẽ linh hoạt và được điều chỉnh dựa theo thị trường dầu mỏ thế giới.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Venezuela Hugbel Roa. (Nguồn: EFE) |
Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cho biết, nước này bắt đầu bán đồng Petro từ ngày 20/2 tới và dự kiến trong khoảng một tháng, sẽ có 38,4 triệu đồng Petro trong tổng số 100 triệu đồng Petro được bán ra với tỷ giá 1 Petro tương đương với giá trị của 1 thùng dầu thô có giá bán hơn 59 USD.
Theo ông Maduro, kế hoạch này sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội Venezuela.
Chính phủ Venezuela dự báo nước này có thể thu về từ 20 triệu USD đến 200 triệu USD từ việc phát hành đồng tiền điện tử Petro.
Hiện có khoảng 52.000 người đăng ký mua Petro thông qua Cơ quan Thống kê điện tử khoáng sản quốc gia.
Việc phát hành đồng tiền này sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế, củng cố hệ thống tín dụng và an sinh xã hội Venezuela trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại nước này.
Theo Tổng thống Maduro, với quyết định cho ra đời đồng tiền trên, Venezuela đang nỗ lực giải quyết việc tự chủ tài chính, tiền tệ trên thị trường quốc tế và đối phó với các chính sách bao vây, cấm vận cũng như cuộc chiến tranh kinh tế do Mỹ và các thế lực cánh hữu tiến hành.
Quyết định phát hành đồng Petro của Chính phủ Venezuela được đưa ra trong bối cảnh từ tháng 8/2017 cho tới nay, Mỹ liên tiếp đưa ra những biện pháp cấm vận nước này.
Ngoài ra, Venezuela cũng cần thu hút vốn trong bối cảnh khan hiếm ngoại tệ trầm trọng bởi giá dầu thế giới lao dốc khiến nguồn thu của quốc gia sản xuất dầu mỏ này trở nên vô cùng hạn hẹp. Theo ước tính của một số chuyên gia, nợ nước ngoài của Venezuela vào khoảng 150 tỷ USD.