Một số địa phương hiện có nhiều tour du lịch về nguồn hấp dẫn. Hình ảnh đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. (Nguồn: Báo Dân tộc) |
Thế mạnh của nhiều địa phương
Trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch về nguồn khi sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt. Hầu hết các địa phương đều có các “địa chỉ đỏ” nổi tiếng, du khách không chỉ có thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống, mà còn được bồi đắp niềm tự hào, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước.
Một số địa phương hiện có nhiều tour du lịch về nguồn hấp dẫn có thể kể đến như Hà Nội, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Chẳng hạn, Khu di tích lịch sử Pác Bó, tỉnh Cao Bằng là một điểm đến thiêng liêng và hấp dẫn, luôn thu hút đông đảo du khách. Khách du lịch đến đây không chỉ tham quan di tích, mà còn được hòa mình vào môi trường sinh thái trong lành với tổng diện tích 500 ha được quy hoạch trong vùng du lịch.
Hay đến huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), du khách có thể khám phá Cụm di tích Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh...
Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên), địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, bến sông Thạch Hãn (Quảng Trị), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang)... cũng được ghi nhận là các “địa chỉ đỏ” đón nhiều du khách đến tham quan thời gian qua.
Nhiều tour du lịch về nguồn đã được chào bán rộng rãi trong các đơn vị lữ hành, thậm chí trở thành tour hút khách.
Chia sẻ về công tác phát triển du lịch về nguồn, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố có gần 400 điểm đến du lịch, trong đó nhiều địa điểm gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể. Vì vậy, việc xây dựng và khai thác các di tích lịch sử-văn hóa sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khẳng định sức hút của TP. Hồ Chí Minh.
Bà Lê Thị Thu Hòa, Phó trưởng Phòng phụ trách nghiệp vụ du lịch, Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, du lịch lịch sử là thế mạnh, là “đặc sản” của Tân Trào, chiếm gần 90% tổng lượng du khách đến địa phương, góp phần cho sự phát triển của các ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực...
Hành trình về nguồn tại Tân Trào là địa điểm lý tưởng cho các cơ quan, đoàn thể, trường học dã ngoại, tổ chức teambuiding, báo công dâng Bác, tham quan trải nghiệm về cội nguồn cách mạng, khám phá nét văn hóa dân tộc.
Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ trong Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Quảng bá và phát triển đồng bộ
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cần chuyển hướng tiếp cận các nhóm khách nhỏ. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lấy làm điểm tựa để khởi động lại hoạt động.
Thêm vào đó, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên các di tích lịch sử, danh thắng, văn hóa bản địa của các vùng miền và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo để đưa sản phẩm du lịch tiếp cận gần hơn với người dân.
Để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của du lịch về nguồn, các chuyên gia du lịch nhận thấy, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ban quản lý các di tích cần tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích xã hội hóa để làm phong phú các dịch vụ.
Đồng thời, phải có sự phối hợp của các ngành liên quan trong quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ, đường sông, hệ thống bến bãi nhằm tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi các điểm di tích lịch sử, khai thác tiềm năng du lịch.
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử, Th.S Nguyễn Thành Nam, Trường Đại học Hoa Sen, cho rằng cần tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp du dịch, xây dựng hành trình tour theo chủ đề, nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa của du khách nói riêng và nhân dân nói chung.
Ông Nguyễn Thành Nam khẳng định: "Việc quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch về nguồn cần đồng bộ, khai thác lợi thế của nền tảng truyền thông du lịch có sẵn để quảng bá sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử, theo hướng bắt kịp với xu hướng, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.
Các cấp, ngành cần tăng cường nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ di tích đến cư dân sở tại, giúp người dân thấy rõ lợi ích từ du lịch mang lại và hỗ trợ, khuyến khích họ tham gia hoạt động dịch vụ, du lịch".
| TS. Trịnh Lê Anh: Cần đầu tư xứng tầm để du lịch MICE trở thành 'đặc sản' của Việt Nam Muốn du lịch MICE thực sự trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam, các địa phương, từng doanh nghiệp, từng điểm đến cần ... |
| Xây dựng môi trường du lịch xanh, hút du khách đến Việt Nam hậu Covid-19 Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cần xây dựng môi trường du lịch xanh để phát triền bền vững và hút khách quay ... |
| Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới Mở cửa hậu Covid-19, du lịch Việt Nam đã sớm lấy đà và đạt được nhiều tín hiệu khả quan. Thành tựu này có được ... |
| MICE - mảnh đất màu mỡ của du lịch Việt Nam Du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng) được xem là “mảnh ... |
| Du lịch Việt Nam nhanh chóng ‘tan băng’, sẵn sàng bứt tốc mạnh mẽ Từng bị “đứng hình” trong đại dịch, sau khi mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam nhanh chóng gặt hái kết quả khả quan, ... |