Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, quan hệ Việt Nam-Mỹ vẫn tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực - Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Đà phát triển tích cực, ổn định
Ngay khi Mỹ chính thức có kết quả bầu cử Tổng thống, Việt Nam đã chủ động xây dựng quan hệ với chính quyền Tổng thống Joe Biden, duy trì đà phát triển quan hệ Việt Nam-Mỹ tích cực, ổn định, đi vào chiều sâu trên bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng đắc cử (30/11/2020) và nhậm chức (21/1/2021) tới Tổng thống Joe Biden. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có điện mừng đắc cử và nhậm chức gửi Phó Tổng thống Kamala Harris.
Sau khi ta tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và có Ban lãnh đạo mới, Tổng thống Joe Biden đã gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư, chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức và mời Chủ tịch nước dự Thượng đỉnh khí hậu.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, quan chức hai nước vẫn duy trì đối thoại. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam ngày 28-29/7. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến sân bay quốc tế Nội Bài tối ngày 24/8, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trao đổi, điện đàm linh hoạt ở các cấp đã tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác và xử lý vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là thương mại. Mỹ tiếp tục khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, ủng hộ Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh, thịnh vượng và độc lập”.
Đồng thời, Mỹ coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong chính sách của Mỹ ở khu vực. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá cao các cử chỉ thiện chí, nỗ lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ Mỹ đối phó với dịch Covid-19 thời gian qua, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam thời gian tới.
Việt Nam và Mỹ đã gặt hái nhiều lợi ích từ mối quan hệ đối tác toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực, dựa trên nền tảng hữu nghị, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau”. (Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng) |
Thương mại vượt khó
Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư hai nước duy trì đà phát triển ổn định. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh: Tổng kim ngạch trong 7 tháng đầu năm 2021 là 62,5 tỷ USD, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt mức 53,6 tỷ USD, tăng gần 34,7% so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ trong Báo cáo định kỳ về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Ngân hàng Nhà nước đã đạt thỏa thuận về tiền tệ với Bộ Tài chính Mỹ, tạo cơ sở để ngày 23/7, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo chính thức sẽ không áp thuế thương mại với Việt Nam tại thời điểm này.
Về đầu tư, năm 2020, Mỹ xếp thứ 11/135 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Doanh nghiệp lớn của Mỹ duy trì quan tâm đầu tư vào Việt Nam: Intel thông báo tăng đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP.HCM; Foxconn, đối tác sản xuất chính của Apple bổ sung vốn đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang, dự án mỏ Lạc Đà Vàng của Murphy Oil đã tiến triển tích cực.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Intel, AES, Murphy Oil, Apple, Nike... bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số...
“Với tầm nhìn, quyết tâm chính trị, thiện chí, nỗ lực vượt bậc từ cả hai phía và sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau, Việt Nam và Mỹ đã biến điều tưởng không thể thành hiện thực: là Đối tác toàn diện của nhau” (Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc) |
Quốc phòng-an ninh vững bước
Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước cơ bản duy trì đà phát triển, sau khi Việt Nam hai lần đón tàu sân bay Mỹ thăm cảng Đà Nẵng (năm 2018 và 2020). Bên cạnh duy trì cơ chế đối thoại thường niên, Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực an ninh hàng hải.
Đặc biệt, hai nước dành ưu tiên cao cho hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh. Chính quyền, Quốc hội Mỹ đã tăng ngân sách cho dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa, giúp đỡ người khuyết tật ở các vùng nhiễm độc dioxin với ngân sách 65 triệu USD và viện trợ cho các dự án rà phá bom mìn.
Hai bên đang xây dựng kế hoạch triển khai hợp tác giữa Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) về nâng cao năng lực giám định hài cốt, triển khai các đợt tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích và triển khai trực tuyến chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2021.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chào xã giao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Việt Nam ngày 28 – 29/7. (Nguồn: TTXVN) |
Điểm sáng hợp tác y tế
Một điểm sáng trong quan hệ song phương từ năm 2020 tới nay là hợp tác y tế.
Thời gian qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế và ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt trong hỗ trợ về trang thiết bị y tế, tiếp cận vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân.
Mỹ tuyên bố hỗ trợ Việt Nam 20,9 triệu USD trong công tác chống Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã nhận hơn 4 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer (3 triệu liều do Chính phủ Mỹ tài trợ qua cơ chế COVAX và hơn 1 triệu liều trong hợp đồng 31 triệu liều mua từ Pfizer) và 5 triệu liều vaccine Covid-19 Moderna thông qua cơ chế COVAX.
Mỹ cũng tài trợ 77 tủ lạnh sâu bảo quản vaccine, chuyển giao công nghệ vaccine mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho Việt Nam. Hai bên cũng dự kiến khai trương Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris.
Hợp tác giáo dục cũng đạt nhiều bước tiến khi hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ. Theo Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), chính phủ Mỹ đã cấp cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) 37 triệu USD để xây trường ở Quận 9, TP.HCM. Hai bên cũng tiếp tục phối hợp triển khai, chuẩn bị cho tình nguyện viên Mỹ vào Việt Nam giảng dạy tiếng Anh (PC).
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Đại biện lâm thời Mỹ Christopher Klein trong lễ tiếp nhận 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 do chính phủ Mỹ viện trợ theo COVAX Facility tại sân bay Nội Bài ngày 25/7. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Vì tương lai khu vực và quốc tế
Hai bên duy trì, mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế, tăng cường phối hợp tại diễn đàn khu vực như ASEAN, EAS, LMI, APEC, ARF… và giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tại các diễn đàn, Mỹ đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam thúc đẩy hợp tác nội bộ ASEAN, cũng như hỗ trợ Mỹ trong hợp tác với khối.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực.
Mỹ và các nước tiểu vùng Mekong đã nâng cấp quan hệ LMI thành quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ. Lần đầu tiên hai nước đã đồng chủ trì Đối thoại chính sách Những người bạn của Mekong…
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden khẳng định sẽ tiếp tục can dự tích cực vào Đông Nam Á, mong muốn trao đổi với các nước ASEAN và Việt Nam về định hướng xây dựng và triển khai chính sách của Mỹ ở khu vực, đảm bảo quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Mỹ thực chất, hiệu quả.
Đồng thời, Mỹ cũng xem xét thúc đẩy một số hợp tác với ASEAN bao gồm biến đổi khí hậu, can dự thực chất hơn về kinh tế...
Như vậy, có thể thấy, bất chấp đại dịch Covid-19, quan hệ Việt-Mỹ từ đầu năm 2021 tới nay vẫn phát triển trên tất cả các lĩnh vực và bình diện khác nhau.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam ngày 24-26/8 là cơ hội để hai nước mở rộng, đưa hợp tác đi vào chiều sâu đúng với quan hệ Đối tác toàn diện, vì lợi ích của hai nước và hòa bình, ổn định, thịnh vượng khu vực và toàn thế giới.