Giá trị đồng USD đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi hoạt động sản xuất toàn cầu chạm đáy. (Nguồn: Reurters) |
Chiều hướng giảm giá
Thời gian gần đây, việc đồng USD có chút suy yếu vừa là một tín hiệu, vừa là một động lực, cho thấy các chỉ số rủi ro đã được cải thiện. Mặc dù sự mất giá vẫn chưa quá đáng lo ngại, các điều kiện hiện tại đang chỉ ra một xu hướng đảo chiều bắt đầu xuất hiện.
Trở lại thời điểm năm 2014, khi đó kinh tế Mỹ vẫn được hưởng lợi từ một động lực tăng trưởng đáng tin cậy đó là người tiêu dùng Mỹ. Đây chính là yếu tố đẩy giá trị đồng USD lên cao. Trong khi đó, Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã phản ứng với cuộc khủng hoảng nợ bằng cách tiết kiệm nhiều hơn.
Khi những khoản tiền tiết kiệm ngày một nhiều lên ở cả châu Âu và châu Á, dòng tiền này sẽ cần một điểm dừng chân và theo một cách tự nhiên nhất, nhóm trái phiếu có lợi suất cao của Mỹ và nhóm các cổ phiếu công nghệ trở thành điểm đến thích hợp cho những người tiết kiệm toàn cầu. Kết quả là dòng vốn cũng góp phần đẩy giá trị đồng USD lên cao.
Đến năm 2019, khi các ngành công nghiệp sụt giảm và hoạt động thương mại chững lại, nước Mỹ dường như vẫn đứng vững. Tuy nhiên, giá trị đồng USD đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi hoạt động sản xuất toàn cầu chạm đáy. Mặc dù Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong các ngành công nghiệp (được theo dõi bởi nhóm kinh tế toàn cầu tại ngân hàng JPMorgan Chase) tăng trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 10/2019, tăng trưởng sản lượng hầu như không có.
Ngoài ra, việc các đơn hàng mới tăng cao trong khi chỉ số hàng tồn kho sụt giảm cũng là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong chu kỳ sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ vẫn diễn biến chậm chạp khiến kỳ vọng tăng trưởng GDP cao hơn trở nên xa vời.
Dù vậy, triển vọng đang dần sáng lên trong năm 2020 nhờ vào sự vận động của các nền kinh tế bên ngoài nước Mỹ, và điều này có những ảnh hưởng nhất định đối với đồng USD.
Hans Redeker, chiến lược gia tiền tệ tại Morgan Stanley, cho biết, tăng trưởng GDP toàn cầu nếu diễn ra một cách đồng bộ sẽ mở cơ hội để các nhà đầu tư chuyển vốn ra khỏi những kênh đầu tư tài sản đắt đỏ của Mỹ, đến những nơi có tài sản rẻ hơn. Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất trong năm nay của Fed cũng khiến đồng USD nhận được ít sự hỗ trợ hơn từ xu hướng lợi suất trái phiếu tăng cao.
Thị trường mới nổi hưởng lợi
Xu hướng chảy ra của dòng vốn toàn cầu từ Mỹ sẽ mang lại những lợi ích cụ thể cho các thị trường mới nổi, bởi đồng USD giảm giá sẽ khiến việc xử lý các khoản nợ bằng ngoại tệ của những thị trường này dễ dàng hơn. Ngoài ra, các điều kiện tín dụng địa phương cũng sẽ được nới lỏng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Khi đó, đối với các nhà đầu tư, thị trường mới nổi mới là nơi có giá trị.
Khi thị trường chứng khoán giảm và lợi suất trái phiếu tăng cao, thị trường tiền tệ sẽ có dư địa để giành lại những gì đã mất kể từ đầu năm 2019 và thậm chí là những đợt giảm giá trước đó trong giai đoạn 2013-2016. Ngoài một số thị trường có nhiều biến động như Argentina, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ bắt đầu tăng giá so với đồng USD.
Trong khi đó, đồng Euro, vốn là thước đo truyền thống để đánh giá đồng USD, đã yếu đi một cách đáng kể do sự tự tin đã bị “nhuộm màu” bởi những diễn biến ảm đạm đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức.
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu kinh tế thế giới tập hợp được sức mạnh thì đồng Euro cuối cùng sẽ tăng. Nếu các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đổ vỡ, hậu quả có thể là sự sụt giảm trong chi tiêu sản xuất và kinh doanh toàn cầu, từ đó xóa đi nguy cơ suy yếu của đồng bạc xanh.
Ngoài ra, những rủi ro chính trị khác như các cuộc biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) hay cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ Mỹ có thể ảnh hưởng đến đồng bạc xanh.
Có thể nói, sau một khoảng thời gian dài tăng trưởng, nền kinh tế thế giới đang tỏ ra “hụt hơi”. Bên cạnh đó, đồng USD sau một thời gian dài ở trên đỉnh của thị trường tiền tệ cũng đã xuất hiện dấu hiệu “mệt mỏi”. Giới chuyên gia cho rằng việc đồng USD giảm giá mạnh sẽ chỉ là sớm muộn.