Tác giả trước trụ sở Tòa án Công lý quốc tế ở Den Haag. (Ảnh: TGCC) |
Tôi đến Hà Lan vào những ngày cuối tháng Tư trong tiết trời Xuân mát mẻ, trong lành, thỉnh thoảng, những cơn gió se lạnh thổi mang theo không khí biển nhắc người ta nhớ đây là một quốc gia ven biển. Tôi đã thăm thành phố Den Haag (hay còn gọi là La Haye theo tiếng Pháp), thủ đô Amsterdam, lễ hội hoa tulip ở công viên Keukenhof, làng Zaanse Schans và làng Giethoorn, những địa điểm được coi là “đặc sản” của đất nước Hà Lan.
Kỷ niệm khó phai ở Den Haag
Ngày đầu tiên tôi đến thành phố Den Haag may mắn trùng với King's Day (27/4), ngày sinh nhật của vua Willem - Alexander của Hà Lan, chính vì thế tất cả người dân đều được nghỉ và ra đường để ăn mừng ngày trọng đại này. Đường phố Hà Lan đông vui náo nhiệt và tràn ngập màu da cam. Sắc cam thể hiện niềm tự hào của hoàng tộc Hà Lan (the House of Orange - Nassau) và người Hà Lan mặc trang phục màu sắc rực rỡ này nhằm thể hiện tình yêu vô bờ bến với đất nước.
Sau một hồi rảo bước qua những con phố, hòa mình vào không khí lễ hội, tôi ghé vào tiệm bánh ngọt nhỏ ven đường và chỉ vào một chiếc bánh ngọt phết kem được trang trí với sốt cam có cắm chiếc cờ Hà Lan nho nhỏ ở trên. Người bán bánh giơ ngón tay cái biểu thị sự ủng hộ lựa chọn này và giới thiệu: “Bạn chọn đúng rồi đấy! Đây là bánh tompouce, bánh truyền thống của Hà Lan và King’s Day sẽ không thật sự trọn vẹn nếu bạn bỏ qua món này”.
Một kỷ niệm đặc biệt ý nghĩa khác ở Den Haag đối với một người học ngành luật quốc tế như tôi là thăm trụ sở Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), tòa lâu đài cổ kính đẹp như tranh vẽ, nơi xét xử các vụ kiện giữa các nước và tư vấn pháp lý về các vấn đề luật quốc tế. Tôi đã nhiều lần thấy hình ảnh của ICJ trên bìa các giáo trình luật nhưng khi được “mục sở thị” cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc vẫn đem lại một cảm xúc khó tả.
Khó có thể tưởng tượng được bên trong tòa nhà cổ kính kia biết bao quyết định, kết luận nhằm giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc liên quan đến các vấn đề quan trọng gây tranh cãi dai dẳng nhiều năm về biên giới, chủ quyền lãnh thổ, quan hệ ngoại giao, quyền tị nạn, quốc tịch và quyền kinh tế... đã được đưa ra. Trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tòa án, ngày 18/4/1946, Chủ tịch đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc Paul - Henri Spaak từng nói: “Tôi không mạo hiểm khẳng định rằng, ICJ là cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc, nhưng tôi có thể nói rằng, chẳng có cơ quan nào quan trọng hơn nó”. Den Haag để lại cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ như thế!
Một góc Amsterdam khi hoàng hôn. (Nguồn: Hotels.com) |
Sôi động và rực rỡ
Ngược lại với Den Haag, thủ đô Amsterdam sôi động, hiện đại và nhộn nhịp hơn nhiều. Bước ra khỏi ga tàu đông đúc, tôi bắt gặp dòng người đi xe đạp trên tuyến đường riêng.
Vốn dễ bị tổn thương trước tình trạng ấm lên của Trái đất, Hà Lan là một trong những quốc gia tiên phong về nỗ lực bảo vệ môi trường. Với 22,5 triệu xe đạp, trong khi dân số chỉ có 17,5 triệu người, Hà Lan được xem là quốc gia có tỷ lệ xe đạp bình quân đầu người cao nhất thế giới. Theo Hiệp hội những người đạp xe Hà Lan, nước này chiếm 2,3% trong tổng số 1 tỷ xe đạp trên thế giới, với trung bình 1,3 xe đạp/người. Đi xe đạp từ thói quen sinh hoạt hàng ngày đã trở thành nét văn hóa của người Hà Lan.
Trong khi đó, Amsterdam có hệ thống kênh đào đồ sộ, nếu tính mặt nước của tất cả các kênh rạch sông ngòi cộng lại sẽ chiếm khoảng một phần tư diện tích bề mặt của thành phố. Kênh đào Amsterdam có ba kênh chính gồm kênh Hoàng tử, kênh Hoàng đế và kênh Quý ông. Năm 2011, UNESCO chính thức công nhận hệ thống kênh đào vành đai bao gồm ba kênh chính được xây dựng vào thế kỷ XVII ở Amsterdam là Di sản thế giới cùng với hơn 1.000 công trình tưởng niệm ven kênh.
