Hơn 500 buổi biểu diễn và lễ hội âm nhạc quy mô lớn đã được tổ chức tại Trung Quốc. (Nguồn: SCMP) |
Kể từ khi Trung Quốc chính thức dỡ bỏ các hạn chế để phòng dịch Covid-19 từ tháng 12/2022, nhiều địa điểm vui chơi giải trí đã được phép mở cửa kinh doanh trở lại, kéo theo nhu cầu tăng cao đáng kể từ phía khán giả.
Bùng nổ chi tiêu cho âm nhạc, giải trí
Nhiều buổi biểu diễn và chương trình hoà nhạc được "săn lùng" gắt gao trên mạng xã hội Trung Quốc. Liu Ying, 22 tuổi, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học cho biết cô đã mạnh tay chi hơn 7.000 NDT (khoảng 980 USD) cho 3 buổi hoà nhạc từ đầu năm tới nay.
"Khán giả đang có xu hướng 'chi tiêu trả thù' sau một thời gian dài bị hạn chế. Trước khi xảy ra đại dịch, tôi không cho rằng điều này là cần thiết, nhưng sau đó, tôi sớm nhận ra rằng, những cơ hội như tham dự các buổi hòa nhạc và đi du lịch đôi khi chỉ có một lần trong đời", Liu Ying cho biết, đồng thời khẳng định, đại dịch đã khiến cô muốn có thêm nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời.
Theo Hiệp hội biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, hơn 500 buổi biểu diễn và lễ hội âm nhạc quy mô lớn đã được tổ chức tại Trung Quốc, thu về 2,5 tỷ NDT (350 triệu USD) tiền bán vé, với hơn 5,5 triệu vé đã được bán ra.
Đáng chú ý, số buổi biểu diễn vì lợi nhuận, bao gồm các đêm nhạc pop, khiêu vũ và nhạc kịch trong 6 tháng đầu năm đã tăng 400% lên 193.300, trong khi doanh thu bán vé tăng 673% lên 16,8 tỷ NDT và số lượng khán giả tham dự tăng hơn chục lần lên hơn 62 triệu USD.
Nếu thị trường giải trí và ca nhạc bùng nổ đáng kinh ngạc thì nền kinh tế nói chung lại phục hồi khá yếu ớt và mất dần động lực.
Sự tương phản rõ rệt và thiếu đồng đều giữa tốc độ phục hồi của ngành công nghiệp giải trí và những ngành công nghiệp, dịch vụ khác của Trung Quốc làm dấy lên những nghi ngại, liệu rằng chi tiêu tiêu dùng có thực sự đủ sức trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế?
Trong kỳ nghỉ Lễ Lao động kéo dài một tuần vào tháng 5, các buổi diễn và lễ hội âm nhạc đã tạo ra hơn 1,2 tỷ NDT - chưa bao gồm doanh thu bán vé mà chỉ tính đến dịch vụ vận chuyển, khách sạn, ăn uống...
Shi Xiangyu, 28 tuổi, hiện đang làm việc tại đặc khu hành chính Hong Kong cho biết: "Khi tác động của đại dịch giảm bớt, cảm xúc bị kìm nén trong ba năm đột ngột bộc phát và mọi người đều có mong muốn được tận hưởng những giây phút tự do chìm đắm trong âm nhạc".
Shi Xiangyu nói thêm, cô đã tham dự 3 đêm nhạc trong năm nay và sẽ đến dự thêm 2 đêm nữa trong tháng tới. “Mức chi tiêu thường xuyên và cao có thể không duy trì được lâu. Tôi tin rằng điều quan trọng là mỗi người cần phải biết cân bằng khả năng chi tiêu với nhu cầu", cô nói.
Không chỉ trong ngành công nghiệp giải trí, biểu diễn, xu hướng bùng nổ chi tiêu còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực ngành nghề dịch vụ khác như lưu trú, sự kiện thể thao, du lịch mua sắm, vui chơi, hàng không...
Ngược lại, một số ngành hàng tiêu dùng như xe cộ hay đồ gia dụng lại phục hồi khá chậm chạp. Doanh số bán bất động sản giảm sút đáng kể sau khi nền kinh tế Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại. Theo đó, đầu tư bất động sản đã giảm 7,9% trong 6 tháng đầu năm, kéo theo giá bất động sản giảm sâu.
