Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết văn bản sau hội đàm ngày 21/3 tại Moscow. (Nguồn: Getty Images) |
Quan hệ Nga-Trung phát triển vượt bậc
Mới đây, trong bài viết trên oilprice.com, tác giả Felicity Bradstock nhận định, Nga và Trung Quốc đang tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế sự thống trị năng lượng của Moscow.
Thay vì khuyến khích các nước tránh xa dầu mỏ và khí đốt Nga, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ cho thị trường châu Á, cho các quốc gia sẵn sàng duy trì quan hệ với Moscow, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày (20-22/3) tới Nga, sau các cuộc thảo luận thành công về việc tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia. Trung Quốc và Nga đã dần thắt chặt quan hệ quốc phòng và thương mại trong thập niên qua, và việc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Moscow gần đây đang mang đến cho Bắc Kinh cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại với Nga.
Theo giới phân tích, có thể không chỉ thương mại Nga-Trung Quốc được cải thiện, khả năng hai nước ngày càng tăng cường kết nối địa chính trị, kinh tế và quân sự cũng rất lớn. Hai bên thống nhất về các mục tiêu địa chính trị, chẳng hạn như hạn chế sức mạnh quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khuyến khích một thế giới đa cực hơn. Ngoài ra, không quốc gia nào cố gắng che giấu sự ngờ vực đối với phương Tây, đồng thời luôn nỗ lực để thiết lập chuỗi cung ứng của riêng mình với các quốc gia không phải phương Tây.
Alicja Bachulska, một thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào quỹ đạo của quan hệ Trung Quốc-Nga trong thập niên qua, sẽ thấy quan hệ song phương giữa hai nước đã thực sự phát triển vượt bậc”.
Tin liên quan |
Ảnh ấn tượng tuần (27/3-2/4): Nga không tự cô lập mình với phương Tây, Ukraine phô diễn ‘hoa lửa’ xe tăng T-72, NATO tập trận ở Romania |
Bà Bachulska nói thêm “Về cơ bản, có những lợi ích chiến lược nhất định rất gần gũi với cả Bắc Kinh và Moscow vào thời điểm này… Lợi ích chính là làm suy yếu trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, đó cũng là mục tiêu lâu dài của hai nước”.
Khả năng củng cố mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh rất quan trọng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã “đốt cháy” cầu nối với nhiều cường quốc hàng đầu thế giới khác. Cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc diễn ra sau thông tin Tòa án Hình sự quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông Putin liên quan tới xung đột tại Ukraine.
Trong khi Bắc Kinh tránh bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, họ cũng không lên án điều đó, đồng thời để ngỏ cánh cửa cho mối quan hệ với Tổng thống Putin.
Trung Quốc hưởng lợi
Hai tháng đầu năm nay, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, với lượng nhập khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới tăng 23,8% so với năm ngoái lên tổng cộng 1,94 triệu thùng/ngày. Năng lượng Nga được bán cho Trung Quốc với giá chiết khấu.
Trong thập niên qua, quan hệ Nga-Trung Quốc đã phát triển vượt bậc. (Nguồn: Getty) |
Moscow hy vọng tăng cường xuất khẩu khí đốt sang quốc gia châu Á. Đây cũng là chủ đề đã được lãnh đạo hai nước thảo luận trong 3 ngày công du Moscow của ông Tập Cận Bình mà Bắc Kinh gọi là “hành trình hữu nghị”.
Cho đến trước khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), Nga vẫn là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nước này đã ghi nhận lượng xuất khẩu giảm đáng kể trong năm ngoái.
Hiện nay, Moscow hy vọng tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, nhưng điều này sẽ đòi hỏi phải xây dựng các đường ống dẫn mới về phía Đông. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc thúc đẩy quan hệ năng lượng giữa Bắc Kinh và Moscow, miễn là nước này duy trì chuỗi cung ứng và an ninh năng lượng quốc tế.
Trong khi Nga phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt sâu rộng từ Mỹ và EU, Trung Quốc cũng không thể tránh khỏi những hạn chế của phương Tây. Kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với thiết bị vi điện tử sang Trung Quốc, cũng như bổ sung 110 doanh nghiệp mới của quốc gia châu Á vào danh sách trừng phạt xuất khẩu một phần của mình.
