📞

Du khách Việt và hình ảnh quốc gia

15:00 | 18/04/2016
Bình quân mỗi năm có hơn 30 triệu lượt khách đi du lịch nội địa và hơn 5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Liệu bao nhiêu % số du khách này nghĩ về hình ảnh quốc gia mỗi khi đi du lịch?

Những hiện tượng xấu xí của một bộ phận du khách Việt được phản ánh nhiều trên các báo Việt Nam và quốc tế gần đây ít nhiều  ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và quá trình hội nhập của Việt Nam.

Người Việt có thực sự xấu xí?

Thực tế, những thông tin như “hai du khách người Việt Nam ăn cắp kính trong một siêu thị ở Thụy Sỹ” hay “năm khách du lịch Việt bị phạt hơn 1 năm tù vì tội ăn cắp quần áo tại cửa hàng thời trang ở Singapore”... là con số quá nhỏ so với những hình ảnh đẹp và việc làm tử tế của người Việt được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, những sự việc như trên lại là “con sâu bỏ rầu nồi canh” và  khiến nhiều người phải giật mình về ý thức xây dựng hình ảnh quốc gia, từ những hành động nhỏ nhất của cá nhân.

Du khách Việt Nam ở Bỉ (Ảnh: Thùy Dương)

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức một buổi tọa đàm mang tên “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” tại Hà Nội. Phần lớn ý kiến của các chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo… đều đồng tình rằng, khi đi nước ngoài, người Việt thường mắc phải những lỗi cơ bản như: mất trật tự nơi công cộng, chen lấn, vứt rác bừa bãi, hút thuốc lá nơi bị cấm, lãng phí đồ ăn, trễ giờ, chụp ảnh ở những nơi không được phép, ăn cắp vặt...

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel nêu bật hiện tượng đóng vai khách du lịch để trốn ở lại hành nghề bất hợp pháp khá phổ biến tại Hàn Quốc, Hong Kong, châu Âu… Ông Đạt còn kể, trong chuyến đi tới hòn đảo Kyushu ở miền Nam nước Nhật năm ngoái, đoàn khách Việt được đón tiếp rất trọng thị. Tài xế người Nhật đã lớn tuổi nhưng lái xe giỏi và giữ xe rất sạch sẽ. Tuy nhiên, đoàn khách Việt Nam ăn uống rồi xả rác bừa bãi, thường xuyên lên xe muộn trong khi xe không đỗ chờ lâu được, khi ăn buffet thường lấy nhiều để thừa đồ ăn...

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra thói xấu của một bộ phận người Việt lần đầu đi chơi xa  hồn nhiên mang theo những thói quen tự nhiên như ở nhà. Ông kể một câu chuyện khá hài hước vào năm 2008, khi làm tour cho đoàn lãnh đạo một tỉnh đi châu Âu, cả Chủ tịch tỉnh và các giám đốc Sở được cảnh sát Italy mời vào phòng làm việc vì quá ồn ào tại nhà ga Venise...

Cần những “cánh én nhỏ”...

Với ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì “đã đến lúc cần phải thay đổi và có nhiều người tiên phong  trong thực hiện văn minh du lịch”. Ông cho biết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã biên soạn tài liệu “Những lời khuyên cho du khách Việt Nam”. Cùng với Lễ phát động “Du lịch văn minh” tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2016 – VITM Hà Nội từ ngày 14-17/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng sẽ tổ chức một chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt với sự tham gia của khoảng 2.000 học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp du lịch.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp lữ hành cũng cam kết vào cuộc với những hoạt động thiết thực để nâng cao hình ảnh cho du khách Việt. Ví dụ như TransViet Travel đã triển khai việc khuyến cáo văn minh du lịch cho du khách theo ba chủ đề chính: Cư xử văn minh – Tuân thủ pháp luật – Du lịch có hiểu biết. Bên cạnh truyền thông trên các mạng xã hội, công ty còn in tờ rơi và yêu cầu hướng dẫn viên nhắc nhở du khách thực hiện tốt văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Thực tế triển khai cho thấy, nếu được tuyên truyền, nhắc nhở, du khách sẽ hạn chế đáng kể những hành vi kém văn minh.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Anh - giảng viên khoa Du lịch trường Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, người Việt không nên chỉ trích nhau quá nhiều vì điều này sẽ khiến du khách Việt cảm thấy tự ti khi đi ra nước ngoài. Theo ông Lê Anh, khi đi du lịch, du khách nên tích cực làm đẹp thêm hình ảnh quốc gia qua những việc làm như quan tâm tới các cộng đồng mà họ ghé thăm, tôn trọng sự khác biệt văn hóa, tránh những hành vi gây tổn hại cho cộng đồng tại địa phương...

Có lẽ, “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Nhưng, bằng tâm huyết và trách nhiệm với hình ảnh quốc gia, mỗi người đều có thể chung sức để xây dựng văn minh của người Việt mỗi khi đi du lịch trong và ngoài nước.