ThS. Trần Thị Thu Hảo cho rằng, ở Việt Nam, du lịch bền vững có nhiều tiềm năng để phát triển. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của ThS. Trần Thị Thu Hảo, Giảng viên khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam về xu hướng nổi bật của du lịch trong thời đại số.
Theo quan điểm của chị, đâu là những xu hướng nổi bật nhất trong ngành du lịch hiện nay và tương lại gần?
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp và rất “động”. Trong thời gian qua, dịch bệnh, thiên tai và những biến động của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu đã và đang có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng của ngành du lịch cũng như sở thích, nhu cầu của du khách.
Trong đó, xu hướng đi du lịch và xu hướng đầu tư du lịch cũng như xu hướng phát triển du lịch đã có sự thay đổi. Có một số xu hướng nổi bật phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu và sở thích của du khách.
Thứ nhất, du lịch bền vững và thân thiện với môi trường. Du khách ngày càng có xu hướng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và tìm kiếm những trải nghiệm du lịch xanh, du lịch bền vững.
Thứ hai, du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa địa phương. Thay vì chỉ tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, du khách hiện nay mong muốn hòa mình vào văn hóa địa phương, tham gia các hoạt động truyền thống và thưởng thức ẩm thực đặc sản.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động du lịch. Công nghệ đang thay đổi cách thức du lịch, từ việc đặt phòng trực tuyến, sử dụng ứng dụng hướng dẫn du lịch đến trải nghiệm thực tế ảo (VR). AI cũng được áp dụng để cá nhân hóa trải nghiệm du lịch, giúp du khách có những gợi ý phù hợp với sở thích cá nhân.
Thứ tư, du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe. Sau đại dịch, nhu cầu về du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe tăng cao. Du khách tìm kiếm các kỳ nghỉ dưỡng tại spa, tham gia các khóa thiền, yoga hoặc các chương trình detox để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
Thứ năm, đi du lịch theo nhóm đa thế hệ và đi theo nhóm gia đình.
Thứ sáu, du lịch nông nghiệp và nông thôn. Xu hướng này vừa mang lại trải nghiệm mới cho khách vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cộng đồng địa phương.
Là một người nghiên cứu về ngành, chị đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam?
Du lịch bền vững đã, đang và sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai. Ở Việt Nam, xu hướng du lịch này có những tiềm năng rất nổi bật để thúc đẩy phát triển như tài nguyên tự nhiên phong phú, đa dạng về sinh học và hệ sinh thái.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sở hữu số lượng không ít di sản thế giới được UNESCO công nhận bao gồm di sản thiên nhiên và di sản văn hóa; nhiều lễ hội và phong tục tập quán, ẩm thực đặc sắc. Tiềm năng về văn hóa này cũng sẽ góp phần không nhỏ giúp phát triển du lịch bền vững tại nước ta.
Việt Nam đã có những chính sách nhằm phát triển du lịch bền vững như chiến lược phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường; phát triển các mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương góp phần nâng cao đời sống người dân và bảo tồn văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng rất lớn thì phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức như áp lực môi trường từ sự phát triển không bền vững. Đồng thời, nhận thức về phát triển bền vững còn hạn chế từ doanh nghiệp, người dân địa phương và du khách. Cùng với đó, hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng là một vấn đề. Thực tế, một số khu vực còn thiếu và yếu về hạ tầng giao thông và các dịch vụ du lịch.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cần bảo tồn và phục hồi môi trường, tăng cường quản lý xả thải, bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý quy hoạch, xây dựng; giáo dục nâng cao nhận thức của các bên có liên quan về du lịch bền vững. Ngoài ra, nên ứng dụng công nghệ cũng như hỗ trợ du lịch cộng đồng.
Du lịch xanh được nhiều người lựa chọn. (Ảnh: NVCC) |
Vậy các trường đại học nên trang bị những kiến thức và kỹ năng gì cho sinh viên ngành du lịch để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong tương lai?
Du lịch được biết đến là một ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy, các trường đại học cần trang bị một cách toàn diện cho sinh viên về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Về chuyên môn, sinh viên cần có kiến thức quản trị (du lịch lữ hành và khách sạn); kiến thức về thị trường và xu hướng du lịch, được đào tạo nghiệp vụ gắn với thực tiễn, và kiến thức văn hóa xã hội.
Cùng với đó, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ là không thể thiếu; kỹ năng công nghệ số; kỹ năng mềm (làm việc nhóm, chăm sóc khách hàng, xử lý tình huống) cũng rất quan trọng trong thời đại ngày nay.