Mỹ từ lâu đã coi Nga và Trung Quốc là đối thủ chiến lược quan trọng và mối quan hệ ngày càng xấu đi với mỗi quốc gia đã thúc đẩy Washington tăng cường an ninh năng lượng khu vực và thiết lập chuỗi cung ứng mới với các nước đồng minh. Hành động này đã thúc đẩy Bắc Kinh tìm cách cải thiện mối quan hệ với Moscow, cũng như thúc đẩy các quan hệ đối tác mới trên khắp châu Á.
Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc nhiều vào một số quốc gia trên toàn thế giới để nhập khẩu nguyên liệu thô, cũng như phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã đưa ra một số chính sách để khuyến khích đa dạng hóa thị trường và đảm bảo sự ổn định.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kích thích tiêu dùng trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và hy vọng sẽ thúc đẩy thương mại nguyên liệu thô với Moscow. Và kế hoạch này dường như đang phát huy tác dụng, với thương mại giữa hai quốc gia tăng 1/3 vào năm 2022, lên 190 tỷ USD.
Cùng với những lợi ích tiềm năng của việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nga, Trung Quốc có thể hưởng lợi khi quan hệ phương Tây với Moscow không được cải thiện. Hợp tác với Nga sẽ cho phép ông Tập Cận Bình hiểu cách ông Putin phản ứng với các biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây và học tập kinh nghiệm đối phó của nước này. Đóng góp của Trung Quốc cho nền kinh tế Nga cũng có thể giúp thu hút sự chú ý của phương Tây vào Moscow hơn là vào chính họ, với tư cách là một đối thủ.
Khi Trung Quốc và Nga thắt chặt mối quan hệ địa chính trị và kinh tế, phần còn lại của thế giới - đặc biệt là phương Tây - ngày càng cảm thấy bị đe dọa bởi khối quyền lực mới. Hợp tác cùng nhau, hai quốc gia này có thể xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ và cung cấp cho nhau năng lượng, các nguồn lực khác cần thiết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi không có sự trợ giúp của phương Tây.
Câu hỏi liệu mối quan hệ được cải thiện này giữa Trung Quốc và Nga có làm thay đổi cách tiếp cận của Mỹ và EU về các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và Bắc Kinh hay không vẫn chưa có lời giải. Tuy nhiên, cuộc đua đa dạng hóa các nguồn năng lượng và chuỗi cung ứng của phương Tây cho thấy các quốc gia này đang tự chuẩn bị cho bất cứ điều gì có thể xảy ra.
| Ảnh ấn tượng tuần (27/3-2/4): Nga không tự cô lập mình với phương Tây, Ukraine phô diễn ‘hoa lửa’ xe tăng T-72, NATO tập trận ở Romania Xung đột ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Khái niệm chính sách đối ngoại mới, xe tăng T-72 khai hỏa ở Bakhmut, Moscow-Tehran ... |
| Giá tiêu hôm nay 2/4/2023, thị trường tháng 3 ảm đạm, chưa thể bật tăng, vẫn ghi nhận xu hướng tích cực Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 63.500 – 65.500 đồng/kg. |
| Giá tiêu hôm nay 3/4/2023, ‘thời hoàng kim’ đã qua từ lâu, vụ hồ tiêu buồn khi vừa mất mùa vừa rớt giá Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 63.000 – 65.500 đồng/kg. |
| Ảnh ấn tượng tuần (20-26/3): Ukraine bắn ‘lão pháo' phòng không S-60 để tập kích mặt đất; quan hệ Nga-Trung cao nhất lịch sử; phóng tên lửa in 3D Tổng thống Zelensky tới thực địa Donetsk, Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga, Hoàng tử Anh đến biên giới Ukraine-Ba Lan, Thủ tướng Nhật Bản ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/3): Nga tăng bán dầu cho Ấn Độ, ‘vết sẹo từ đại dịch’ chưa lành, nợ công của Đức tăng vọt, Czech muốn vay tiền từ EC IMF cảnh báo rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, Nga ký thỏa thuận tăng lượng dầu bán cho Ấn Độ, ... |