📞

Du học gần hay du học xa?

15:44 | 09/10/2008
Mô hình du học tại chỗ sẽ tạo điều kiện cho nhiều học sinh Việt Nam tiếp cận được với nền giáo dục và bằng cấp quốc tế. Tuy nhiên, so sánh về mặt kinh tế giữa các chương trình liên kết với du học nước ngoài cho thấy chưa chắc “mèo nào cắn mỉu nào”

Tiên tiến nhưng còn…nhiều hạn chế

Từ năm 2006, bộ Giáo dục đào tạo đã triển khai thí điểm đào tạo 10 chương trình tiên tiến (CTTT) tại một số đại học (ĐH). Đây được coi là khâu đột phá để giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới nằm trong lộ trình thực hiện Đề án đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam 2006 – 2020. Sinh viên học các chương trình này ngoài việc được học bằng tiếng Anh theo chương trình chuẩn của các ĐH chất lượng dẫn đầu trên thế giới còn được tiếp thu và sử dụng những công nghệ, thiết bị mới nhất.

Chương trình đang thí điểm được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Chẳng hạn, chương trình tiên tiến ngành công nghệ thông tin của ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đào tạo theo chương trình trường ĐH Portland (bang Oregon, Mỹ) có kinh phí trọn khoá bốn năm rưỡi là 12.500 USD, trong đó Nhà nước hỗ trợ 6.500 USD và sinh viên đóng 6.000 USD, tương đương 1.200 USD/năm. CTTT của ĐH Bách khoa TP.HCM cũng từ 500 – 600 USD/năm.

Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, chính bộ cũng thừa nhận việc triển khai các chương trình trên đã bộc lộ nhiều hạn chế. Theo vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH Trần Thị Hà, kết quả dự giờ trên lớp và trao đổi tại 9 cơ sở đào tạo cho thấy, bên cạnh một số giáo viên Việt Nam có kinh nghiệm giảng dạy ở nước ngoài được sinh viên đánh giá cao, vẫn còn nhiều giảng viên phát âm chưa chuẩn, diễn đạt còn hạn chế khiến sinh viên khó khăn trong tiếp thu bài. Thậm chí có nơi, giáo viên giảng bài bằng… tiếng Việt. Một số sinh viên đang theo học CTTT nhận xét, nhiều thầy cô lên lớp còn dạy theo kiểu... “nhai lại” giáo trình của nước ngoài qua màn hình trình chiếu bằng tiếng Anh.

Trăm hoa đua nở

Loại hình đào tạo liên kết nhanh chóng được các nhà trường phát triển số lượng trong những năm gần đây với ưu điểm là mở ra cơ hội cho các sinh viên muốn tiếp cận với bằng cấp nước ngoài. Xu hướng liên kết đào tạo hiện nay là hình thức 1+, 2+, 3+…, hoặc học hoàn toàn thời gian trong nước nhưng lấy bằng do ĐH nước ngoài cấp. Lợi thế của các chương trình này là sinh viên không phải chịu gánh nặng về chi phí học tập và sinh hoạt như du học nước ngoài vì học phí cho giai đoạn học trong nước chỉ bằng 1/3 – 1/2 học phí du học toàn phần tại nước ngoài.

Trong khi chi phí cho việc học tập tại RMIT Melbourne ở Úc tốn đến hơn 30.000 USD, chưa kể các chi phí khác, tại ĐH RMIT Việt Nam, sinh viên chỉ mất khoảng 14.000 USD cho toàn bộ chương trình. Chương trình liên kết giữa ĐH Bách khoa TP.HCM với Griffith University (Úc), Houston Clear Lake (Mỹ) có học phí cho hai năm rưỡi học tại Việt Nam là 3.000 - 3.750 USD/năm, thấp hơn nhiều nhiều so với học phí hai năm kế tiếp học tại nước ngoài vào khoảng 20.000 – 26.000 USD/năm. Chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) với ĐH Nottingham (Anh) theo hình thức 2+2 cấp bằng kỹ sư có học phí hai năm đầu tại Việt Nam khoảng 2.500 – 3.000 USD/năm; hai năm tại nước ngoài: nếu học tại Anh khoảng 7.500 bảng Anh/năm; nếu học tại Malaysia khoảng 4.000 bảng Anh/năm. Hiệu quả của liên kết đào tạo như thế nào chưa rõ, nhưng thực tế chưa ai trả lời được có bao nhiêu du học sinh hoàn thành khâu đào tạo ở nước ngoài, bao nhiêu trở về.

Du học gần hơn du học xa

Đa số điểm đến của du học sinh Việt Nam là Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Singapore,… Nhưng tồn tại được trong những môi trường tốt, cạnh tranh cao không phải là dễ dàng cho du học sinh từ mọi thành phần. Những năm gần đây, nhiều du học sinh thuộc tầng lớp trung bình đã tìm đến các nước khu vực châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia...

Cựu du học sinh Tấn Đông từng học tại ĐH Assumption – trường ĐH quốc tế lớn nhất Thái Lan – cho biết chương trình đào tạo tại trường này theo hệ thống tín chỉ được công nhận ở Mỹ, do đó sinh viên dễ dàng chuyển tiếp đi các nước. Chi phí ĐH ở đây là khoảng 60.000 – 100.000 baht/năm (tương đương 1.500 – 2.500 USD/năm), cao học từ 110.000 – 170.000 baht/năm (2.800 – 4.350 USD/năm). Chi phí sinh hoạt vào khoảng 204.000 – 260.000 baht/năm. Hiện ĐH Assumption có hơn 200 sinh viên Việt Nam.

Còn tại Trung Quốc, theo công ty tư vấn du học và đào tạo Hà Nội, mức học phí các ĐH dao động từ 15.700 - 20.700 nhân dân tệ/năm (tương đương 1.500 - 2.500 USD/năm). Sinh hoạt phí khoảng 1.400 – 2.000USD/năm. Chi phí này tương đối phù hợp với thu nhập của người Việt Nam. Yêu cầu đầu vào của các trường Trung Quốc với lưu học sinh nước ngoài thường không khắt khe, học sinh chỉ phải đạt trình độ Hán ngữ theo yêu cầu của trường.

Học phí ĐH tại Đài Loan còn rẻ hơn nữa chỉ từ 900 – 2.500 USD/năm, trong khi chi phí sinh hoạt khoảng 2.000 – 3.500 USD gồm phí ký túc xá và tiền ăn. Sinh viên quốc tế muốn làm thêm ở Đài Loan bắt buộc phải hoàn thành xong ít nhất hai học kỳ ở trường hoặc theo học ít nhất một năm trong các chương trình tiếng Hoa. Cơ hội việc làm cho các du học sinh tại Đài Loan khá nhiều nhất là công việc lao động phổ thông với mức lương 500 – 700 USD/ tháng. Sinh viên quốc tế làm thêm ở Đài Loan phải có giấy phép làm việc còn thời hạn của uỷ ban Đào tạo hướng nghiệp và việc làm thuộc bộ Lao động cấp và được làm việc tối đa 12 giờ/tuần. Ngoại trừ các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông sinh viên có thể làm thêm tối đa lên tới 16 giờ/tuần.Theo SGTT