Hơn nữa, du lịch là một nghề thú vị nhưng rất nhiều thách thức cả về kiến thức, thái độ và đạo đức. Do vậy, thái độ và đạo đức nghề nghiệp cũng phải được trao truyền và luyện rèn từ khi còn trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, những trải nghiệm thực tế là điều không thể thiếu mà nhà trường nên trang bị cho sinh viên. Xây dựng các chương trình thực tập bắt buộc tại doanh nghiệp, như tổ chức những chuyến khảo sát thực tế tại các điểm, tuyến du lịch; xây dựng các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp; tổ chức hội thảo, tọa đàm hoặc mời chuyên gia du lịch trao đổi với sinh viên.
Chị đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy phát triển du lịch?
Trong thời đại số như hiện nay, công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Từ quản lý vận hành đến những trải nghiệm của khách hàng như tăng cường hiệu quả quản lý và vận hành: hệ thống phần mềm quản lý khách sạn (PMS); hệ thống quản lý dữ liệu tour; quản lý dữ liệu khách hàng (CRM), đến việc mở rộng cơ hội tiếp cận và marketing, quảng bá trên các nền tảng số, nội dung số (Facebook, Zalo, Tiktok, YouTube, Vlog); marketing dựa trên dữ liệu được sử dụng công nghệ phân tích; phát triển công cụ OTA (các nền tảng Booking.com, Expedia, Agoda…)... công nghệ giữ vị trí quan trọng.
Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào thực tế cũng giúp tăng cường cung cấp thông tin ban đầu và trải nghiệm cho du khách. Công nghệ hỗ trợ thanh toán thông minh, những ứng dụng như Momo, Zalopay giúp giao dịch thuận lợi và nhanh chóng.
Các ứng dụng Google Maps, TripAdvisor hỗ trợ khách hàng tìm kiếm dịch vụ dễ dàng hơn; Airbnb Experiences tăng khả năng kết nối khách du lịch với các trải nghiệm độc đáo của địa phương. Phát triển du lịch thông minh: hệ thống chatbot; ứng dụng IoT (Internet of Things) được sử dụng hỗ trợ quản lý điểm đến thông minh…
Mặc dù vai trò của công nghệ thông tin lớn nhưng để áp dụng được một cách tối ưu và hiệu quả, ngành du lịch cũng gặp rất nhiều thách thức.
Một là, chi phí đầu tư rất cao, có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hai là, thiếu kỹ năng số. Nguồn nhân lực du lịch được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin để dử dụng công nghệ hiệu quả còn chiếm tỷ lệ thấp, cần được đầu tư đào tạo cả về số lượng và chuyên sâu.
Ba là vấn đề bảo mật thông tin. Tình trạng thông tin khách hàng bị rò rỉ qua các nền tảng số hiện nay dường như trở thành vấn nạn, khi ngành du lịch áp dụng công nghệ thông tin thì việc lưu trữ dữ liệu khách hàng cũng cần đòi hỏi giải pháp an ninh mạng mạnh mẽ.
Công nghệ thông tin không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch theo hướng sáng tạo và bền vững. Việc tích hợp công nghệ thông tin vào các khía cạnh của ngành du lịch sẽ hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đã lợi ích từ công nghệ thông tin cần đầu tư về hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực cũng như xây dựng các chiến lược ứng dụng dài hạn.
AI được áp dụng để cá nhân hóa trải nghiệm du lịch, giúp du khách có những gợi ý phù hợp với sở thích cá nhân. (Ảnh: NVCC) |
Nếu được đưa ra một lời khuyên cho sinh viên ngành du lịch, chị sẽ khuyên các bạn nên tập trung vào lĩnh vực nào và làm thế nào để phát triển nghề nghiệp?
Cùng với xu hướng phát triển du lịch như hiện nay, để tận dụng cơ hội phát triển nghề nghiệp, các bạn trẻ cần trang bị cho bản thân hai yếu tố, kiến thức và kỹ năng. Cụ thể, trang bị kiến thức cơ bản và theo xu hướng phát triển của ngành du lịch (du lịch bền vững, công nghệ trong du lịch, tổ chức sự kiện du lịch…). Ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc, cơ hội cho các bạn thành thạo Tiếng Anh và sử dụng tốt thêm một ngoại ngữ khác là rất lớn; các kỹ năng bổ trợ khác như marketing du lịch cũng nên được chú trọng.
Bên cạnh đó, tận dụng mọi cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp để mở rộng mạng lưới quan hệ và nâng cao kiến thức thực tế. Theo dõi xu hướng và cập nhật công nghệ số nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng.
Ngoài ra, sinh viên cũng cần chủ động xây dựng kiến thức nền tảng vững chắc và trau dồi các kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề, phát triển tư duy sáng tạo… Tôi nghĩ, các em hãy học thật sâu để hiểu, đi xa để cảm nhận, làm nhiều để trưởng thành và sáng tạo không ngừng nghỉ để ghi dấu ấn của mình trong hành trình chinh phục ngành du lịch.
Xin cảm ơn chị!