📞

Đức lo ngại về Hiệp ước Schengen

08:51 | 06/01/2016
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo rằng, việc tự do di chuyển trong châu Âu có nguy cơ bị phá vỡ.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier. (Nguồn: DW)

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Đan Mạch tuyên bố tái áp dụng biện pháp kiểm tra hộ chiếu tại biên giới với Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Đức, tờ Bild, ngày 5/1, Ngoại trưởng Steinmeier đã nói về “sự nguy hiểm” nếu người châu Âu bị mất quyền tự do đi lại và du lịch, sau khi Đức và Đan Mạch xem xét lại cam kết về tự do di chuyển, được quy định trong Hiệp ước Schengen.

Trước đó, hôm 4/1, Đan Mạch cho biết sẽ bắt đầu kiểm tra hộ chiếu đối với tất cả khách tại biên giới với Đức. Thụy Điển cũng đã áp đặt thêm các biện pháp kiểm tra an ninh trên những chuyến tàu, phà, xe buýt đến từ Đan Mạch. Theo giải thích của Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, các “biện pháp tạm thời” sẽ giúp đối phó với làn sóng người tị nạn và ngăn chặn những người nhập cư không có giấy tờ.

Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng, quyền tự do đi lại theo Hiệp ước Schengen “có lẽ thành tựu lớn nhất của châu Âu”. Khi được hỏi liệu tương lai của khu vực Schengen có gặp nguy hiểm, ông nói: “Tôi hy vọng là không, nhưng tôi có thể nhìn thấy những rủi ro”.

Ông kêu gọi các nước EU “cùng tìm giải pháp giải quyết vấn đề người tị nạn, đồng thời bảo vệ hiệu quả biên giới châu Âu”.

Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Steinmeier, ông Erwin Sellering - Thống đốc bang Mecklenburg-Western Pomerania, bày tỏ mối quan ngại của ông về việc Đan Mạch kiểm soát hộ chiếu ở biên giới Đức và kêu gọi phản ứng của EU.

Trong khi đó, Công ty đường sắt công cộng của Đức cho biết, họ sẽ không kiểm tra hộ chiếu trên biên giới của nước này với Đan Mạch, và dành nhiệm vụ này cho cảnh sát Đan Mạch. “Nhân viên của chúng tôi không có kiến ​​thức cần thiết” để tiến hành kiểm tra như vậy, một phát ngôn viên của ngành đường sắt Đức nói.

Đan Mạch và Thụy Điển tham gia Hiệp ước Schengen từ năm 2001.

Trong năm 2015, Đan Mạch nhận được 21 nghìn yêu cầu tị nạn, trong khi Đức nhận khoảng 1,1 triệu đơn, và Thụy Điển nhận 163 nghìn đơn.