Tại Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực VITA cho rằng, trong bối cảnh bình thường mới, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam thì phát triển du lịch nội địa luôn là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Văn, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Tuấn Nam) |
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn, Thể thao và Du lịch đã đánh giá cao sáng kiến của VITA về việc tổ chức sự kiện. Bộ trưởng cho rằng trong nhiều năm qua, du lịch nội địa ít được quan tâm đó lại là thị trường có dư địa phát triển cực kỳ lớn... Chính phủ đã có chiến lược về phát triển du lịch Việt Nam.
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã thiết kế khung về du lịch nội địa, đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ và chiến lược phát triển du lịch nội địa.
Đầu tiên là ưu tiên xem xét việc cơ cấu lại các doanh nghiệp làm du lịch hiện nay. Tính toán lại những bộ phận quan trọng, chủ lực của bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành của kinh doanh lữ hành nội địa, từ kinh doanh lữ hành quốc tế sang kinh doanh lữ hành nội địa.
Thứ hai là phải nghiên cứu lại thị trường nội địa, không thể manh mún. Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), hơn 83% người dân được hỏi cho biết sẵn sàng di du lịch ngay trong vài tháng tới, nhất là khi hè tới. Và hơn 69% sẽ lựa chọn di du lịch bằng máy bay. Như vậy, nhu cầu của khách rất lớn. Từ đó, ông Hùng cho rằng phải cơ cấu lại thị trường để tính được, làm được, điều tiết thị trường.
Thứ ba, du lịch là đòi hỏi sự liên kết, dựa trên những sản phẩm du lịch có tính đặc biệt, đặc trưng có tính thu hút cao. Vì vậy phải tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối các giá trị và lan toả các giá trị của sản phẩm để từ đó thực hiện cung cấp sản phẩm tới du khách.
Thứ tư, du lịch và sản phẩm du lịch là sự tác động của một quá trình nhưng lại mang đậm dấu ấn văn hoá vì vậy, du lịch không thể tách rời văn hoá. Vì vậy phải tập trung đầu tư xây dựng từng bước hình thành văn hoá ở các điểm đến du lịch. Khi và chỉ khi hình thành được điều này thì du khách mới yêu quý vùng đất và các sản phẩm du lịch.
Tại diễn đàn, thay mặt tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã cảm ơn Ban Tổ chức đã lựa chọn tỉnh Ninh Bình là nơi tổ chức diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021. Ông tin tưởng thông qua diễn đàn, cơ quan quản lý, các địa phương, các doanh nghiệp sẽ tìm được giải pháp phục hồi du lịch toàn quốc nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng trong bối cảnh mới.
Nhiều chương trình hợp tác được ký kết tại sự kiện. (Ảnh: Tuấn Nam) |
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo hai nội dung chính về vai trò ý nghĩa tầm quan trọng của du lịch nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” trước mắt và lâu dài, các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nội địa; các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch.
Dịp này, nhiều hoạt động hợp tác đã được ký kết như: tỉnh Ninh Bình – Vietnam Airlines; Vietnam Airlines - doanh nghiệp Xuân Trường; Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) - Sở Du lịch Ninh Bình; Hiệp hội Du lịch các tỉnh Ninh Bình - TP. HCM - Đà Nẵng - Cần Thơ và Hiệp hội Du lịch Ninh Bình – CLB Du lịch MICE Việt Nam.