📞

Dữ liệu khoa học không đủ để dự đoán nguy cơ tuyệt chủng của động vật

14:27 | 06/09/2016
Một nghiên cứu khoa học vừa cho thấy, bóng mát che phủ môi trường sống có vai trò rất quan trọng đối với nguy cơ tuyệt chủng của động vật.

Theo Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ công bố ngày 5/9, các dữ liệu khoa học đang được sử dụng để dự đoán sự tồn tại của các loài trong khi hành tinh đang ấm lên có thể sẽ không thật sự hiệu quả.

Theo đó, một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã khảo sát hàng chục loài thằn lằn gai sống ở sa mạc New Mexico. Kết quả cho thấy, gần 40% cá thể thằn lằn trên toàn cầu được dự đoán ​​sẽ biến mất vào năm 2080 do Trái Đất đang nóng lên nhanh hơn so với khả năng các loài có thể thích nghi.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, để đưa ra dự đoán chính xác, mô hình nghiên cứu phải bao gồm nhiều dữ liệu hơn, đặc biệt là ghi nhận vai trò của những vùng râm mát đối với môi trường sống của động vật.

"Điều đáng lo ngại thực sự là các nghiên cứu trước đây đã đánh giá thấp nguy cơ tuyệt chủng" - Giáo sư Mike Angilletta (Đại học Arizona), đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Loài thằn lằn luôn phải liên tục di chuyển vào nơi râm mát . (Ảnh: Phys.org)

"Hầu hết các mô hình nghiên cứu đều giả định rằng một con vật có thể ở bất cứ nơi nào trong môi trường của nó vào bất cứ lúc nào, mà không tính đến năng lượng mà con vật đó phải tiêu tốn để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của nó. Động vật thường phải di chuyển, lang thang đi tìm kiếm bóng mát để trú ngụ, khiến cho chúng tốn nhiều năng lượng cơ thể, nhất là khi các vùng có bóng mát cách xa nhau, điều này dễ dẫn đến nguy cơ chúng bị kiệt sức" - ông Angilletta nói.

Ông Raymond Huey, giáo sư sinh học tại Đại học Washington, nhận định: "Đây là một nghiên cứu mang tính đột phá".

"Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu sự ấm lên của khí hậu bây giờ sẽ buộc phải đánh giá sự phân bố không gian của các vùng nắng nóng và râm mát. Thành thật mà nói, việc này làm cho công tác nghiên cứu của chúng tôi trở nên khó khăn hơn nhiều, nhưng cũng thú vị hơn nhiều" - ông Huey nói.

(theo ASU)