Tiêm kích Eurofighter Typhoon. (Nguồn: RAF) |
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler ngày 4/5 thừa nhận Ankara vẫn chưa từ bỏ khả năng mua tiêm kích Eurofighter Typhoon của châu Âu. Tuy nhiên, Đức vẫn giữ quan điểm phản đối thương vụ cung cấp mẫu chiến đấu cơ đa năng này cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Guler nêu rõ: “Chúng tôi cũng quan tâm đến những chiếc Eurofighter nhưng có một số vấn đề nhất định mà với tư cách là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các đối tác Đức không đồng ý. Chúng tôi đã lên tiếng về vấn đề đó. Tôi tin tưởng những vấn đề này sẽ sớm được giải quyết và có lẽ việc bắt đầu bán Eurofighter cho Saudi Arabia có thể là chất xúc tác”.
Về mẫu chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ, Bộ trưởng Guler cho hay ông vẫn chưa rõ “chủ đề” này sẽ đi đến đâu đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, chương trình phát triển máy bay chiến đấu nội địa KAAN thế hệ thứ 5 đang được tiến hành. Ông cũng hoan nghênh thương vụ Hy Lạp mua F-35, nhấn mạnh Athens “là thành viên của NATO”.
Các nhà quan sát cho biết, bên cạnh máy bay chiến đấu F-16 Block 70 và các bộ hiện đại hóa đã được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt, trong nỗ lực tìm kiếm thêm máy bay mới, Thổ Nhĩ Kỳ "để mắt" tới khả năng thực hiện nhiều vai trò của Eurofighter Typhoon và khả năng tương thích với các thiết bị của NATO khiến nó trở nên đặc biệt hấp dẫn. Bất chấp sự miễn cưỡng của Đức, Vương quốc Anh có vẻ cởi mở hơn khi thảo luận về chủ đề này.
Trái ngược với Saudi Arabia, quốc gia duy trì liên minh mạnh mẽ với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ thiếu mối quan hệ đối tác như vậy. Sự khác biệt này giải thích sự thay đổi lập trường của Đức liên quan đến việc bán máy bay cho Saudi Arabia vào đầu năm nay, chủ yếu chịu ảnh hưởng từ quan điểm của Israel. Những bảo đảm của Riyadh về an ninh khu vực và khả năng hỗ trợ Israel trước các mối đe dọa trong tương lai có lẽ đã đóng một vai trò nào đó.