📞

Đồng Xuân - "thủ đô" văn hóa Việt ở Đức

16:52 | 07/02/2018
Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đồng Xuân Centre), hay cái tên gọi thân thuộc chỉ là “Chợ Đồng Xuân” được ví như một Việt Nam thu nhỏ giữa lòng thủ đô Berlin, Đức. 

Nằm trên con phố Herzberg ở quận Lichtenberg phía Đông thủ đô Berlin, nơi có gần 4.000 người Việt sinh sống, chợ Đồng Xuân không chỉ là địa chỉ thân thuộc, mà còn là một nét văn hóa riêng của của cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức, là điểm du lịch hấp dẫn đối với người dân bản địa và du khách quốc tế.

Trung tâm Đồng Xuân thường được biết đến như một thị trường châu Á khổng lồ ở Berlin. (Nguồn: Rbb24)

Trung tâm Đồng Xuân thường được biết đến như một thị trường châu Á khổng lồ trong khu công nghiệp quận Lichtenberg ở Thủ đô Berlin. Đi từ đường Herzberg qua một cánh cổng không quá lớn, bạn sẽ bất ngờ khi bước vào một khu vực thương mại khá rộng lớn. Những dãy nhà lớn, được thiết kế theo cùng một kiểu mẫu, đứng sát cạnh nhau. Từ một hành lang hẹp, dài như vô tận, có nhiều ngách rẽ sang hai bên, nhưng dường như không có cửa sổ.

Tại đây, các vị khách dù là thương gia lớn hay khách tham quan đều có thể tìm thấy thứ mình cần tìm. Có thể nói, những cửa hàng này có gần như tất cả mọi thứ từ hàng dệt may, các vật dụng nhỏ lẻ, món đồ chơi, các loại đặc sản châu Á, cho đến hiệu làm đầu, tiệm làm móng, thậm chí cả dịch vụ kế toán hay văn phòng luật sư. Đó là lý do khu chợ này được ví như một cánh đồng trăm hoa đua sắc, chỉ sự đa dạng của các mặt hàng, dịch vụ được cung cấp tại đây, như chính cái tên “Đồng Xuân” vậy.

Cửa hàng của ông Olaf

Ông Olaf là chủ một cửa hàng bán quần áo và đồ lưu niệm tại Berlin. Mỗi tháng đôi lần ông đến Đồng Xuân với tư cách là một thương lái ở Lichenberg tới mua hàng. Lần này, ông muốn tìm mua mấy cô búp bê và một ít khăn choàng. Ông cho biết, ông có thể tìm thấy những mặt hàng này ở Hamburg, tuy nhiên, giá cả không tốt như ở đây. Vợ ông cũng thường xuyên làm móng trong các cửa hàng quen của bà tại Đồng Xuân. “Những tiệm làm móng ở chợ Đồng Xuân hình như còn nhiều hơn tiệm cắt tóc”, ông Olaf nhận xét.

Danh sách chờ của các đại lý, doanh nghiệp muốn thuê chỗ ở Đồng Xuân còn khá dài. (Nguồn: Rbb24)

Thị trường bán buôn lớn nơi đây từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những khách hàng nhỏ lẻ - như Paul. Có mọi thứ và giá cả phải chăng là yếu tố đã thu hút giới sinh viên đến đây mua đồ dùng học tập, hay các khách hàng thường xuyên như bà mẹ trẻ Martina, cất công đi từ quận Marzahn đến Đồng Xuân chỉ để mua sắm quần áo và đồ dùng gia đình.

Thêm kế hoạch mì Việt của ông chủ chợ

Người có công thành lập Trung tâm thương mại này là ông Nguyễn Văn Hiền, quê ở Ninh Bình, sang Đông Đức lao động từ khi mới 30 tuổi. Hai năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông ở lại làm ăn, buôn bán tự do và tự làm chủ một cửa hàng bán lẻ. Năm 2003, ông Hiền đã mua vĩnh viễn khu đất khoảng 18ha và thành lập Trung tâm Thương mại Đồng Xuân sầm uất như hiện nay.

Khu kinh doanh tại Đồng Xuân rộng khoảng 40.000m2 dành cho người Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Đức… thuê kinh doanh buôn bán, tạo ra việc làm cho khoảng hơn 1.000 người Việt, người Đức và các nước khác. Nhưng ông Hiền chưa muốn dừng ở đó, ông đã có kế hoạch mở rộng Đồng Xuân hơn nữa. “Chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất mì. Loại mì này hiện chúng tôi vẫn phải đặt hàng từ Việt Nam hay Trung Quốc. Những đơn hàng mì sản xuất ở Lichtenberg này sẽ được cung cấp cho tất cả các cửa hàng mì của Việt Nam trên khắp châu Âu”, ông Hiền nói.

Cần hướng dẫn viên du lịch, gặp Hữu Minh

Ngay tại Trung tâm Đồng Xuân đang có khoảng 1.500 Việt Kiều sinh sống và làm việc. Họ làm khá nhiều công việc khác nhau từ kinh doanh buôn bán, kinh doanh nhà hàng, hiệu làm tóc, tiệm làm móng, hoặc làm hướng dẫn viên du lịch như Nguyễn Hữu Minh.

