Israel quyết tấn công thành phố Rafah, nhằm xóa sổ Hamas, chiếm giữ toàn bộ Dải Gaza, bất chấp phản ứng quốc tế. Sau nhiều lời kêu gọi, nỗ lực thúc đẩy đối thoại không thành, cộng đồng quốc tế hành động tích cực hơn. Một loạt động thái mới diễn ra, ít nhiều tác động đến các bên. Xung đột liệu có chấm dứt? Giải pháp hai nhà nước có tia hy vọng nào không?
Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng. (Nguồn: UN) |
Bước chuyển trong nghị trường và rung động trên đường phố
Sáng 10/5, tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt, Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết mang tính lịch sử. Đoàn đại biểu Palestine được đặc cách hưởng thêm một số quyền như các thành viên chính thức và khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét lại việc kết nạp Palestine.
Nghị quyết Đại hội đồng khẳng định quyền tự quyết của nhân dân Palestine; đánh giá Nhà nước Palestine đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Đây là bước đi quan trọng trên hành trình gian nan gia nhập Liên hợp quốc của Palestine, có ý nghĩa công nhận và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
Bên ngoài nghị trường cũng dậy sóng. Hàng loạt cuộc tuần hành, biểu tình, phản đối, tẩy chay Israel, ủng hộ người Palestine diễn ra trong khu vực người Arab, người Hồi giáo và ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Thụy Điển, Tây Ban Nha… Ngày càng nhiều lãnh đạo, quan chức phương Tây (như các Thủ tướng: Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Bỉ Alexander De Croo, Ireland Leo Varadkar…) thay đổi quan điểm, lên tiếng ủng hộ người Palestine, phản đối xung đột leo thang. Ngay tại Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel, làn sóng biểu tình của sinh viên cũng lan rộng ở nhiều trường đại học.
Cùng với Nam Phi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đồng tình khởi kiện Israel ra Tòa Công lý quốc tế (ICJ) vì những hành vi diệt chủng tại Dải Gaza. Phán quyết bước đầu của ICJ chưa trực tiếp kết luận Israel phạm tội diệt chủng, nhưng cũng chỉ ra những hành vi có khả năng vi phạm Công ước chống diệt chủng; tác động tích cực đến viện trợ nhân đạo và lời kêu gọi ngừng bắn.
Những động thái đó được ví như “làn sóng ngầm” chưa từng có đối với chính trị, ngoại giao của Israel. Tỷ lệ phiếu thuận áp đảo (143/25) tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và các cuộc tuần hành, biểu tình ở nhiều nước là thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với nguyện vọng chính đáng, sự chính nghĩa của người Palestine, phản đối xung đột, chiến tranh. Quyền tự quyết, quyền được công nhận của Nhà nước Palestine và xung đột Israel-Hamas trở thành thách thức chung, mối quan tâm toàn cầu, vấn đề nhân quyền, nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; nhất định phải giải quyết, có điều sớm hay muộn mà thôi.
Mỹ không thể làm ngơ, nhưng…
Tổng thống Joe Biden tuyên bố tạm treo viện trợ vũ khí cho Israel (khoảng 3.500 quả bom loại 226 kg và 907 kg), động thái lạ chưa từng thấy. Trước đó, Mỹ cũng kêu gọi viện trợ nhân đạo cho người Palestine và nhắc Israel có biện pháp hạn chế thương vong đối với thường dân. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn cam kết ủng hộ, bảo vệ đồng minh đến cùng.
Không có “lằn ranh đỏ” nào với Israel. Việc tạm ngừng cung cấp 1 lô bom chưa đủ buộc Israel thay đổi lập trường, hạn chế xung đột. “Không” cũng là lời khẳng định của ông Joe Biden khi trả lời phỏng vấn, liệu các cuộc biểu tình phản đối Israel có khiến Tổng thống suy nghĩ lại hay không. Việc phủ quyết kết nạp Palestine tại Hội đồng Bảo an cho thấy Mỹ không thay đổi quan điểm, chính sách về Trung Đông và với Israel.
Sự điều chỉnh của Mỹ chủ yếu mang tính sách lược, chiến thuật, nhằm xoa dịu dư luận và hạn chế tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử tổng thống. Chừng nào Mỹ còn duy trì chính sách hiện hành, Trung Đông có thể lúc nóng, lúc hạ nhiệt, dao động trong một biên độ nhất định, nhưng bất ổn, xung đột cơ bản chưa giải quyết được.
Israel quyết đi đến cùng
Mặc dù bị phản đối, có nguy cơ bị cô lập ngoại giao, nhưng Israel vẫn quyết tấn công thành phố Rafah. Bởi Israel có tiềm lực, sức mạnh; có vị thế, quan hệ hợp tác đan xen nhiều mặt, khiến nhiều nước khó “quay xe”. Dù Washington nhắc nhở, Tel Aviv phàn nàn, nhưng cả hai hiểu rằng họ rất cần nhau, không tách rời nhau. Mỹ vẫn chống lưng cho đồng minh mạnh nhất, quan trọng nhất ở địa bàn chiến lược Trung Đông.
