Tham gia tọa đàm còn có Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn, các vị Trợ lý Bộ trưởng: Phạm Sao Mai, Nguyễn Văn Thảo; thành viên Hội đồng khoa học của Bộ nhiệm kỳ 2018-2019 và thủ trưởng các đơn vị trong Bộ.
Báo cáo tại tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, trong năm 2018, công tác nghiên cứu của Bộ đã hoàn thành kế hoạch đặt ra. Hiện Bộ tiếp tục hoàn thành đề tài cấp quốc gia “Đối ngoại đa phương của Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”. Bộ đã hoàn thành 28 đề tài nghiên cứu, trong đó có 21 đề tài cấp Bộ, 7 đề tài cấp Cơ sở.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu và áp dụng nội dung nghiên cứu vào thực tiễn công tác đối ngoại. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bộ cũng hoàn thành 28 chuyên đề, trong đó có 2 chuyên đề đặc biệt báo cáo Bộ Chính trị, 5 chuyên đề do Hội đồng Lý luận Trung ương đặt hàng, 7 chuyên đề do các Vụ/Viện đề xuất trên cơ sở Lãnh đạo Bộ đặt hàng/gợi ý và các chuyên đề phục vụ Hội nghị Ngoại giao 30.
Ngoài ra, Bộ đã tổ chức 9 cuộc Tọa đàm khoa học theo các chủ đề, xuất bản 2 cuốn Dự báo hàng năm, đã và đang tổ chức xuất bản 05 cuốn sách, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế xuất bản đều kỳ; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu: hệ thống hóa các cơ sở lưu giữ đề tài, chuyên đề; tiếp tục xây dựng hệ thống Đại sử ký điện tử...
Bộ cũng đưa nội dung, phương pháp nghiên cứu vào chương trình đào tạo và bồi dưỡng của Foset và của Vụ Tổ chức Cán bộ, công tác đào tạo nghiên cứu tại chỗ của các đơn vị; Thể chế hóa công tác nghiên cứu gắn đánh giá về năng lực và thành tích nghiên cứu trong việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, phong hàm...
Đánh giá về công tác nghiên cứu của Bộ, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm cơ bản đồng tình với báo cáo và cho rằng, công tác nghiên cứu tiếp tục gắn và phục vụ công tác của Bộ. Các đề tài nghiên cứu, các chuyên đề tổng kết và dự báo đã gắn với các vấn đề đối ngoại lớn mà Bộ phải triển khai, từ đó góp phần giảm yếu tố bị động, bất ngờ, tăng độ chính xác trong dự báo và trúng hơn trong việc đề xuất chính sách ứng phó.
Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm đến công tác nghiên cứu, nhất là đặt hàng nghiên cứu, coi trọng việc đưa tiêu chí nghiên cứu trong quá trình đánh giá cán bộ. Lãnh đạo các đơn vị cũng quan tâm hơn đến công tác nghiên cứu trong đơn vị mình. Cán bộ của Bộ, nhất là cán bộ trẻ đã quan tâm hơn đến công tác nghiên cứu thông qua việc chủ động đăng ký, tham gia thực hiện đề tài/chuyên đề, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, tham gia sinh hoạt khoa học, đăng ký học nghiên cứu sinh...
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả công tác nghiên cứu của Bộ thời gian qua và cho rằng công tác nghiên cứu của Bộ ngày càng bài bản, có quy trình, quy chuẩn được Bộ Khoa học và Công nghệ biểu dương.
Về nội dung, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác nghiên cứu của Bộ đã hướng vào yêu cầu, nhu cầu của thực tiễn đòi hỏi. Trung bình mỗi năm Bộ có 25 đề tài, chưa kể các chuyên đề nghiên cứu phục vụ công tác tác chiến theo yêu cầu thực tiễn đã đáp ứng được các tiêu chí này. Lãnh đạo Bộ cũng đã có những yêu cầu rất sát và trực tiếp đặt đề tài, chuyên đề cho các Vụ, cán bộ nghiên cứu.
Phương pháp, cách tổ chức nghiên cứu của cán bộ cũng đã có bước chuẩn mực, có sự tham gia của các đơn vị liên quan. Hội đồng nghiệm thu có trực tiếp đơn vị thụ hưởng, mời các học giả, viện nghiên cứu đánh giá khách quan. Các đề tài đã ngày càng gắn liền và phục vụ trực tiếp cho hoạt động thực tiễn của Bộ. Từ đó trình độ cán bộ nghiên cứu được nâng lên.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị, công tác nghiên cứu tiếp tục trực tiếp phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại, đặc biệt là trong xây dựng văn kiện Đại hội XIII và định hướng Chiến lược đối ngoại Việt Nam giai đoạn 2022-2030. Cùng với đó tập trung vào các sáng kiến của Việt Nam trong ASEAN nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và tham gia HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2021 - 2022, cũng như các vấn đề khác như xây dựng nền ngoại giao hiện đại...
Về nội dung và phương pháp nghiên cứu, Phó Thủ tướng đề nghị nâng cao hơn nữa nội dung nghiên cứu nói chung, tiếp tục mời các chuyên gia cùng tham gia nghiên cứu đề tài để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức… Đặc biệt là việc áp dụng các nghiên cứu này vào thực tiễn công tác, Phó Thủ tướng đề nghị phải làm tốt hơn, đặc biệt là việc báo cáo tóm tắt và những kiến nghị cần được phổ biến rộng rãi, đến trực tiếp đơn vị thụ hưởng.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Học viện Ngoại giao tiếp tục tổng hợp các nghiên cứu, đề tài, chuyên đề để đưa lên mạng nội bộ của Bộ, từ đó các cán bộ ngoại giao có thể tra cứu phục vụ công tác nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn công tác.