📞

Đức biểu tình chống phân biệt chủng tộc toàn quốc

13:42 | 20/06/2016
Các nhà tổ chức cho biết hơn 20.000 người đã tham gia cuộc biểu tình tại Berlin, Hamburg, Munich, Leipzig và Bochum trong khi cảnh sát ước tính hơn 10.000 người.

Tính đến ngày 19/6, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình ở Đức nhằm lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, số người biểu tình thuộc các nhóm theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu phản đối dòng người di cư cao ở mức kỷ lục.

Đoàn người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ngày 18/6 tại Đức. (nguồn: DW)

Các cuộc biểu tình đã bắt đầu từ hôm 18/6 ở Bochum, miền Tây nước Đức và tiếp tục diễn ra trong ngày 19/6 ở Berlin, Leipzig và Munich. Các nhóm giáo hội, công đoàn và tổ chức nhân quyền tại Đức đã đứng ra tổ chức cuộc biểu tình này.

Họ ước tính rằng hơn 33.000 người đã tham gia biểu tình "tay trong tay chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc" ở Đức. Ngoài ra, các cuộc tụ tập cũng đã diễn ra ở 16 thành phố nhỏ hơn và một cuộc biểu tình lớn đã được lên kế hoạch vào tối 19/6 ở Hamburg.

Người đứng đầu công đoàn liên bang DGB Reiner Hoffmann cho biết, nhiều người Đức vẫn ủng hộ luồng ý kiến ủng hộ và chào đón người di cư đến Đức - Willkommenskultur (văn hóa chào đón). Ông kêu gọi chính phủ không chỉ tăng cường công tác giúp người di cư hòa nhập xã hội mà còn tiến hành cải cách cần thiết để hỗ trợ những người thu nhập thấp nói chung.

Một cuộc biểu tình tại thành phố Stuttgart. (Nguồn: DW)

Đức - quốc gia đông dân nhất trong Liên minh châu Âu (EU), năm ngoái đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn và di cư - đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các nhóm chống Hồi giáo cũng như bài ngoại. 

Cảnh sát Đức cho biết tình hình phạm tội do các phần tử cực hữu nhằm vào người tị nạn gia tăng kỷ lục so với năm 2015. Các cuộc tấn công nhằm vào trung tâm tị nạn đã tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo Reuters (Anh), mâu thuẫn xã hội Đức trở nên tồi tệ hơn khi đảng cực hữu chống nhập cư mạnh mẽ - đảng Lựa chọn khác cho nước Đức (Alternative for Germany - AfD) nhận định Hồi giáo không phù hợp với Hiến pháp dân chủ Đức và yêu cầu chính phủ ra lệnh cấm xây dựng tháp giáo đường (minaret) và mang mạng che mặt đối với phụ nữ theo đạo Hồi.

Các nhóm nhân quyền cho rằng nước Đức không thể đối phó với sự gia tăng tội ác trong xã hội bằng "sự phân biệt chủng tộc có tính thể chế" (institutional racism) của các cơ quan hành pháp.

Người Syria nhập cư tại Đức cũng tham gia biểu tình với biểu ngữ: "Chúng tôi là người tị nạn từ Syria. Chúng tôi phản đối phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và chiến tranh). (Nguồn: DW)
(tổng hợp)