Những số liệu mới từ Cục Thống kê Quốc gia (ONS), Mỹ, cho thấy tỷ lệ phần trăm những bệnh nhân được chẩn đoán vào năm 2015 có thể kỳ vọng sống được ít nhất là đến năm 2025.
Hình minh họa. (Nguồn: Properts of the Image) |
Họ kết luận rằng, 87,2% nam giới bị u hắc tố ác tính có thể vẫn còn sống sau 10 năm, trong khi 79,9% nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt sống thêm được ít nhất 10 năm.
Ngược lại, 91,5% phụ nữ bị u hắc tố ác tính có thể kỳ vọng sống thêm một thập kỷ, trong khi 80,6% sẽ sống được 10 năm sau khi có chẩn đoán ung thư vú.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, 56,9% nam giới bị ung thư thận hoặc bệnh lympho không Hodgkin sẽ sống được 10 năm, trong khi 56% nam giới bị ung thư ruột có thể kì vọng sống qua năm 2025.
Chỉ hơn một nửa số nam giới bị ung thư bàng quang sống thêm được 10 năm, trong khi con số này là 44,8% đối với người bị bệnh bạch cầu.
Trong khi đó, khả năng sống thêm đối với ung thư cổ tử cung ở phụ nữ được dự đoán là 64,3%, trong khi 59,8% số phụ nữ bị ung thư ruột và 44,7% phụ nữ mắc bệnh bạch cầu sẽ sống ít nhất 10 năm.
TS. Rebecca Smittenaar, thuộc tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, phát biểu: "Tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân ung thư đang được cải thiện và đã tăng gấp đôi trong 40 năm qua. Đối với một số bệnh ung thư như ung thư vú và da, hơn 8/10 số bệnh nhân sẽ chung sống được với bệnh của mình.
"Nghiên cứu đã dẫn đến những phương pháp điều trị tốt hơn, những thuốc mới, xét nghiệm chính xác hơn, chẩn đoán sớm hơn và các chương trình sàng lọc - cho bệnh nhân cơ hội sống thêm tốt hơn.
"Khả năng sống thêm còn thấp đối với một số bệnh ung thư như ung thư phổi, tụy, thực quản và u não, một phần vì chúng có xu hướng được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khi đã khó điều trị.
Lynda Thomas, giám đốc điều hành tổ chức Hỗ trợ ung thư Macmillan, cho biết: "Tin tuyệt vời mà những số liệu này cho thấy là - nhờ điều trị tốt hơn và phát hiện sớm hơn - có nhiều bệnh nhân sống chung được với bệnh ung thư hơn, cả ngắn hạn và dài hạn”.
Tuy nhiên, "sống lâu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sống tốt".
"Quá nhiều người bị ung thư bỏ lỡ những hỗ trợ mà họ rất cần khi đã hoàn thành việc điều trị", cô nói.
"Chấn thương do chẩn đoán và điều trị ung thư gây ra ảnh hưởng khác nhau đến mỗi cá nhân, với một số bị trầm cảm, trong khi những người khác sẽ phải đối mặt với mệt mỏi và phù nề mãn tính do điều trị.
"Dù thế nào thì điều này cũng hiếm khi dễ dàng, và đó là lý do tại sao bệnh nhân ung thư cần được hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh.
"Trong khi những số liệu này được hoan nghênh, thì chúng cũng có vai trò như một lời cảnh báo rằng khi bệnh nhân ung thư sống thêm dài ngày tăng lên, sẽ cần một dịch vụ y tế có thể đối phó với tình hình ngày càng phức tạp này".