TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với các thực thể Trung Quốc | |
Tạp chí Foreign Policy: 5 trận chiến Mỹ-Trung Quốc |
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. (Nguồn: FT) |
Ngày 22/5, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett tuyên bố, động thái của Bắc Kinh muốn áp dụng một luật an ninh mới tại Đặc khu Hành chính Hong Kong sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế của Trung Quốc.
Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, ông Kevin Hassett nêu rõ: "Động thái của Trung Quốc tại Hong Kong sẽ rất tồi tệ cho nền kinh tế Trung Quốc cũng như Hong Kong và chúng tôi đang cân nhắc cách chúng tôi có thể đáp trả (động thái này)".
Cùng ngày, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Mỹ cần phải lãnh đạo thế giới lên án Trung Quốc nếu nước này áp dụng luật an ninh quốc gia mới đối với Đặc khu Hành chính Hong Kong, sau khi Bắc Kinh công bố dự luật có thể làm suy yếu quyền tự chủ của vùng lãnh thổ này.
Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Biden nêu rõ: “Chúng ta nên kêu gọi phần còn lại của thế giới lên án các hành động của Trung Quốc và chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì đã im lặng về các vấn đề nhân quyền”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Trung Quốc về dự luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh dành cho Hong Kong, xem dự luật này là tùy tiện và thảm họa, đồng thời cho rằng, nó có thể tác động đến cách hành xử và mối quan hệ của Washington với vùng lãnh thổ này.
Cũng trong ngày 22/5, Anh, Canada và Australia đã bày tỏ quan ngại về những đề xuất của Trung Quốc cho dự luật an ninh quốc gia tại Hong Kong. Tuyên bố chung của 3 nước nêu rõ: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những đề xuất cho dự luật liên quan tới an ninh quốc gia tại Hong Kong. Thay mặt Hong Kong ban hành một luật như vậy mà không có sự tham gia trực tiếp của người dân, cơ quan lập pháp và tư pháp của đặc khu này rõ ràng làm suy yếu nguyên tắc 'Một nước, hai chế độ' mà theo đó, Hong Kong được đảm bảo một mức độ tự trị cao".
Cùng ngày, EU cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng sự tự do của Đặc khu Hành chính Hong Kong. Sau khi tham vấn với các nước EU, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã ra tuyên bố kêu gọi "duy trì mức độ tự trị cao của Hongkong".
Ông Borrell nêu rõ: "EU có lợi ích to lớn trong sự ổn định và thịnh vượng không ngừng của Hongkong theo nguyên tắc 'Một quốc gia, hai chế độ'. EU coi trọng việc duy trì mức độ tự trị cao của Hong Kong, phù hợp với Luật Cơ bản và những cam kết quốc tế".
Cho biết EU sẽ "tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến", Đại diện cấp cao Josep Borrell nhấn mạnh: "EU cho rằng các cuộc thảo luận dân chủ, tham vấn của các bên liên quan chủ chốt, sự tôn trọng các quyền được bảo vệ và sự tự do tại Hong Kong sẽ là cách tốt nhất để xúc tiến việc thông qua dự luật an ninh quốc gia".
Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày trước Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc một dự luật an ninh có thể làm suy giảm mạnh mẽ hệ thống pháp lý riêng biệt của Hong Kong.
Theo hãng thông tấn Ấn Độ PTI, Trung Quốc đã gửi công hàm tới Ấn Độ và một số quốc gia để giải thích lý do về quyết định áp dụng luật an ninh mới đối với Hong Kong và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước này. Trong công hàm, Trung Quốc cho rằng dự luật hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà không một quốc gia nào có thể can thiệp.
Tờ The Hindu đánh giá đây là động thái nhằm xoa dịu những phản ứng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Ấn Độ.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tối 22/5 tuyên bố, việc đưa ra dự luật an ninh quốc gia cho Hong Kong giúp bảo vệ các lợi ích hợp pháp của người dân đặc khu cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu về vấn đề này, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, sự tin tưởng vào doanh nghiệp tại Hong Kong sẽ được cải thiện khi thành phố này trở nên an toàn hơn sau khi hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi của đặc khu được thiết lập và cải thiện nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Bà nhấn mạnh lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị tổn hại.
Phát biểu trên được bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đưa ra tại một cuộc họp báo với sự tham dự của nhiều quan chức chính quyền cũng như ủy viên Hội đồng Điều hành. Theo bà, an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nước và khu vực, là nền tảng cho sự thịnh vượng của người dân.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định, chính quyền Hong Kong ủng hộ cuộc thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII về dự luật nhằm thiết lập và cải thiện ở cấp quốc gia hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi cho Hong Kong nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Trung Quốc kêu gọi Mỹ trả nợ cho Liên hợp quốc, công kích Washington làm suy yếu kinh tế toàn cầu TGVN. Ngày 15/5, Trung Quốc ra thông cáo kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) chủ động hoàn thành nghĩa vụ tài ... |
Mỹ-Trung Quốc: Tin cậy thấp nhất kể từ 1979 TGVN. Đại dịch Covid-19 đã đẩy mức độ tin cậy giữa Mỹ-Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979 - tờ The Economist ... |
Mỹ - Trung Quốc: Cuộc khẩu chiến mới TGVN. Có thể đã có hy vọng đại dịch sẽ đưa thế giới lại gần nhau hơn, nhưng thực tế Covid-19 khiến mâu thuẫn thêm ... |