Ảnh minh họa. (Nguồn: Time Magazine) |
ADD là tổ chức từ thiện được thành lập tại Pháp chuyên hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật của giới nghệ sĩ gốc Phi. ADD cho biết dự án trên được phối hợp thực hiện cùng Tổ chức vệ tinh khí tượng châu Âu (Eumetsat), Arianespace - công ty sản xuất tên lửa đẩy Adriane 5 và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).
Sáng lập viên ADD Matthias Leridon cho biết vào tháng Chín tới, ADD sẽ thành lập hội đồng nghệ thuật để chọn ra một tác phẩm tiêu biểu nhất về chủ đề bảo vệ môi trường trong số các tác phẩm của hơn 60 nghệ sĩ nổi tiếng tại châu Phi. Tiêu chí ứng viên bao gồm những nghệ sĩ gốc Phi dưới 40 tuổi đang hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh hoặc hội họa.
Theo ông Leridon, vòng sơ khảo vào tháng Chín tới sẽ chọn ra 10 ứng cử viên tiêu biểu. Sau đó vòng chung khảo vào tháng Mười sẽ tiếp tục chọn ra 3 nghệ sĩ xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết được tổ chức vào tháng 11/2019, Ban giám khảo bao gồm ADD, Tổ chức vệ tinh khí tượng châu Âu (Eumetsat) Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) sẽ chọn ra người thắng cuộc.
Nghệ sĩ chiến thắng trong cuộc tuyển chọn sẽ được mời đến nhà máy sản xuất tên lửa đẩy Adriane 5 - phương tiện sẽ đưa tác phẩm vào không gian vào năm 2021 - tại Frankfurt (Đức) trong thời gian 3 tháng để sao chép tác phẩm của mình ở kích cỡ phù hợp với việc gắn lên tên lửa. Đây được xem là công đoạn rất phức tạp về khía cạnh kỹ thuật nhằm đảm bảo việc gắn tác phẩm nghệ thuật sẽ không làm ảnh hưởng tới vận hành của tên lửa trong không gian.
Theo ông Leridon, trong số các nghệ sĩ châu Phi tham gia cuộc thi, các ứng cử viên nổi bật nhất gồm 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam Phi Mikhael Subotzky và Athi-Patra Ruga, họa sĩ Ruby Onyinyechi Amanze của Nigeria, họa sĩ Kudzanai-Violet Hwami của Zimbabwe, họa sĩ Omar Victor Diop của Senegal, họa sĩ Ephrem Solomon của Ethiopia và Josephine Ngminvielu Kuuire của Ghana.
Trước đó, hồi cuối năm 2018, Trevor Paglen - một nghệ sĩ làm việc tại Bảo tàng Nghệ thuật Nevada (Mỹ) đã có ý định đưa một tác phẩm điêu khắc hình kim cương lên quỹ đạo cùng tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở California (Mỹ). Tuy nhiên, ý tưởng lãng mạn này đã không thành hiện thực vì thời gian dự định thực hiện kế hoạch rơi đúng thời điểm Chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động một phần vì không thống nhất được kế hoạch chi ngân sách.
Nếu trở thành hiện thực, ý tưởng độc đáo của Trevor Paglen sẽ trở thành tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do loài người tạo ra trên không gian vũ trụ mà có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái đất. Theo dự kiến trước đó, công trình nghệ thuật này sẽ quay quanh Trái đất trong vài tuần trước khi tự hủy vô hại trong tầng khí quyển.
Thực tế, trước ý tưởng của Paglen, vào năm 1969, một tác phẩm bằng gốm kích thước nhỏ đã được gắn trên tàu vũ trụ Apollo 12 và sau đó được để lại trên Mặt trăng cùng với các vật dụng cá nhân khác của các phi hành gia. Hai năm sau đó, phi hành đoàn Apollo 15 tiếp tục đặt một tác phẩm điêu khắc của Paul Van Hoeydonck lên bề mặt của Mặt trăng.