Nguy cơ giá dầu có thể vượt mức cao nhất lịch sử hồi năm 2008, lên mức 240 USD/thùng vào mùa Hè năm nay. (Nguồn: Reuters) |
Sau thông báo của Anh và Mỹ về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, giá dầu chốt phiên 8/3 đã tăng khá mạnh - giá dầu Brent biển Bắc tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 3,6% lên 123,70 USD/thùng - và đà tăng này vẫn duy trì trong phiên 9/3.
Giá dầu trên các thị trường quốc tế đã tăng gần 100% kể từ năm ngoái và tăng hơn 25% kể từ đầu năm nay, do một loạt yếu tố như đà phục hồi mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế thế giới và tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ.
Việc thiếu đầu tư đã làm hạn chế công suất sản xuất của một số nhà sản xuất chủ chốt. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm rung chuyển các thị trường hàng hóa và sự leo thang của giá năng lượng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, nhận định: "Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong hàng thập kỷ qua. Sự bất ổn trên các thị trường năng lượng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay".
Các biện pháp trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây đối với Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn thứ hai thế giới, sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thiếu hụt khoảng 4,3 triệu thùng/ngày, một khối lượng không thể nhanh chóng được thay thế bằng các nguồn cung khác.
Ông Tonhaugen cho rằng, thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi giá dầu tăng gấp đôi.
Theo chuyên gia này, nếu hoạt động xuất khẩu 4,3 triệu thùng/ngày sang phương Tây của Nga bị dừng lại vào tháng 4/2022, trong khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều giữ nguyên mức nhập khẩu dầu thô như hiện nay, giá dầu Brent sẽ tăng vọt lên 240 USD/thùng vào mùa Hè năm nay và điều này sẽ hủy hoại nhu cầu, tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Cho đến nay, giá dầu cao nhất lịch sử được ghi nhận vào ngày 11/7/2008, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York chạm 147,27 USD/thùng, trong bối cảnh lo ngại Israel chuẩn bị tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran và do gián đoạn nguồn cung dầu tại nhiều quốc gia từ Brazil tới Nigeria.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có sức nặng và ảnh hưởng ngang với cú sốc dầu mỏ năm 1973 do ảnh hưởng của cuộc xung đột Arab-Israel.
Ông nhắc lại tình trạng tăng giá dầu mỏ năm 1973 dẫn tới cú sốc lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, làm mất đà tăng trưởng kinh tế.
Người đứng đầu Bộ Kinh tế Pháp cảnh báo, cú sốc “đình lạm” (lạm phát kèm suy thoái) này chính là điều thế giới cần tránh trong năm 2022.
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm kêu gọi các công ty dầu mỏ tăng sản lượng để góp phần làm giảm giá năng lượng đang tăng.
Tại hội nghị về năng lượng CERAWeek ở Houston, Bộ trưởng Granholm nói: "Chúng ta đang trong tình hình khẩn cấp và chúng ta phải tăng nguồn cung trong ngắn hạn một cách có trách nhiệm nhằm bình ổn thị trường và giảm thiểu thiệt hại cho các gia đình ở Mỹ. Trong thời điểm khủng hoảng này, chúng ta cần thêm nguồn cung".
Cũng trong ngày này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ hỗ trợ Mỹ trong việc thuyết phục các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác liên minh, hay còn gọi là OPEC+ tăng sản lượng dầu.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Anh Liz Truss kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.
Theo bà, G7 cần nhanh chóng và tăng cường các biện pháp trừng phạt Moscow cũng như Tổng thống Vladimir Putin trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.