Đây là chỗ dựa, thời cơ lớn để Israel thực hiện đến cùng mục tiêu đề ra đối với Dải Gaza nói riêng, Trung Đông nói chung. Theo tính toán của Tel Aviv, lợi ích chiến lược thu được lớn hơn nhiều cái giá phải trả. Vì thế, ngay trên bục phát biểu, Đại sứ Israel Erdan đã hủy bản sao Hiến chương Liên hợp quốc để phản đối Đại hội đồng ủng hộ Palestine.
Bất chấp lời kêu gọi của quốc tế, sức ép từ các gia đình con tin và việc Hamas chấp nhận ngừng bắn, Israel vẫn tiếp tục tấn công thành phố Rafah. Tel Aviv mở rộng chiến dịch tấn công trên bộ vào nhiều mục tiêu ở Rafah, nhưng chưa đến quy mô tổng lực, đủ thực hiện mục đích mà không gây thương vong quá lớn cho thường dân, tránh phản ứng mạnh của dư luận quốc tế. Dù vậy, thảm họa hiển hiện rõ ràng ở một thành phố hơn 1,4 triệu dân, có nhiều phụ nữ và trẻ em, báo hiệu một tương lai bất định.
Khói bốc lên ở phía Đông thành phố Rafah ngày 13/5. (Nguồn: AFP/Getty) |
Xung đột đi về đâu?
Nguy cơ bùng phát cuộc chiến trực tiếp giữa Israel và Iran, lan ra toàn khu vực tạm lắng. Cả hai không chắc thắng và lo ngại hậu quả khó lường; sẽ tiếp tục hành động theo chiến lược, sách lược của mình. Israel tính dành sức diệt Hamas và lần lượt loại các đối thủ vừa miếng khác. Quốc tế tạo ra áp lực đáng kể; “sóng ngầm” chưa từng thấy. Nhưng sóng, gió chưa đủ tạo đột biến mới theo chiều hướng khả quan. Tình hình có thể diễn biến theo một số kịch bản chính sau:
Một là, Israel cơ bản xóa sổ Hamas, trừ hậu họa lâu dài; quản lý Dải Gaza, tiếp tục mở rộng các khu tái định cư, kiểm soát trên thực tế nhiều vùng lãnh thổ trước đó thuộc về người Palestine. Với ưu thế giành được, Tel Aviv đẩy “quả bóng sang chân” đối phương, bằng cách đặt ra những điều kiện tiên quyết cho đàm phán, mà chính quyền Palestine khó chấp nhận. Tình thế đó có thể thúc đẩy các phái ở Palestine gác khác biệt, thống nhất hơn trong nỗ lực đối phó với Israel. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn, kể cả bằng biện pháp quân sự.
Hai là, Israel đánh chiếm nhiều mục tiêu, nhưng chưa thể loại bỏ hoàn toàn Hamas. Một bộ phận Hamas phải rút khỏi Dải Gaza, tiếp tục chiến đấu. Hezbollah, Houthi và các tổ chức Hồi giáo vũ trang khác tập kích hỏa lực bất ngờ, từ nhiều hướng, nhiều khu vực, vào lực lượng Israel và Mỹ; buộc Tel Aviv phải phân tán đối phó, khó yên ổn lâu dài. Tình thế giằng co trên thực địa, lôi kéo các nước khác vào cuộc, tìm cách tác động, chấm dứt xung đột.
Ba là, giải pháp hai nhà nước vẫn xa vời. Đây là giải pháp căn bản, bền vững, lâu dài cho vấn đề Palestine và sự ổn định của Trung Đông, nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp bởi nhiều yếu tố đan xen.
Xung đột Israel-Hamas là một biểu hiện cụ thể của nhiều mâu thuẫn chồng chất, dai dẳng trong lịch sử, bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ, khác biệt về tôn giáo, sắc tộc và văn hóa. Các vấn đề nội bộ của Israel và Palestine tạo rào cản khiến các nhà lãnh đạo khó thỏa hiệp. Toan tính, can dự của các nước trong khu vực và các nước lớn vì lợi ích chiến lược, chi phối, tác động mạnh, trái chiều, làm suy yếu nỗ lực thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
Thời điểm này, Israel chưa muốn và áp lực bên ngoài chưa đủ mức để Tel Aviv chấp nhận đàm phán giải pháp hai nhà nước. Giải pháp này chỉ thực sự khởi động khi Israel gặp khó khăn, tổn thất về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, từ các đối thủ và nội bộ. Khối các nước Arab thống nhất hơn về chủ trương và hành động vì lợi ích chung. Liên hợp quốc kết nạp Palestine tạo ra lực đẩy cho đối thoại, đàm phán, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục phủ quyết. Do đó, việc Mỹ điều chỉnh chính sách Trung Đông cân bằng, khách quan hơn là nhân tố quan trọng. Chừng nào đó, vấn đề Palestine cũng chịu ảnh hưởng từ bầu cử Tổng thống Mỹ và xung đột ở Ukraine…
Với quá nhiều nhân tố tác động phức tạp, Israel và Palestine khó gặp nhau trên bàn đàm phán trong năm 2024. Nếu sự kiện đó may mắn được khởi động, thì quá trình cũng sẽ kéo dài và vô cùng phức tạp, chưa thể nói chắc chắn về một xu hướng và kết cục nào.