📞

Đưa tiền ảo vào khuôn khổ

13:00 | 03/09/2017
Đang làm mưa, làm gió trên thị trường, nhưng bitcoin hay bất cứ một loại tiền ảo nào khác đều có thể sẽ là bong bóng tài sản lớn nhất, kể từ thời bong bóng dotcom bùng nổ vào cuối những năm 1990. 

Tiền ảo hay còn gọi là tiền điện tử, tiền số, hiện cũng được coi là “ứng viên” thích hợp nhất cho cuộc cách mạng tiếp theo ở Thung lũng Silicon, tạo nên thời kỳ Web 3.0.

Khởi sự từ năm 2008 với vỏn vẹn 1 triệu USD, đến nay tổng giá trị vốn hóa của thị trường này đã phình to lên khoảng 126 tỷ USD, trong đó, chỉ tính riêng trong năm nay, giá bitcoin đã tăng trên 200%. Người ta dự đoán rằng, nó sẽ nhanh chóng trở thành thị trường nghìn tỷ USD trong tương lai gần mà chẳng đến sự hỗ trợ của bất kỳ  ngân hàng trung ương nào.

Tranh hài hước về bitcoin của Martin Sutovic (Slovakia).

Bom không hẹn giờ

Ở một hòn đảo nào đó, người ta có thể coi xương gà là tiền tệ. Vậy thì chẳng có lý do gì bitcoin không thể được coi là một loại tiền tệ. Bởi theo lý thuyết, chỉ cần có ít nhất hai bên mua và bán cùng chấp nhận một thứ gì đó là có giá trị, tức là một loại tiền đã tồn tại. Vậy nên, thay vì sử dụng tiền giấy, chỉ cần có đủ người chấp nhận, tiền ảo công được sử dụng. Và nếu nó dễ dàng trao đổi, thì chẳng có lý do nào khiến tiền ảo không thể sống sót và lan tỏa.

Trong một bài phân tích về bong bóng Bitcoin, Dominic Frisby - nhà đầu tư cá nhân, nhà bình luận nổi tiếng của tạp chí tài chính bán chạy nhất nước Anh Money Week, đã chỉ ralý do tại sao bitcoin đã tăng gấp bốn lần so với đầu năm, nhưng vẫn có thể tiếp tục thăng hoa. Dominic khẳng định còn rất nhiều người chưa tham gia, thậm chí chưa biết về bitcoin hay bất cứ một loại tiền ảo nào khác. Tuy nhiên, nhiều người trong đó sẽ sớm “ngồi chung thuyền” với những người kia. Do đó, bong bóng bitcoin còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.

Theo dự đoán của Dominic Frisby, bong bóng tiền ảo có thể sẽ lớn hơn cả Dotcom do con người luôn bị thúc đẩy bởi một hội chứng gọi là FOMO - nỗi lo sợ bỏ mất cơ hội quan trọng. Hội chứng này thôi thúc người ta hành động bởi cảm xúc sẽ bỏ lỡ một thứ gì đó trong khi người khác đã đạt được. Trong thời đại hiện nay, hội chứng FOMO đang là vấn đề nan giải của xã hội chứ không chỉ riêng ngành đầu tư tài chính. Con người nói chung có khuynh hướng lao vào những thứ mình không nắm chắc, dẫn đến sa đà vào những sản phẩm tài chính vượt quá giá trị thực của nó.

Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn, bởi vậy, trên đường nó đang đi, những rủi ro hoàn toàn có thể làm cho bất cứ “tay chơi” nào trắng tay. Tuy nhiên, chẳng ai có thể trả lời được bao giờ bong bóng đầu cơ bitcoin sẽ chấm dứt. Bởi vì, “sức nóng” của công nghệ đưa tiền ảo phát triển vượt bậc, nhưng cũng có thể khiến nó nổ vào ngày mai, ngày kia, 5 năm hay lâu hơn nữa... Nhưng có điều cả thế giới không thể phủ nhận được, một ngành hạ tầng công nghệ hoàn toàn mới đang thành hình và sự tăng trưởng của bitcoin đang cho thấy sức mạnh làm thay đổi cách vận hành thế giới mà các chính phủ không thể lường trước được.

