Mỹ bật đèn xanh cho Israel tiếp tục xây dựng khu định cư Do thái trên lãnh thổ đánh chiếm và thôn tính. Biếm họa của Sabaaneh (Middle East Monitor) |
Đảo ngược chính sách
Xưa nay, phe cánh hay cá nhân nào lên cầm quyền ở Mỹ đều ủng hộ Israel nhưng cho tới Tổng thống đương nhiệm là Donald Trump thì chưa có ai ủng hộ Israel xây dựng các khu định cư dành cho người Do Thái trên khu vực lãnh thổ không thuộc chủ quyền của Israel. Ở thời cuối nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Barack Obama, phía Mỹ còn đồng hành với LHQ trong việc lên án Israel xây dựng trái phép những khu định cư này.
Ông Trump cứ từng bước đi ngược lại. Đầu tiên là việc ngừng tài chi cho những tổ chức quốc tế thực hiện các dự án phát triển kinh tế và xã hội ở Palestine. Rồi đến quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Tiếp đó là công nhận những vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng trái phép bằng chiến tranh ở cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel. Và mới đây là bước quay ngược mới thể hiện trong phát biểu của ông Pompeo. Sự đảo ngược này trong thực chất không khác gì những bước đảo ngược trước đó nên có đáng được chú ý chăng thì chỉ ở phương diện thời điểm mà từ giác độ ấy thì có thể thấy ông Trump và cộng sự theo đuổi 3 mục đích.
Chủ đích của Mỹ
Thứ nhất là phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại ở Mỹ. Để được tái đắc cử tổng thống trong năm tới, ông Trump cần lá phiếu của bộ phận cử tri là người Do Thái hay gốc Do Thái ở Mỹ. Lực lượng vận động hành lang cho Israel ở Mỹ rất mạnh. Ông Trump hiện gặp khó khăn và khó xử ngày càng tăng ở Mỹ do bị phe Đảng Dân chủ tăng cường nỗ lực để quốc hội luận tội và phế truất tổng thống đương nhiệm.
Trong tình cảnh chung ấy, mọi hành động đối ngoại còn có tác động đánh lạc hướng sự quan tâm theo dõi của dư luận và làm suy giảm áp lực từ dư luận. Càng bị khó khăn và khó xử, ông Trump càng cần lá phiếu của bộ phận cử tri đặc biệt nói trên.
Thứ hai, ở Israel hiện vẫn dai dẳng cuộc khủng hoảng chính trị quyền lực. Người được ông Trump sủng ái nhất là Thủ tướng Benjamin Netanyahu hiện có nguy cơ bị mất quyền. Ông Trump đi bước này để hậu thuẫn ông Netanyahu cả trong quá trình thành lập chính phủ hiện tại ở Israel lẫn trong lần tổng tuyển cử thứ 3 có thể xảy ra trong năm nay nếu như sau mấy ngày nữa đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông Netanyahu ở Israel không thành công với việc thành lập chính phủ mới.
Thứ ba, ông Trump đã từng nhiều lần tuyên cáo sẽ có sáng kiến hoà bình mới cho Trung Đông và đề cao nó là "Thoả thuận thế kỷ" nhưng lần lữa đến tận bây giờ vẫn chưa thấy tung ra được. Bằng cách tạo tình huống mới ở khu vực này như thế, ông Trump có thể tiếp tục trì hoãn việc công bố văn kiện nói trên mà tránh được bị coi là đánh trống bỏ rùi hay sáo rỗng.
Vận dụng hay làm theo cách mình muốn?
Trong thực chất, ông Trump và cộng sự lại thêm một lần nữa thể hiện chủ ý nói một đằng, làm một nẻo trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Ông Trump và cộng sự cho rằng cách tiếp cận và định hướng quan điểm chính sách lâu nay của Mỹ đã không giải quyết được vấn đề nên cần phải thay đổi nhưng cách tiếp cận và định hướng quan điểm chính sách mới của ông Trump lại làm cho vấn đề cần được giải quyết trở nên nan giải hơn, triển vọng có được giải pháp càng thêm mù mịt, quan hệ giữa Israel và Palestine càng thêm thù địch.
Ông Trump và cộng sự chủ ý tung ra giải pháp mới trong khi vai trò trung gian hoà giải ở khu vực lại không còn có thể được chấp nhận do quá thiên lệch về phía Israel. Phía Mỹ quả quyết là không bất chấp luật pháp quốc tế mà chỉ hiểu và vận dụng luật pháp quốc tế theo cách khác nhưng trên thực tế lại thực hiện việc dùng sức mạnh và sự đã rồi để vô hiệu hoá luật pháp quốc tế. Ông Pompeo quả quyết là phía Mỹ không tạo tiền lệ nhưng trên thực tế đâu có khác gì Mỹ bật đèn xanh cho Israel tiếp tục chính sách xây dựng các khu định cư cho người Do Thái trên vùng lãnh thổ đã đánh chiếm và thôn tính của láng giềng trong khu vực.
Qua đó có thể thấy là ông Trump hoàn toàn không coi trọng việc tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, không dành ưu tiên chính sách cho việc ấy và tuy phát ngôn to tát vậy về Thoả thuận thế kỷ nhưng trên thực tế cho đến nay vẫn chưa có được ý tưởng chính sách nào khác ngoài nghĩ ngược và làm ngược với những người tiền nhiệm.