📞

Du lịch cộng đồng: Hướng phát triển bền vững cho du lịch Bình Liêu

21:30 | 28/11/2014
Là vùng đất giàu tiềm năng về thắng cảnh tự nhiên và phong phú, đa dạng về giá trị văn hoá, Bình Liêu xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi mới, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhằm từng bước định hình và xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho ngành công nghiệp “không khói” của huyện, thời gian qua, Bình Liêu đã tăng cường triển khai nhiều chương trình, hoạt động phát triển du lịch cộng đồng; trong đó, tập trung xây dựng và thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bình Liêu giai đoạn 2014-2020”.
Danh thắng thác Khe Vằn (xã Húc Động) là một trong những điểm đến hấp dẫn ở Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Duy

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới có địa hình cao nhất tỉnh với gần 43km đường biên giới đất liền giáp với Trung Quốc. Với tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm trên 95%, Bình Liêu lưu giữ được nguyên vẹn các nét văn hoá truyền thống bản địa của từng dân tộc với các phong tục tập quán, hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, như: Lễ hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, hội Au Pò, nghi lễ Then cổ của người Tày… Cùng với đó, huyện còn sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hoá: Thác Khe Vằn, bãi đá thần ở núi Cao Ba Lanh, đỉnh núi Cao Xiêm, đình Lục Nà… Chính vì vậy, Bình Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên lẫn văn hoá để phát triển du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, việc đầu tư, khai thác và sử dụng các tài nguyên, lợi thế sẵn có này vẫn còn nhiều hạn chế. Do ngành du lịch phát triển chậm nên chưa hình thành được các tour, tuyến kết nối các điểm du lịch; chưa thu hút được các nhà đầu tư. Đồng thời, các điểm du lịch trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch thiếu và yếu. Ông Trịnh Văn Duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Lượng khách du lịch đến khám phá danh lam, thắng cảnh và tìm hiểu văn hoá các dân tộc ở Bình Liêu trong thời gian qua chưa nhiều, nhưng thực tế cho thấy, con số này cũng đang dần tăng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng cho huyện trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Tuy nhiên, để tạo được dấu ấn riêng và thu hút được đông đảo du khách, huyện cần có định hướng sản phẩm rõ ràng và sự quan tâm đặc biệt của các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức xã hội và người dân trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng cần có các quy hoạch, dự án cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng một cách đồng bộ và bền vững.

Chính vì vậy, Bình Liêu đã triển khai xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bình Liêu giai đoạn 2014-2016. Thực hiện thành công đề án không chỉ góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, Bình Liêu định hướng tổ chức không gian du lịch cộng đồng phải kết nối được văn hoá các dân tộc vùng miền với thắng cảnh đặc trưng, di tích trên địa bàn. Giai đoạn I (2014-2016), huyện tập trung xây dựng dự án điểm đầu tư cho một số hộ dân thuộc khu vực Lục Ngù, đối diện thác Khe Vằn và bản Thánh Thìn (xã Húc Động); cấp vốn, xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường Lục Ngù (Húc Động) - Khe Tiền (Đồng Văn); đồng thời, hoàn thành các biển báo trên tuyến đường này để phục vụ hoạt động du lịch khám phá. Giai đoạn II (2017-2020), huyện tiếp tục đầu tư xây dựng bản văn hoá, du lịch Sông Moóc, xã Đồng Văn; xúc tiến các dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng tại một số địa điểm đẹp, như: Núi Cao Ly, núi Cao Ba Lanh, thác Khe Vằn…; xây dựng Dự án bảo tồn văn hoá các dân tộc gắn với di tích văn hoá đình Lục Nà; khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dịch vụ du lịch, như: Lữ hành, lưu trú, ăn uống…

Cùng với đó, huyện chú trọng hỗ trợ trang thiết bị cho một số hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cũng được huyện chú trọng triển khai. Bên cạnh tăng cường sự hợp tác, trao đổi học tập kinh nghiệm thông qua các chuyến khảo sát tại nhiều địa phương trong tỉnh, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên địa phương và các lớp đào tạo ngắn hạn, lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương.

Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bình Liêu giai đoạn 2014-2020”, mỗi giai đoạn sẽ có khoảng từ 200-300 người dân được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn làm du lịch; tạo việc làm và giúp cho người dân ở 5-7 thôn tăng thêm nguồn thu nhập từ du lịch. Từ đó, phấn đấu đến năm 2020, loại hình du lịch cộng đồng ở Bình Liêu sẽ thu hút trên 10.000 lượt khách; trong đó, khách nội địa đạt 7.000 lượt, khách nước ngoài đạt 3.000 lượt. Đến năm 2020, tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 15 tỷ đồng.

Theo baoquangninh.com.vn