Hữu Minh là một sinh viên. Hàng ngày, cậu cung cấp các thông tin du lịch khá phong phú và đầy đủ cho bất cứ ai muốn khám phá Berlin hay có hứng thú tìm hiểu những điều độc đáo, thú vị ở trung tâm nước Đức. Với uy tín tốt, rất nhiều khách hàng từ các công ty, hay nhóm học sinh đến từ nhiều nơi đã trở thành khách hàng của cậu ấy.

Nhà sáng lập Trung tâm Thương mại Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền. (Nguồn: Rbb24)

Ban đầu, khu chợ hầu như chỉ phục vụ các khách hàng Việt Nam. Tiếng lành đồn xa, sau này, rất nhiều người dân bản địa đã đến mua hàng tại nơi đây. Đồng Xuân giờ đây không chỉ là một trung tâm trao đổi hàng hóa, nó còn là nơi để giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau. “Đây là nơi gặp gỡ của những nhóm người Việt Nam, những người đồng hương. Ở đây người ta còn thường xuyên tổ chức cả đám cưới nữa”, Nguyễn Hữu Minh chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã chọn Đồng Xuân là nơi đặt văn phòng, nên trong khuôn viên Đồng Xuân có thể tìm thấy tất cả các ngành nghề từ luật sư, kế toán viên, phiên dịch viên... và cả thầy dạy lái xe. Hiện nay, danh sách chờ của các đại lý, doanh nghiệp muốn thuê chỗ vẫn còn khá dài.

Kế hoạch cho tương lai của ông Hiền

Trong bãi đỗ xe, xe ô tô còn đỗ lộn xộn, người đi bộ phải cẩn trọng để ý mỗi khi có xe chở hàng đến và đi. Phần lớn tình trạng này còn khá tự do và không có kiểm soát. “Điều đó sẽ thay đổi ngay từ bây giờ”, người đứng đầu Trung tâm Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền cho biết. Ông đã làm việc và ủy nhiệm với một văn phòng chuyên nghiệp để lên kế hoạch cải tạo, phát triển và làm đẹp cảnh quan khu vực Đồng Xuân, kể cả các tòa nhà cũ.

Ông Nguyễn Văn Hiền (phải) đón Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Đoàn Xuân Hưng đến thăm chợ Đồng Xuân. (Nguồn: VOV)

Ông Hiền cũng đang ấp ủ những dự định lớn hơn. Ông mong muốn cải tạo mới tất cả các tòa nhà cũ. Ông dự định sửa sang lại khu nhà bị hư hại một phần sau vụ cháy thành một trung tâm văn hóa, địa điểm gặp gỡ giao lưu, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa cho cộng đồng Việt và cả những người quan tâm đến văn hóa Việt.

Hiện nhiều khu nhà cũ trước đây đã được xây dựng lại thành những tòa nhà làm việc, cửa hàng hay khách sạn sang trọng. Sau vụ hỏa hoạn, khu nhà kho và một số bộ phận bị phá hủy vẫn còn chưa khôi phục lại được. “Những chỗ đó tạo nên cảm giác khá ảm đạm, khiến tôi hơi buồn. Nhưng chúng tôi sẽ dọn dẹp những tổn thất đó càng sớm càng tốt”, ông Hiền chia sẻ.

Trung tâm văn hóa của người Việt ở Đức

Kế hoạch cải tạo Trung tâm Đồng Xuân được Văn phòng quy hoạch Plus4930 đảm nhận. Kiến trúc sư Rene Kruger - đại diện nhóm thiết kế Plus4930 cho biết, công việc cải tạo tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân có thể sẽ được bắt đầu vào quý I/2018.

Kế hoạch cải tạo Trung tâm Đồng Xuân. (Nguồn: Rbb24)

Theo kế hoạch, trong khuôn viên Đồng Xuân, bên cạnh khu buôn bán và thương mại sẽ có một Trung tâm văn hóa. Nhà văn hóa mới sẽ trở thành trung tâm của một thành phố châu Á thu nhỏ, đang phát triển, với sân khấu và một đại sảnh lớn, mọi thứ đều có thể được diễn ra ở đây, từ các hoạt động tình nguyện trẻ, đến các sự kiện lớn của cộng đồng.

Trong tòa nhà văn hóa mới cũng sẽ tổ chức các hội chợ, hội thảo dành cho các doanh nhân, triển lãm nghệ thuật và cả các buổi hòa nhạc. Không chỉ dành cho cộng đồng người Việt, mà tất cả người dân ở quận Lichtenberg đều có thể đến với Trung tâm Đồng Xuân.

Đối với người sáng lập Trung tâm Đồng Xuân như ông Nguyễn Văn Hiền, Đồng Xuân như là ngôi nhà thứ hai của ông, ông tự hào vì nó và những thành quả một tay ông vun đắp. Ông không giấu ước mơ, “Lichtenberg sẽ không chỉ là “thủ đô” của người Việt Nam ở Berlin, mà còn trên khắp nước Đức”.

(theo Rbb24.de)