Ngày Tết trong văn hóa các nước châu Á đặc trưng bởi những bàn tiệc tất niên linh đình với đầy đủ các món ăn cổ truyền và những lời thăm hỏi về cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình.
Do yếu tố lịch sử, văn hóa của người Hoa có ảnh hưởng đến nhiều nước châu Á, thế nhưng không phải người dân các nước này đều đón Tết theo cách của người Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong khu vực có truyền thống và phong tục đón Xuân riêng, tùy theo đặc trưng vùng miền và dân tộc.
Không khí lung linh tại một khu phố người Hoa ở Singapore. (Nguồn: VICE) |
Singapore - cam quýt mang lại may mắn, tài lộc
Tết Nguyên đán là một dịp rất quan trọng đối với đảo quốc sư tử này, nơi mà 3/4 dân số là người Trung Quốc. Vào ngày Tết tại Singapore, những món đồ trang trí màu đỏ và vàng bắt đầu xuất hiện trong các trung tâm thương mại, hoặc có thể dễ dàng bắt gặp những lồng đèn treo lung linh sáng hồng trên các ngõ ngách ở khu người Hoa.
Tại các siêu thị và trung tâm thương mại bắt đầu phát những bản nhạc đầy tiếng chiêng trống rộn ràng nhằm tạo không khí vui vẻ và thu hút khách hàng. Đặc biệt, các chương trình khuyến mãi dịp Tết từ mọi thương hiệu bắt đầu hoạt động hết công suất vào thời điểm mua sắm nhộn nhịp nhất của năm.
Mọi người đổ xô đến các ngân hàng rút tiền mặt để sắm Tết và để dành lì xì cho người thân. Người Singapore gốc Hoa có thói quen mua vé lô-tô vào dịp năm mới. Hằng năm, công ty xổ số Singapore Hongbao Toto Draws bán những tờ vé số đặc biệt với giải thưởng hàng triệu dollar Singapore.
Người Singapore rất ưa chuộng các loại cam quýt và xem đó biểu tượng cổ truyền cho sự may mắn và tài lộc, Ngoài ra, họ còn dùng chúng để tặng quà khi đi thăm viếng chúc Tết người thân họ hàng vào dịp năm mới.
Theo truyền thống của người Singapore gốc Hoa, nhà cửa cần phải dọn dẹp và trang trí bằng những loại cây mang lại tài lộc như trúc may mắn, lan hồ điệp và dương liễu. Họ cũng sẽ mua quần áo mới, cắt tóc và chuẩn bị tiền lì xì tặng cho nhau, cầu phúc mong cho năm mới mang lại nhiều may mắn.
Ngoài ra, mọi người đều cố gắng đến nhà bạn bè, nhận hồng bao, đánh mạt chược hoặc các thể loại bài Tây…
Một yếu tố quan trọng nhất trong ngày tết ở Singapore chính là các món ăn. Đó là sự kết hợp của ẩm thực Nyonya, Hakka, Quảng Đông và Malaysia,.. như thịt viên cua, món gà om sốt me cay Peranakan, gà rượu gừng, khoai mỡ chiên và thịt bò cuộn.
Mọi người đặt món trước từ rất sớm. Món khô thịt heo mặn ngọt “Bak kwa” và thịt nướng tại các cửa hàng nổi tiếng. Bên cạnh đó, ở Singapore còn có món ăn vặt và đồ ăn nhẹ điển hình như bánh dứa, bánh quy kem dừa (kueh bangkit), gỏi cuốn tôm cay, bánh xốp giòn, nhất là các món có vị trứng muối.
Bữa tối đêm Giao thừa thường sẽ ăn lẩu, món lou hei (gỏi cá sống) và món bào ngư hầm nhừ.
Lễ hội Seollal của người Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, Tết Nguyên đán được gọi là lễ hội Seollal. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm, là cơ hội để các thành viên trong gia đình đoàn tụ với nhau.
