Du lịch Bình Thuận không ngừng tăng trưởng cả về chất và lượng. (Nguồn: Báo Bình Thuận) |
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận nhận định như vậy tại hội thảo "Giới thiệu và quảng bá điểm đến Kê Gà - Bình Thuận" diễn ra mới đây.
Điểm đến hấp dẫn nhất vùng Nam Trung Bộ
Những năm gần đây, du lịch Bình Thuận đã không ngừng tăng trưởng cả về chất và lượng, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất vùng Nam Trung Bộ.
Theo ông Bùi Thế Nhân, đầu năm 2023, Bình Thuận dự kiến đón 8,3 triệu khách du lịch, tăng 2,1 triệu so với năm 2022 (6,2 triệu khách), doanh thu đạt 19.500 tỷ đồng. Trong đó khách quốc tế kỳ vọng đạt khoảng 220.000 lượt. Hết tháng 11, tỉnh đã vượt chỉ tiêu đề ra, lượng khách tăng 16,4%, riêng khách nước ngoài tăng gấp 2 so với năm ngoái.
Những kết quả trên đạt được từ việc ngành du lịch Bình Thuận tích cực triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tham mưu tổ chức sự kiện quy mô lớn thu hút khách du lịch.
Đặc biệt, chuỗi các sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ Xanh” như Lễ Khai mạc của Năm Du lịch Quốc gia 2023; Tuần lễ Văn hóa Đường phố; Lễ hội Cầu ngư; Giải Stop And Run Marathon BTV Bình Thuận 2023; trưng bày, triển lãm “Di sản văn hóa Bình Thuận kết nối các vùng miền”...
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho rằng, các doanh nghiệp du lịch đã từng bước phục hồi và phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tăng cường đào tạo nhân lực du lịch.
"Doanh nghiệp tích cực triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, cùng với các chương trình giảm giá kích cầu du lịch phù hợp, thu hút lượng lớn khách du lịch từ các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên đến tỉnh tham quan, nghỉ dưỡng, nhất là vào các ngày lễ, Tết", ông Nhân nhấn mạnh.
Không chỉ thế, du lịch Bình Thuận khởi sắc còn nhờ vào sự thuận lợi giao thông, kết nối hạ tầng. Hai tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết đi vào vận hành khai thác, rút ngắn thời gian di chuyển từ các địa phương đến Bình Thuận đã tạo cú hích rất lớn giúp ngành du lịch địa phương bứt phá.
Tỉnh cũng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc... "Bình Thuận cũng lọt top các địa phương trong cả nước có doanh thu lớn, trên 10.000 tỷ đồng. Điều này đã khẳng định dấu ấn của du lịch tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam", ông Nhân nói.
Du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Bình Thuận. (Nguồn: Báo Bình Thuận) |
Để du lịch tiếp đà "cất cánh"
Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do UBND tổ chức, nhiều ý kiến đã ghi nhận điểm sáng nổi bật của du lịch trong bức tranh kinh tế Bình Thuận. Qua đó, đề xuất chỉ tiêu đón khách năm 2024 sẽ phấn đấu chạm con số 8,8 triệu lượt khách (tăng hơn 5% so năm 2023).
Để tăng cường quảng bá du lịch, Bình Thuận cũng tính đến phát triển kinh tế đêm và đã có Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Thuận đến năm 2030.
Ông Bùi Thế Nhân cho hay, đề án này đặt trung tâm kinh tế đêm là Phan Thiết, trong lòng khu phố hiện hữu. Khu vực kinh tế đêm thứ 2 là ở Hàm Tiến - Mũi Né - "thủ phủ resort" do các doanh nghiệp, hiệp hội tự triển khai. Khu kinh tế đêm thứ 3 là Kê Gà tại các đô thị Thanh Long Bay và NovaWorld Phan Thiết.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tổ chức các sự kiện thường niên, mang đậm phong cách du lịch của tỉnh gắn liền với các yếu tố tự nhiên, như giải đua xe đạp chuyên nghiệp tận dụng cung đường đôi Bàu Trắng, giải mô tô địa hình đồi Cát, lướt ván diều trên biển, lễ hội thả diều trên đồi Trinh Nữ. Bình Thuận đang thiết kế các giải thể thao chuyên cho du khách như thả diều, lướt ván dù, chạy marathon...
Theo các chuyên gia, bên cạng việc tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu, để du lịch Bình Thuận tiếp đà "cất cánh", cần tập trung nâng chất lượng và mở rộng liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới lạ, đẳng cấp cao.
Song song với đó, cần tiếp tục phát huy lợi thế của điểm đến với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, nhất là về du lịch biển - đảo, khám phá rừng - thác - hồ, thể thao giải trí trên biển - đồi cát. Từ đó, mời gọi những nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và kinh nghiệm triển khai các dự án “điểm nhấn” theo quy hoạch phát triển của tỉnh.
Ngoài ra, Bình Thuận cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, cung cấp mạng Wifi miễn phí tại các khu - điểm du lịch, lan tỏa hình ảnh điểm đến “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn - Chất lượng" đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
| Giải thưởng 'Quả cầu vàng': Khẳng định vị thế KHCN Việt Nam trên trường quốc tế Tối 27/10, Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng KHCN "Quả cầu vàng" ... |
| Vĩnh Phúc khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Vĩnh Phúc đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ ... |
| 'Vẽ' thêm bản đồ du lịch Việt Nam, cùng ASEAN phát triển bền vững Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, ... |
| Việt Nam khẳng định hoà bình là điều kiện tiên quyết để phát triển Đại diện Việt Nam cho rằng LHQ, trong đó có HĐBA, cần có cách tiếp cận toàn diện để thúc đẩy hòa bình và phát ... |
| Tam Đảo khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới Với điều kiện tự nhiên phong phú, sự đầu tư cơ sở hạ tầng, gìn giữ bản sắc văn hóa và nỗ lực phát triển ... |