Dịch giả Franz Faber và nữ họa sĩ Claudia Việt - Đức Borchers. (Ảnh chụp năm 2005). |
Sau lần xuất bản đầu tiên vào năm 1964 (6.000 ấn bản) và một lần tái bản vào năm 1980, Das Maedchen Kieu (bản dịch tiếng Đức của Truyện Kiều) của hai dịch giả Irene và Franz Faber đã tuyệt bản. Mãi đến cuối năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 250 ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, tác phẩm này mới được tái ngộ với độc giả.
Cơ duyên với Truyện Kiều
Chị Claudia Việt-Đức Borchers có mẹ người Việt Nam. Chị sinh ra ở Việt Bắc, trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi hoà bình lập lại, bố chị - ông Chiến Sĩ chuyển sang công tác tại Thông tấn xã của CHDC Đức và đưa gia đình chị chuyển về Hà Nội. Thủ trưởng trực tiếp của ông là dịch giả Franz Faber. Khi đó, ông bà Faber đã hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức.
Nhớ lại những ngày còn bé, chị Claudia chia sẻ: “Gia đình tôi có một cô bảo mẫu. Rất nhiều lần, tôi được nghe cô hát ru bằng những câu thơ Kiều. Lúc đó, dĩ nhiên tôi chưa hiểu được gì nhiều. Nhưng đọng lại trong tâm trí tôi cho đến mãi sau này là sức mạnh tình yêu phi thường và đức hy sinh đến quên mình để cứu độ người thân trong cơn hoạn nạn của Thúy Kiều”.
“Với tác phẩm này, người đọc Đức sẽ tiếp cận một thế giới văn hoá xa lạ. Mở ra trước mắt chúng ta, ở Das Maedchen Kieu, là cả một kho báu của chủ nghĩa nhân đạo và vẻ đẹp của nền văn hoá của nhân dân Việt Nam”. GS. TS. Johannes Dieckmann, Chủ tịch Quốc hội CHDC Đức nhận xét về tác phẩm vào năm 1964. |
Theo lời kể của chị, ông Franz Faber đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Pháp với lời nhắn: "Có thể ông sẽ làm được một việc gì đó với cuốn sách này". Khi trở về Berlin, ông Franz đã hào hứng kể lại câu chuyện về nàng Kiều cho người bạn đời. Hai vợ chồng bàn bạc và quyết định tìm cách dịch cuốn truyện này ra tiếng Đức. Là một nhà ngôn ngữ học, bà Irene không muốn dịch một tác phẩm lớn như Truyện Kiều qua một ngôn ngữ thứ ba như tiếng Pháp vì sợ sẽ làm mất đi cái hồn của tác phẩm. Đắn đo một thời gian, bà quyết định tự bỏ tiền học thông thạo tiếng Việt trong bảy năm trời. Trong thời gian này, ông Franz đã tranh thủ từng giờ, từng phút để xin gặp các học giả Việt Nam như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh... để tham khảo về từ vựng. Thậm chí, ông còn về tận làng Tiên Điền, quê cụ Nguyễn Du để tìm hiểu.
Mãi đến những năm 1990, chị Borchers mới liên hệ lại với gia đình Faber. Đó cũng là lúc chị thử nghiệm vẽ minh họa Truyện Kiều (chị Claudia là họa sĩ) cho riêng mình. Lúc gặp lại gia đình Faber, bà Irene gần như đã bị mù, bà chỉ còn nhận ra chị qua giọng nói. Bà mất một thời gian ngắn sau đó. Vào những năm cuối đời của ông Faber, chị Claudia đã cận kề chăm sóc ông. Ông Faber mất năm 2013, thọ gần 100 tuổi. Trong di chúc, ông đã dành cho chị quyền thừa kế Das Maedchen Kieu cũng như một số tác phẩm khác.
Hướng đến độc giả mới
Năm 2015, chị Claudia cùng Tiến sĩ ngữ văn Trương Hồng Quang và một số trí thức của cả hai nước thực hiện dự án phục dựng bản dịch tiếng Đức của Truyện Kiều sau 35 năm tuyệt bản. Đây là lần đầu tiên cuốn sách được ra mắt bạn đọc Việt Nam và Đức dưới dạng song ngữ, tạo điều kiện cho những ai muốn tìm hiểu sâu bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học.
Ở lần tái ngộ này, nhóm biên soạn vẫn tôn trọng bản dịch của ông bà Faber vào năm 1964. Nhóm chỉ đánh số thêm các đoạn thơ tương ứng với bản gốc tiếng Việt và chuyển các từ tiếng Đức cũ thành từ mới. Làm như vậy là để đáp ứng nhu cầu của các nhóm độc giả mới của cuốn sách: cộng đồng người Việt tại Đức, người Việt từng sống và làm việc ở Đức và những bạn đọc Đức biết tiếng Việt.
Ở lần tái bản này, chị Claudia đã được Tiến sĩ Trương Hồng Quang “chọn mặt gửi vàng” làm người vẽ minh họa bìa cho cuốn sách. Nữ họa sĩ mang hai dòng máu Việt – Đức lại đứng trước câu hỏi: Làm thế nào để có thể minh họa câu chuyện này? “Tôi không muốn lặp lại những hình ảnh vốn có trong thơ. Tôi muốn nói lên một điều gì đó về nàng Kiều từ cảm nhận của người đọc hôm nay”, chị chia sẻ.
Bìa của cuốn Das Maedchen Kieu tái bản cuối năm 2015. |
Sau nhiều lần phác thảo, cuối cùng, chị đã chọn một hình ảnh mang tính biểu tượng. Nàng Kiều bị xích vào chiếc thuyền - tượng trưng cho cuộc đời bất an, chìm nổi. Thanh kiếm là tượng trưng cho cường quyền khiến cuộc đời nàng long đong. Đóa hoa sen là tâm hồn trong sạch Kiều, mọc lên từ dưới bùn đen. Còn bánh xe là tượng trưng cho số phận, vòng luân hồi trong đạo Phật.
Theo chị Claudia, khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án tái bản là việc tìm nguồn kinh phí. May mắn là Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức và cá nhân Chủ tịch Hội – Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Ngọc Kỳ đã hào phóng hỗ trợ toàn bộ kinh phí in và vận chuyển sách. Hiện tại, 1.000 đầu sách và phụ bản ảnh màu đã in xong tại Nhà xuất bản Thế Giới và sẽ được đưa tới Đức trong vài ngày tới.
Vào ngày 1/5 tới, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức sẽ cùng nhóm dự án tổ chức buổi ra mắt cuốn sách. Nữ nghệ sỹ Irma Minetti, diễn viên kịch nói hàng đầu nước Đức đã nhận lời sẽ đọc các trích đoạn từ dịch phẩm của ông bà Faber. Với việc in sách, hoạt động của dự án Truyện Kiều song ngữ Đức-Việt không kết thúc mà chỉ mới thực sự bắt đầu. Trong tương lai, nhóm sẽ lần lượt tổ chức các buổi đọc, giới thiệu, thảo luận về tác phẩm cho các nhóm bạn đọc khác nhau, trong đó đặc biệt ưu tiên các Việt kiều thuộc về thế hệ thứ hai ở Đức. |