Lý giải về tình trạng nghịch lý này, bà Wang Dan, chuyên gia kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, cho biết, các buổi biểu diễn hay chương trình hoà nhạc được xếp vào dạng tiêu dùng cao cấp, nhắm đến tầng lớp trung lưu thành thị có thu nhập ít bị ảnh hưởng hơn trong những năm Covid-19.
“Sự căng thẳng và cạnh tranh trên thị trường việc làm đã khiến nhiều người thay đổi quan điểm, sẵn sàng vung tiền để giải trí và thư giãn. Các chuyên gia kinh tế gọi đây là ‘hiệu ứng son môi’ - thuật ngữ để chỉ tình trạng người tiêu dùng không đủ tiền mua các sản phẩm giá trị lớn như xe hơi hạng sang, biệt thự, bất động sản… trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái thì sẽ dồn tiền mua những sản phẩm với giá trị vừa phải hơn như son môi, mỹ phẩm hay các tour du lịch cao cấp…”, ông Wang Dan phân tích.
Thách thức khôi phục niềm tin người tiêu dùng
Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những "cơn gió ngược" trong nước và quốc tế giữa bối cảnh thị trường bất động sản bị thu hẹp, nhu cầu xuất khẩu giảm cũng như niềm tin yếu kém vào khu vực tư nhân làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Trong quý II/2023, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,3%, thấp hơn so với năm ngoái dù khi đó bị đình trệ do các lệnh phong toả được áp dụng trên toàn quốc.
Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái thì người tiêu dùng sẽ dồn tiền mua những sản phẩm với giá trị vừa phải hơn như son môi, mỹ phẩm. |
Bên cạnh đó, những bất ổn gia tăng trong thị trường việc làm, vốn bị bao phủ bởi sự bi quan và bất an, cũng khiến nhiều người dân Trung Quốc không ngần ngại cắt giảm chi tiêu. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 đạt mức chưa từng có là 21,3% trong tháng 6, sau khi có xu hướng tăng kể từ năm 2020.
Con số này dự kiến tăng hơn nữa vào tháng 7 và tháng 8, khi 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học chuẩn bị rời ghế nhà trường và phủ đầy thị trường việc làm trong năm nay.
Những lo ngại về tình trạng sa thải trên diện rộng, cắt giảm lương và đối xử phân biệt đối với những lao động ở độ tuổi trên 30 cũng sẽ phủ màu ảm đạm lên bức tranh chi tiêu tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông He Jun, một chuyên gia nghiên cứu về hành vi tiêu dùng nhận định: "Một hoặc hai chính sách sẽ không thể kích thích chi tiêu, trong khi thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng mới là chìa khóa để thúc đẩy tiêu dùng. Người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn nếu thu nhập của họ tăng lên. Nhiều người sẽ mạnh tay chi tiêu và thậm chí vay mượn để tăng chi tiêu nếu họ có niềm tin vào tương lai, bởi vì họ tin họ có khả năng trả nợ. Việc phục hồi tiêu dùng không thể thực hiện được thông qua kiểm soát kinh tế vĩ mô mà sẽ là kết quả của quá trình cải thiện nền kinh tế".
Tiêu dùng hiện chiếm 32,8% trong tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm 2022, giảm từ mức 54,5% vào năm 2021 và vẫn còn cách xa với con số 80% ở nhiều nước phát triển. Mặc dù chính quyền đã tung ra nhiều biện pháp kích thích chi tiêu tiêu dùng, điển hình là hỗ trợ tiền cho các gia đình có thu nhập thấp nhưng vẫn chưa thu được nhiều hiệu quả đáng kể.
“Hiện các chính sách kinh tế vẫn tập trung chủ yếu vào an ninh kinh tế và sức mạnh dài hạn trong chuỗi cung ứng. Các biện pháp kích thích tiêu dùng hoặc đầu tư ngắn hạn không được ưu tiên”, chuyên gia Wang Dan nói thêm.
Xu Tianchen, một nhà kinh tế của Economist Intelligence Unit dự báo trong hai đến ba năm tới, tiêu dùng hộ gia đình Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế so với đầu tư.