TIN LIÊN QUAN | |
“Ơi, cái tuổi trăng tròn”: Cẩm nang hữu ích cho lứa tuổi teen | |
Thêm yêu cuộc sống qua “Như mây thong dong” |
Vi Trịnh tên thật là Trịnh Thị Huyền Vi, sinh năm 1999 tại Hà Nội. Trước khi sang Mỹ, Vi Trịnh là học sinh trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Khác với nhiều bạn trẻ thường chọn du học tại những ngôi trường danh tiếng nơi thành phố sầm uất, Vi Trịnh lại chọn Steamboat Mountain School - ngôi trường trung học ở thị trấn nhỏ Steamboat Springs của bang Colorado (Mỹ). Chính lựa chọn này đã giúp Vi Trịnh có những ngày thanh xuân thật ý nghĩa và khác biệt.
Với Du học tuổi 16, Vi Trịnh đã mang đến một góc nhìn mới mẻ về nền giáo dục của Mỹ. Người Mỹ không dạy con em mình theo kiểu đọc chép, thầy đọc trò ghi, trò chỉ nhắc lại những gì thầy đã nói trên bục giảng. Người Mỹ rất cụ thể, thiết thực. Họ biến giờ học thành buổi thảo luận. Thầy đưa ra một chủ đề cho học sinh luận bàn. Không ít buổi thảo luận trở thành tranh luận. Rồi thầy kết luận. Cũng có vấn đề thầy không kết luận mà chỉ hướng cho học sinh cùng nghĩ tiếp rồi tự kết luận. Nhờ đó, buổi học rất thú vị và học sinh tự tin hơn.
Bìa cuốn sách "Du học Mỹ tuổi 16". (Nguồn: Saigon Books) |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Quyển sách của Vi Trịnh cho chúng ta rất nhiều thông tin với cái nhìn của người trong cuộc. Đây cũng là quyển sách rất có ích đối với những ai muốn khám phá, tìm hiểu nền giáo dục Mỹ, ở bậc phổ thông, đặc biệt thiết thực hơn là các em ở lứa tuổi học trò, đang ấp ủ ước mơ du học Mỹ”.
Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất trong cuốn sách này chính là sự lớn lên và trưởng thành của Vi Trịnh sau thời gian học tập và sinh sống tại Mỹ. Vi tự nhận mình: “học lực bình thường, sức khỏe yếu, gia đình bình thường, tiếng Anh bình thường”. Thế nhưng từ một cô gái “cái gì cũng bình thường”, trải qua thời gian du học tại Mỹ đã khiến Vi Trịnh thay đổi một cách ngạc nhiên.
Vi Trịnh chia sẻ: “Ở Mỹ, tôi được dạy là tôi luôn phải cố gắng, cố gắng để tìm ra con đường của mình vì tôi còn trẻ, và người trẻ nào thì cũng lạc lối, vấp ngã rất nhiều lần”.
Không ít người cho rằng “Ở Mỹ học rất dễ, dễ hơn ở Việt Nam”, nhưng đó là một lầm tưởng không nhỏ. Theo Vi Trịnh, trường nội trú ở Mỹ là một trại huấn luyện, huấn luyện một con người hoàn thiện trước khi con người ấy vào đời. Vậy nên, học sinh Mỹ luôn luôn phải đối diện với rất nhiều áp lực.
“Học hay thi hay làm bất cứ thứ gì ở Mỹ đều như là đánh một trận chiến mà ai cũng hiếu thắng vậy. Áp lực và nhiệt độ như một cái lò nung. Nhưng không nung thì đất sét mãi chỉ là đất sét”, Vi Trịnh cho biết.
Theo Vi Trịnh, du học Mỹ không đơn giản như nhiều người lầm tưởng. (Nguồn: Thongtinduhocmy.edu.vn) |
Các hoạt động ngoại khóa mà Vi Trịnh trải qua cũng khốc liệt không kém. Vốn là một cô gái thấp bé còi xương, không bao giờ chịu hoạt động thể thao, sở đoản và sở ghét là thể dục. Tuy nhiên, điều đó không giúp Vi Trịnh có được ngoại lệ. Vi vẫn phải tham gia vào bộ môn trượt tuyết và hậu quả nhãn tiền là cô bị ngã đập đầu xuống đất, bị thanh trượt bật vào đầu.
Chưa hết, ngôi trường Steamboat Mountain nơi Vi Trịnh theo học có một truyền thống là mỗi năm học sinh ở đây sẽ có bốn nhóm, phân theo lớp và sức khỏe để đi “hiking” - bộ môn đi bộ mà lại không phải là đi bộ. Mỗi nhóm sẽ leo một ngọn núi 14.000 feet, tương đương với hơn bốn nghìn mét (trong khi đỉnh Fansipan ở Việt Nam cao nhất có hơn ba nghìn mét).
Còn rất nhiều thử thách cam go và không kém phần nguy hiểm mà bạn đọc có thể dõi theo trong cuốn sách Du học tuổi 16. Qua cuốn sách, bạn đọc đã không còn thấy hình bóng của cô tiểu thư như năm mười sáu tuổi mà giờ đây Vi đã có thể “tự nấu ăn, tự rửa bát, tự dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, tự giặt quần áo”. Thêm một điều nữa mà như Vi tự nhận: “Nếu thất nghiệp thì tôi có thể xin đi làm nhà hàng, dọn dẹp qua ngày mà nuôi sống bản thân, vì kinh nghiệm thì tôi có thừa”.
Chính hành trình lớn lên và trưởng thành của Vi Trịnh đã để lại ấn tượng nơi bạn đọc về một cô gái nhỏ nhắn, “bình thường” nhưng lại giàu bản lĩnh và nghị lực mạnh mẽ. Và chắc chắn, Vi Trịnh cũng sẽ làm thay đổi cái nhìn của bạn bè quốc tế về hình ảnh của những bạn trẻ Việt Nam.
Sách đang được phát hành tại Nhà sách Saigon Books và các nhà sách trên toàn quốc.
Chuyện ít biết về cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu Cuộc đời thăng trầm của Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam đã được tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang tái ... |
Chân dung những người trẻ đô thị trong "Người không mặt" Gồm 14 truyện ngắn, Người không mặt khắc họa chân dung của những người trẻ đô thị với nhiều ước mơ và hoài bão nhưng ... |
Một góc nhìn lịch sử từ hồi ký của tướng cận vệ của Bác Hồ Kể lại cuộc đời mình trong cuốn Hồi ký Trần Kinh Chi vừa xuất bản, Thiếu tướng Trần Kinh Chi mong muốn cung cấp thêm ... |