Bong bóng không hẳn là xấu

Trong quá khứ, “bong bóng” từng đem lại cho con người đường sắt, mở ra ngành đóng tàu vào thế kỷ XVIII, hay mạng Internet đến với thế giới. Bong bóng giờ đây là những đồng tiền số là một loại tiền tệ mạnh, là nhà cách mạng cho hệ mô hình phân cấp. Bởi vậy, bong bóng không hẳn là một thứ hoàn toàn xấu.

Thực tế đã không thể phủ nhận rằng, các nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu đã bắt đầu tỏ ra hứng thú với tiền ảo. Mới đây, trong báo cáo gửi các khách hàng, Tập đoàn đầu tư Goldman Sachs đã thừa nhận thời tiền số bùng nổ khiến các tổ chức đầu tư khó có thể xem nhẹ. Và tâm điểm tranh luận hiện nay đã không còn là tính hợp pháp của tiền ảo, mà đã chuyển sang bàn về tốc độ gọi vốn nhanh của “các tân binh” trên thị trường.

Theo thống kê của Goldman Sachs, số vốn huy động được thông qua các vụ gây quỹ và ICO (giống như phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trên thị trường chứng khoán, nhưng là phát hành các dãy mã số) còn lớn hơn cả số tiền huy động được từ các vòng gọi vốn hạt giống của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên Internet.

Tiền ảo sẽ nhanh chóng trở thành thị trường nghìn tỷ USD trong tương lai gần. (Nguồn: Coindesk)

Để đào tiền ảo không mất tiền thật

Ở Việt Nam, sau bitcoin, onecoin, nhiều đồng tiền ảo khác đã du nhập bằng nhiều hình thức. “Đời sống” của nó chưa quá ồn ào nhưng cũng đủ xôn xao để không ít người bắt đầu dành thời gian nghiên cứu. Trong giai đoạn siêu lợi nhuận, có người chơi kiếm được hàng tỷ đồng chỉ trong vài tháng, nhưng cũng thời gian đó, tài sản của không ít người không cánh mà bay, do các rủi ro khác nhau từ khả năng bị tin tặc tấn công, biến tướng giao dịch, cho đến lừa đảo.

Tuy nhiên, khi lợi tức mang lại quá cao so với các kênh đầu tư truyền thống khác, tâm lý muốn kiếm lời nhanh của các nhà đầu cơ đã tạo nên trào lưu bỏ tiền thật mua tiền ảo với những rủi ro không lường trước được. Nếu đầu tư onecoin được vận hành theo hình thức kinh doanh kiểu đa cấp, lấy tiền của người sau trả cho người trước rất rủi ro, thì bitcoin lại là một món hời, mà tin tặc luôn muốn đặt làm mục tiêu tấn công.

Theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm này, không có bất cứ một đơn vị nào được cấp phép kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số ở Việt Nam. Bởi vậy, việc sở hữu, mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người chơi, do không hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ. Rủi ro thứ hai, do người chơi phải đầu tư một khoản tiền thật, sang tiền ảo để kinh doanh, lợi nhuận thu về cũng là ảo. Nên chẳng ai dám khẳng định, rồi đây, số tiền ảo đó có thể đổi lại thành tiền thật.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định, việc Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký quyết định duyệt Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo”, cho thấy sự cầu thị của Chính phủ Việt Nam với vấn đề tiền ảo, tiền điện tử trong xu thế toàn cầu. Đây cũng là cơ sở cho thấy, những loại tiền ảo như bitcoin có thể sẽ được công nhận chính thức ở Việt Nam, sau khi hoàn thiện hành lang pháp lý.