Vậy nên, năm nào trước Tết ở Hàn Quốc cũng chứng kiến dòng người di cư “về quê ăn Tết” “chảy” từ thủ đô Seoul và các thành phố lớn về các tỉnh, thành nông thôn.
Canh tteokguk là món ăn truyền thống vào dịp tết của người Hàn Quốc. (Nguồn: VICE) |
Người Hàn Quốc có thói quen ăn món “tteokguk” (canh bánh gạo gạo cắt lát) vào dịp năm mới. Món ăn này có nghĩa là sau khi ăn, bạn đã trưởng thành thêm một tuổi.
Thông thường, trẻ con Hàn Quốc rất háo hức ăn món này với niềm tin rằng ăn càng nhiều thì càng “mau lớn”, khỏe mạnh. Trong khi đó, người lớn lại ăn ít Tteokguk hơn để tránh già đi.
Người Hàn Quốc cũng rất coi trọng phong tục tưởng nhớ tổ tiên vào dịp Tết. Phụ nữ trong gia đình thường nấu thức ăn và đàn ông đảm nhận việc cúng bái.
Trong dịp quan trọng này, người Hàn Quốc cũng thực hiện nghi thức cúi lạy những người lớn tuổi trong gia đình. Sau tập tục đó, các thành viên nhỏ tuổi hơn nhận được một khoản lì xì trong phong bì màu trắng.
Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người trẻ Hàn Quốc có xu hướng đón ngày Seollal một mình. Họ đi du lịch, làm việc hoặc học tập trong suốt kỳ nghỉ để tận dụng thời gian rảnh rỗi.
Nhiều người cũng cảm thấy mệt mỏi khi trả lời hàng tá câu hỏi “nhạy cảm” từ những người thân lớn tuổi như kế hoạch tương lai, công việc, kết hôn, sinh con, đã có bạn trai, bạn gái chưa…
Philippines - ‘rợp trời’ múa lân sư rồng
Mặc dù người Philippines gốc Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% dân số, nhưng tết Âm lịch vẫn được coi là quốc lễ ở đây. Hầu hết người Philippines hưởng ứng kỳ lễ hội quan trọng này bằng cách nấu và thưởng thức các món ăn của Trung Quốc, đi xem tướng số, phong thủy và tặng lì xì cho nhau.
Quận Binondo, Manila, được xem là một trong những khu phố người Hoa truyền thống lâu đời nhất trên thế giới. Vào dịp năm mới, tại đây thường xuyên vang đội tiếng trống, rợp trời hình ảnh múa lân sư rồng từ nhà này sang nhà khác để nhận lì xì treo trên cổng và cửa ra vào. Ngoài ra, họ còn tổ chức bắn pháo hoa để xua đuổi những điều xui xẻo và tà ma.
Món ngon phổ biến nhất ở Philippines trong dịp Tết là bánh Tikoy, được làm từ gạo nếp, đường, mỡ heo, sau đó nhúng qua trứng trước khi chiên. Món bánh này tượng trưng cho sự đoàn kết trong gia đình, làm quà tặng cho người thân, bạn bè, kể cả những người không phải là người Trung Quốc.
Người Philippines quan niệm Táo quân rất thích món bánh Tikoy và sẽ báo cáo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng về gia chủ. Các món ăn phổ biến khác mang tính biểu tượng bao gồm mì ứng với sự trường thọ, món cá cầu mong may mắn, và bánh bao cầu chúc tài lộc.
Người Philippines cũng rất chú trọng dọn dẹp nhà cửa trước năm mới và trang trí bằng các loại cây tượng trưng cho cuộc sống và sự đổi mới.
Ngoài ra, họ cũng kiêng quét dọn vì quan niệm rằng dùng chổi trong ngày đầu năm mới chẳng khác nào 'quét sạch' của cải. Mọi người thường trả hết nợ nần trong năm cũ để có một khởi đầu mới và nồi cơm trong bếp luôn nấu đầy, vì nồi cơm trống là điềm xấu cho năm sắp tới.