Trên thị trường tiền tệ, đồng USD đã giảm 0,2% và được giao dịch ở mức 1,1265 USD/Euro, trong khi lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng hạ xuống 1,6% từ mức 1,61% trước đó.
Đồng USD cũng hạ giá so với đồng Yên của Nhật và đồng Bảng Anh trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Anh chuẩn bị có quyết định về mức lãi suất cơ bản.
Đồng USD mất giá nhẹ (Nguồn: Goodreturns) |
Trên các sàn chứng khoán, diễn biến cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Mỹ là yếu tố khiến chứng khoán Phố Wall “đỏ sàn” vào cuối phiên 15/6 mặc dù đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong phần lớn thời gian trước đó.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2%, xuống 17.640,17 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,2%, đóng cửa ở mức 2.071,50 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq để mất 0,2% và chốt phiên ở mức 4.834,93 điểm.
Đây là tác động từ quyết định cùng ngày của FED giữ nguyên mức lãi suất cho vay ở biên độ từ 0,25-0,5% được áp dụng từ tháng 12/2015 tới nay trong bối cảnh thị trường việc làm không chắc chắn.
Theo FED, cần một bức tranh rõ ràng hơn về sự phát triển của nền kinh tế Mỹ trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất trở lại. Ngoài ra, Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống chỉ còn 2% trong năm 2016 và dự báo tình hình sẽ không khả quan hơn trong hai năm 2017 và 2018.
Tháng 12/2015, FED đã nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau gần một thập kỷ duy trì ở mức thấp kỷ lục 0-0,25%. Trong tháng 5 vừa qua, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra 38.000 việc làm, mức yếu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Một số nhà kinh tế dự báo ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất vào tháng 7 tới nếu thị trường việc làm hồi phục trở lại và các thị trường tài chính vẫn ổn định sau khi Vương quốc Anh quyết định ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) vào tuần tới.