📞

Dự báo tích cực cho nền kinh tế Mỹ

09:56 | 10/03/2017
Trước những số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ trong những tháng gần đây, khá nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất tại kỳ họp của Fed vào ngày 14-15/3.

Tín hiệu tốt

Trong cuộc phỏng vấn với kênh CNN mới đây, người đứng đầu Fed chi nhánh New York William Dudley đã nhận định rằng hầu hết các số liệu trong một vài tháng gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tốt, thị trường việc làm tăng trưởng khá mạnh và thực tế lạm phát đang tăng tốc vì giá năng lượng tăng.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - một công cụ đo lường lạm phát của nước này - trong tháng 1/2017 tại Mỹ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2016, ghi dấu mức tăng cao nhất trong hơn bốn năm qua.

Chỉ số này gần đạt được mục tiêu 2% của Fed. Trong tháng 1/2017, nền kinh tế Mỹ đã có thêm khoảng 227.000 việc làm, mức nhiều nhất kể từ tháng 9/2016. Số lao động trong lĩnh vực dịch vụ cũng tăng thêm 201.000 người, còn số lao động thuộc lĩnh vực sản xuất tăng thêm 46.000 lao động - mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Dù tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lên mức 4,8% thì đây cũng được cho không phải là tín hiệu xấu. Nguyên nhân lớn là vì điều chỉnh số liệu dân số thường niên của Mỹ có sự thay đổi, nên đã có thêm khoảng 584.000 người tìm việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi lao động tăng lên 62,9% trong tháng 1/2017, cũng là mức tốt nhất kể từ tháng 9/2016.

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tốt. (Nguồn: CNN)

Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cũng công bố số liệu cho thấy tháng 2/2017 là tháng thứ sáu liên tiếp Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ tăng vọt lên 57,7điểm, vượt xa mức dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2015 trở lại đây, cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ tiếp tục mở rộng. 10 trên 18 ngành công nghiệp được khảo sát đều tăng trưởng cao hơn mức ghi nhận hồi tháng 12/2016 nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đi lên và kinh tế tại khu vực châu Âu khởi sắc. Cũng theo báo cáo của ISM, chi tiêu cho nguyên liệu thô cũng tăng lên và là tháng tăng thứ 11 liên tiếp, thể hiện sức ép lạm phát lên các doanh nghiệp đang gia tăng. Chi tiêu xây dựng của Mỹ cũng tăng 4,2% trong tháng 1/2017, sau khi đã giảm 0,2% hồi tháng 12/2016.

Đây là các số liệu chủ chốt mới nhất của nền kinh tế Mỹ, giữa bối cảnh Tổng thống Donald Trump cam kết khởi động nền kinh tế với “cải cách thuế lịch sử” và tái thiết quân đội thông qua việc tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông Trump cũng cam kết sẽ theo đuổi kế hoạch giảm mạnh thuế cho tầng lớp trung lưu của nước này. Các bước đi này được cho là sẽ mang lại những thay đổi không nhỏ cho diện mạo của nước Mỹ.

Tiền đề để Fed tăng lãi suất

Trước những tín hiệu lạc quan trong nền kinh tế Mỹ, mới đây trong phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen, bà đã hé mở phần nào về việc Fed có tăng lãi suất hay không vào kỳ họp dự kiến vào ngày 14-15/3 tới.

Theo bà Yellen, tình hình thị trường việc làm, lạm phát đang diễn biến theo đúng kỳ vọng của Fed. Tỷ lệ thất nghiệp “về cơ bản” đã đáp ứng tiêu chí của Fed về việc làm đầy đủ. Tỷ lệ thất nghiệp thấp không phải là một thay đổi lớn so với năm 2016, nhưng tiền lương đã dần tăng lên.

Trong những ngày qua, nhiều quan chức hàng đầu của Fed đưa ra những nhận định cho thấy họ ủng hộ việc tăng lãi suất. Chủ tịch Cục Dự trữ bang Dallas và là thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) Robert Kaplan cho biết, việc tăng lãi suất của Fed có thể diễn ra “trong tương lai gần” do nền kinh tế đang tiến gần đến các mục tiêu về lạm phát và thất nghiệp mà Fed đã đề ra.

Chủ tịch Fed Janet Yellen. (Nguồn: Getty Images)

Nhìn chung, các quan chức của Fed đều cho rằng nền kinh tế đang tiến gần đến các mục tiêu về lạm phát và thất nghiệp mà Fed đã đề ra. Điều này chính là tiền đề tạo cơ sở để Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất.

Lý giải về những dự báo trên, theo Bloomberg, nếu nhìn vào dữ liệu kinh tế Mỹ, có thể nhận thấy không có sự thay đổi đáng kể nào trong thời gian tới. Tuy nhiên, chính việc không có gì xấu đi đã đủ để gỡ bỏ rào cản cho một động thái tăng lãi suất, nhất là khi sự vững vàng của các dữ liệu kinh tế Mỹ đi kèm với triển vọng dần khởi sắc của kinh tế toàn cầu.

Không chỉ là những tín hiệu tốt lành từ nền kinh tế trong nước mà kinh tế thế giới cũng có những thuận lợi khiến cho Fed có thể quyết định tăng lãi suất. Theo bà Yellen, năm 2017 tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã vững vàng hơn và triển vọng thì ở trạng thái cân bằng, những rủi ro từ kinh tế thế giới dường như đã phai nhạt. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng giúp thị trường ổn định hơn. Các cuộc đàm phán liên quan đến Brexit và những nỗi lo về sự bền vững của khối Liên minh châu Âu có thể tiếp tục là một rủi ro, nhưng châu Âu đang chứng tỏ được họ “ngày càng kiên cường”. Điều thay đổi nhiều nhất chính là những mối đe dọa từ bên ngoài đã không còn đáng sợ. Miễn là từ nay đến ngày 15/3 không có sự kiện gì gây chấn động, có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến lần đầu tiên kể từ tháng 6/2006, Fed tăng lãi suất mà không phải trong tháng 12.

(theo CNN)