Vì vậy, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đi xe đạp thong dong dọc theo những con kênh hay đôi ba chiếc xe đạp màu sắc rực rỡ đặt hờ hững bên cầu qua kênh làm Amsterdam thật thơ mộng, đặc biệt là trong buổi chiều tà. Để trải nghiệm trở thành một người Amsterdam thực thụ, tôi thuê một chiếc xe đạp đi lòng vòng trong trung tâm thành phố, ghé qua một số địa điểm nổi tiếng như Bảo tàng Rijksmuseum, Quảng trường Rembrandtplein, phố đèn đỏ De Wallen, Quảng trường Dam, khu vườn Begijnhof…
Thảm hoa tulip nhiều màu tại công viên Keukenhof. (Ảnh: NVCC) |
Rời thủ đô Amsterdam, tôi đến thăm công viên Keukenhof – vườn hoa lớn nhất thế giới thuộc thị trấn Lisse ở phía Tây Nam. Tôi may mắn đến thăm Keukenhof đúng dịp lễ hội, khi hoa tulip đang nở rộ. Bước vào công viên, tôi vô cùng choáng ngợp trước hàng ngàn bông hoa tulip rực rỡ đua nhau khoe sắc tuyệt đẹp được trồng thành từng luống như những dải lụa màu dưới ánh nắng Xuân.
Tồn tại hơn một thế kỷ, công viên Keukenhof có khuôn viên rộng 32ha và được trồng hơn bảy triệu bông hoa ôn đới và được hàng trăm nghệ nhân làm vườn chăm sóc mỗi ngày. Công viên được chia làm nhiều khu, mỗi khu được trang trí và thiết kế theo các phong cách khác nhau, tạo sự mới lạ, kích thích trí tò mò của du khách. Ngoài loài hoa tulip đặc trưng, lễ hội còn có nhiều loại hoa khác như hoa thủy tiên vàng, hoa loa kèn, hoa lan…
Mãn nhãn với nhiều chủng loại hoa đa màu sắc, tôi còn được thưởng thức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, các tiết mục trình diễn đậm bản sắc truyền thống Hà Lan. Cảm giác thật thư thái khi được cùng người thân đi dạo qua những thảm hoa rực rỡ, chìm đắm trong khúc nhạc đồng quê và ngắm nhìn những con suối nhỏ trong lành chảy êm đềm ra hồ lớn, nơi có những chú thiên nga xinh đẹp ung dung bơi trên mặt nước.
Những ngôi làng xinh đẹp
Nhắc đến Hà Lan, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Giethoorn, một ngôi làng nhỏ, có lịch sử lâu đời thuộc tỉnh Overijssel. Với hệ thống kênh đào chằng chịt và hàng trăm cây cầu gỗ, làng Giethoorn còn được gọi là “Venice của Hà Lan”. Đến đây, du khách có thể lựa chọn chèo thuyền kayak, ngồi cano, đi xuồng máy hoặc tản bộ dọc theo các con kênh uốn lượn để ngắm nhìn những ngôi nhà mái tranh bao bọc bởi màu xanh tươi của cây cối và hoa cỏ với đường vào là những cây cầu gỗ.
Khác với nhịp sống sôi động, hối hả ngoài kia, không tiếng còi xe và khói bụi của phương tiện giao thông, khung cảnh làng Giethoorn vô cùng thanh bình, cổ kính. Lặng yên trên xuồng máy để cảm nhận vẻ đẹp hiếm có nơi đây, tôi tự hỏi có phải mình đang lạc vào một thế giới cổ tích giữa đời thực?
Làng Giethoorn. (Ảnh: NVCC) |
Cuối cùng nhưng không kém phần đặc sắc là ngôi làng cối xay gió Zaanse Schans chỉ cách thành phố Amsterdam khoảng 15km về phía Tây Bắc. Khung cảnh điển hình mà khách du lịch hình dung về Hà Lan với cối xay gió, guốc gỗ, bò sữa và những trang trại.
Nhìn từ xa, những chiếc cối xay gió cổ kính sừng sững, nổi bật trên nền trời xanh với nhiều màu sắc, phong cách riêng. Làng Zaanse Schans có tổng cộng 13 chiếc cối xay gió, trong đó là sáu chiếc cối xay gió cổ nằm dọc theo bờ sông Zaan. Những chiếc cối xay gió ở đây có tuổi đời lên đến hơn 300 năm. Trung bình cứ 16 giây, cối xay sẽ quay hết một vòng nhưng khi gió lớn chỉ cần 10 giây. Được tận mắt chứng kiến hoạt động của những chiếc cối xay gió là một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Không chỉ nổi tiếng với cối xay gió khổng lồ, làng Zaanse Schans còn là nơi sản xuất guốc gỗ truyền thống của Hà Lan - một trong những biểu tượng của Hà Lan, đi cùng với bộ trang phục truyền thống váy nhiều tầng hoặc quần ống rộng.
Ghé thăm Bảo tàng guốc gỗ nằm trong làng, tôi được chiêm ngưỡng bộ sưu tập guốc gỗ rất độc đáo với đủ kiểu, đủ màu bày từ ngoài cửa đến bên trong gian bảo tàng. Tại đây, người thợ thủ công sẽ trực tiếp làm ra những chiếc guốc gỗ, từ một đôi guốc mộc, sau đó được sơn, vẽ hay khắc hoa văn để tăng giá trị thẩm mỹ. Chắc chắn, sau khi xem xong, khó ai có thể kiềm chế được việc mua một vài chiếc guốc gỗ nhỏ xinh để làm quà lưu niệm.
Sau những trải nghiệm tuyệt vời, tôi có thể kể rất nhiều lý do để yêu mến Hà Lan và phần nào hiểu được vì sao đất nước này luôn nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Hà Lan trong tôi gói gọn có lẽ là niềm hạnh phúc trong cuộc sống thanh bình nên thơ.