Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, được thí điểm theo hình thức PPP. |
Thông thường, đầu tư công của Việt Nam dành cho kết cấu hạ tầng với tỷ trọng khá lớn, khoảng 40%. Tuy nhiên, hiện nay nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách thì không thể đủ xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông đô thị hoàn chỉnh. Sức ép này bắt buộc phải có giải pháp hiệu quả để khai thông nguồn lực, phục vụ sự phát triển hạ tầng giao thông đô thị quốc gia. Nhưng cho đến thời điểm này, ở lĩnh vực giao thông vận tải gần như mới chỉ có đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với số vốn khoảng 23.223 tỷ đồng được chấp thuận đầu tư, còn lại khoảng 15 dự án vẫn đang triển khai nghiên cứu.
...đang "nghiên cứu"
Chính vì vậy, việc thúc đẩy tiến trình triển khai đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách, khắc phục những bất cập của hành lang pháp lý cho việc thực hiện các dự án theo mô hình PPP là hướng thu hút đầu tư nguồn vốn từ xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Số ít trong các DN giao thông tính toán để đảm bảo hiệu quả đầu tư bằng việc chú trọng khoa học công nghệ và tham gia các dự án với hình thức BOT, PPP trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp hiện nay là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Bộ Giao thông Vận tải). Theo ông Cấn Hồng Lai - Tổng Giám đốc công ty này, "Chúng tôi hiện đã và đang tham gia một số dự án theo hình thức BOT. Do nguồn vốn chủ sở hữu còn hạn hẹp, nguồn vốn ngân sách khó khăn nên chúng tôi cũng rất muốn cùng tham gia với các chủ đầu tư khác góp vốn theo hình thức PPP".
Tại một hội thảo mới đây do Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp, Bộ Phát triển Vương quốc Anh tổ chức liên quan đến việc sửa đổi Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, những vấn đề này đã được mổ xẻ, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn phân tích những bất cập trong việc thí điểm triển khai mô hình đầu tư PPP thời gian qua, trong đó có thể kể đến như: chất lượng chuẩn bị dự án còn kém, vướng mắc trong việc lựa chọn lĩnh vực thí điểm và tiêu chí lựa chọn dự án; bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án... Cùng với đó là những quy định giới hạn phần vốn tham gia của Nhà nước mà không tính tới đặc thù của từng dự án, khiến một số dự án PPP tiềm năng rất khó triển khai vào thực tiễn.
Khó thực hiện?
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, theo TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, để các dự án PPP khả thi rất cần xây dựng một cơ chế tài chính cụ thể và rõ ràng. Khác với đầu tư nhà nước và đầu tư công, các dự án PPP đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế, khả năng sinh lời của dự án lên hàng đầu. Vì thế, nếu không xác định vai trò của nhà nước và tư nhân trong các dự án này thì sẽ rất khó thực hiện.
Cùng với đó là những cải cách về mặt thể chế, tạo điều kiện cho những DN trong nước phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa. Ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ nên làm việc với các nhà tài trợ vốn có những cơ chế đặc thù để có thể chia nhỏ gói thầu phù hợp với sự phát triển của các nhà thầu Việt Nam. Có như thế các nhà thầu nội mới có thể tham gia đúng với danh nghĩa là nhà thầu chính, đồng thời vẫn đảm bảo được tiến độ, chất lượng, thậm chí giá thành còn có thể hạ hơn.
Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, mô hình PPP là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Vì vậy đòi hỏi phải có sự chuyển dịch về quyền lực và trách nhiệm từ cơ quan nhà nước, chuyển dịch cung cấp dịch vụ, phải xây dựng được một giải pháp có tính thị trường vững chắc, trong đó duy trì được tính cạnh tranh qua mỗi giai đoạn của dự án cũng như thông suốt với các chiến lược đầu tư, đảm bảo nguồn tiền cho dự án đáp ứng yêu cầu đầu tư và tăng hiệu quả trong chuyển giao dịch vụ tới DN và người dân. Điều này đòi hỏi phải có chính sách luật pháp và cách thức triển khai hoàn chỉnh để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Việt Nguyễn