Khách du lịch Việt Nam chụp ảnh tại Núi Tuyết Ngọc Long, Lệ Giang, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa Xã) |
Sức hút từ nước láng giềng
Chuyến du lịch Vân Nam (Trung Quốc) vừa kết thúc để lại cho chị Đỗ Huyền Bích - một du khách Việt Nam, nhiều ấn tượng mới lạ và cảm giác lưu luyến. Trong vòng một tuần, chị đặt chân đến Đại Lý, Lệ Giang và Shangri-La; tham quan cổ trấn, leo núi tuyết và thưởng thức lẩu đường phố.
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc chi nhánh Lâm Đồng, Công ty du lịch Vietjet, khi đến Trung Quốc khảo sát các tuyến du lịch đã phải thốt lên: “Lệ Giang là cổ trấn đẹp nhất tôi từng đến”. Mặc dù chuyến công tác chưa kết thúc, ông đã lên ý định hợp tác với các công ty lữ hành Trung Quốc nhằm quảng bá các tuyến du lịch xuyên biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Ông Tuấn Anh khẳng định sẽ giới thiệu những địa điểm thú vị tại đây nhiều hơn cho khách hàng Việt Nam, đồng thời hy vọng du khách Trung Quốc đến với đất nước hình chữ S nhiều hơn.
Thời gian gần đây, nhờ các yếu tố thuận lợi, như đường bay thẳng và đơn giản hóa thủ tục visa, tỉnh Vân Nam đón lượng lớn du khách Việt Nam nhập cảnh, tạo thị trường du lịch xuyên biên giới ngày càng sôi động.
Vào đầu năm 2023, làng Phương Dương Ấp ở thành phố Đại Lý (Vân Nam) trở thành điểm du lịch nổi tiếng nhờ sức hút của bộ phim truyền hình “Đi đến nơi có gió”, kéo nhiều du khách Việt đến "check-in". Thậm chí một số cửa hàng trong làng còn treo biển quảng cáo bằng tiếng Việt dành cho khách du lịch từ nước láng giềng.
Một nữ nhân viên tại quán cà phê ở làng Phương Dương Ấp cho biết, chưa bao giờ bản thân lại khao khát học một ngoại ngữ đến vậy. Gần đây, ước tính 1/3 khách hàng của quán là người Việt nên để giao tiếp tốt hơn, cô đang dành thời gian học tiếng Việt.
Từ đầu năm đến nay, các địa điểm như Côn Minh, Đại Lý, Lệ Giang, Shangri-La, Hồng Hà ở Vân Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với người Việt Nam.
Trong bối cảnh du lịch xuyên biên giới Việt Nam-Trung Quốc ngày càng sôi động, nhu cầu về nhân lực biết tiếng Việt cũng tăng lên.
Hướng dẫn viên Du Đào, người đồng hành lâu năm với du khách Việt Nam, nhận thấy rõ số lượng đoàn khách Việt tăng rõ rệt trong hai năm qua. Ông Du chia sẻ, có hôm buổi sáng vừa tiễn một đoàn ở Hà Khẩu, buổi chiều lại đến Côn Minh đón đoàn mới, ngày nào ông cũng bận rộn.
“Thường một ngày có ba đến bốn công ty lữ hành liên hệ nhờ dẫn đoàn, nhưng tôi không thể xoay sở hết được”, ông Du Đào cho biết.
Khách du lịch Trung Quốc thích thú khi trải nghiệm văn hóa Việt Nam. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Phát triển mạnh mẽ ở cả hai chiều
Bên cạnh đó, không chỉ du khách Việt Nam yêu thích Vân Nam, cùng các điểm tham quan nổi tiếng khác, mà từ đầu năm nay, Việt Nam cũng trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Trung Quốc. Du lịch xuyên biên giới Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ ở cả hai chiều.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, vào tháng 5/2024, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 357.000 lượt, vượt qua Hàn Quốc để trở lại vị trí thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam.
Hà Khẩu là cửa khẩu đường bộ lớn nhất nằm ở biên giới Việt-Trung. Từ cửa khẩu Hà Khẩu, du khách Trung Quốc có thể đi xe buýt đến Sa Pa - thị trấn du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
“Chỉ cần đi một quãng đường ngắn là có thể trải nghiệm phong cảnh của một đất nước khác, thật sự tiện lợi!”, một du khách Trung Quốc chia sẻ.
Không chỉ có cửa khẩu Hà Khẩu, vào đầu năm nay, cửa khẩu Thiên Bảo (Vân Nam) cũng bắt đầu triển khai các tour du lịch xuyên biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Du khách Trung Quốc chỉ cần mang theo giấy tờ tuỳ thân làm giấy thông hành, sau đó xuất cảnh từ cửa khẩu Thiên Bảo và nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Thanh Thủy là có thể khám phá tỉnh Hà Giang.
Hiện tại có nhiều tuyến du lịch xuyên biên giới từ Châu Văn Sơn (Trung Quốc) - nơi du khách có thể cảm nhận rừng nguyên sinh, hòa mình vào cuộc sống người dân ven sông, tham quan cao nguyên đá Đồng Văn hay thưởng thức lẩu cá kiểu Việt và cà phê phin trên thuyền.
Ông Triệu Á Phong, Tổng Giám đốc công ty du lịch quốc tế Ma Lật Pha cho biết, từ cửa khẩu Thanh Thuỷ đến cao nguyên đá Đồng Văn chỉ mất nửa giờ đi xe buýt, trên đường đi du khách còn có thể ngắm nhìn khung cảnh đồng quê. Tuy vậy, du lịch quốc tế từ Châu Văn Sơn chỉ mới bắt đầu phát triển và còn mới mẻ, hy vọng trong tương lai càng nhiều du khách đến đây trải nghiệm.
Sở Văn hóa và du lịch tỉnh Vân Nam cho biết, làn sóng du lịch phát triển mạnh mẽ ở cả hai chiều không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn làm sâu sắc thêm giao lưu văn hóa và tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam-Trung Quốc.
| Chuyên gia Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Chuyên gia Trung Quốc hy vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trên ... |
| Truyền thông Trung Quốc đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Ngày 19/8, nhiều báo và trang tin chính thống của Trung Quốc đã đưa tin, đánh giá cao các hoạt động trong chuyến thăm cấp ... |
| Việt Nam và Trung Quốc tập trung thúc đẩy hợp tác vào 5 phương diện chính Trả lời phỏng vấn báo chí sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và ... |
| Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân, hai nước đã ra ... |
| Việt Nam-Trung Quốc nghiên cứu mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân đến Trung Quốc, ngày 20/8, ... |