Nhiều phụ huynh Trung Quốc muốn đưa gia đình tới các nước Đông Nam Á để giảm bớt áp lực học hành cho con. (Nguồn: Global Times) |
Theo ông Jenson Zhang, nhà điều hành của công ty tư vấn giáo dục Vision Education chuyên phục vụ các bậc cha mẹ có nhu cầu định cư tại Đông Nam Á, nhiều gia đình trung lưu của nước này chọn Thái Lan bởi học phí rẻ hơn so với các trường tư thục ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
“Mức sống ở Đông Nam Á vừa tầm, visa thuận lợi, môi trường sống cũng như thái độ của người dân đối với người Trung Quốc khiến các bậc phụ huynh cảm thấy an toàn khi ở đây”, ông Zhang cho biết.
Một cuộc khảo sát năm 2023 do công ty giáo dục tư nhân New Oriental tiến hành cho thấy, các gia đình Trung Quốc ngày càng cân nhắc lấy Singapore và Nhật Bản làm nơi du học cho con cái. Tuy vậy, học phí và mức sống ở hai nước này cao hơn nhiều so với Thái Lan.
Tại xứ sở chùa Vàng, thành phố có nhịp sống yên bình như Chiang Mai luôn là lựa chọn hàng đầu. Pattaya và Phuket cũng là những điểm đến được yêu thích bên cạnh thủ đô Bangkok nhưng có chi phí sống đắt đỏ hơn. Xu hướng này diễn ra trong suốt thập kỷ qua và càng sôi động hơn trong những năm trở lại đây.
Trường quốc tế Lanna, một trong những trường có tiêu chuẩn tuyển chọn cao ở Chiang Mai, chứng kiến sự quan tâm tăng cao trong năm học 2022-2023, với số lượng người yêu cầu thông tin về trường tăng gấp đôi so với năm trước.
Bà Grace Hu, nhân viên tuyển sinh tại trường Lanna, cho biết phụ huynh Trung Quốc đang rất vội vàng muốn chuyển con tới môi trường học mới do những hạn chế từ đại dịch Covid-19.
Theo công ty Vision Education, các bậc cha mẹ muốn chuyển con tới Chiang Mai học chia làm hai nhóm: những người đã lên kế hoạch sẵn cho lộ trình học của con và những người gặp khó khăn với hệ thống giáo dục mang tính cạnh tranh cao của Trung Quốc. Nhóm thứ hai thường chiếm đa số.
Trong xã hội Trung Quốc, phụ huynh coi trọng giáo dục đến mức nhiều người sẵn sàng bỏ việc và thuê nhà cạnh trường để chăm sóc con cái. Những người này thường được gọi là “bạn đồng học”, một thành tích học tập xuất sắc của con trẻ đôi khi phải trả giá bằng chính cuộc đời của bố mẹ.
Có một thực trạng đang diễn ra tại xã hội Trung Quốc hiện đại, thành công chính là tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng. Với số lượng tuyển chọn ít ỏi, thứ hạng lớp và điểm số luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là thành tích đạt được trong kỳ thi tuyển sinh đại học khắc nghiệt, thường được gọi là cao khảo.
Ở Chiang Mai, giáo dục cho phép học sinh dành thời gian phát triển các sở thích.
Bà Jiang Wenhui chuyển từ Thượng Hải tới Chiang Mai sinh sống từ năm 2023. Lúc còn ở Trung Quốc, bà Jiang dường như đã chấp nhận việc con trai Rodney chỉ đạt điểm trung bình bởi chứng rối loạn giảm chú ý nhẹ. Bà dành toàn bộ thời gian theo dõi sát sao từng bước đi của con trai, giúp con theo kịp chương trình học, tham gia các lớp học thêm và giữ vị trí trong lớp.
Còn ở Thái Lan, em Rodney lựa chọn chơi guitar và piano bên cạnh việc học tiếng Anh. Em dần có thời gian theo đuổi sở thích và không cần đi điều trị chứng rối loạn giảm chú ý.
Ông Wang, một vị phụ huynh khác cũng đưa con tới Chiang Mai học, cho biết ông đã thay đổi các quan điểm về giáo dục và tin rằng thành công không phản ánh qua điểm số.