Đưa trụ cột kinh tế Nga vào 'tầm ngắm' trừng phạt, EU muốn 'bóp chết' các dự án mới ngay từ trứng nước? (Nguồn: Reuters) |
“Đã có một ý chí chính trị về việc ngừng mua dầu từ Nga và chúng tôi sẽ đưa ra quyết định và các biện pháp thực hiện theo từng giai đoạn”, một quan chức châu Âu tham gia cuộc thảo luận cho biết vào ngày 1/5.
Hai khó khăn của EU
Ủy ban châu Âu (EC) phải đưa ra một đề xuất cấm vận, theo đó EU sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp đến cuối năm, một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên khẳng định, nhưng cũng cho biết quyết định này không dễ thực hiện do vấp phải hai khó khăn.
Thứ nhất, hai quốc gia châu Âu không giáp biển gồm Hungary và Slovakia phụ thuộc rất nhiều vào các đường ống dẫn dầu của Nga. Cả hai cũng đều không có cảng biển và cũng không được kết nối với bất kỳ đường ống dẫn nào của châu Âu. Vấn đề đặt ra với hai thành viên EU này là phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới hoặc tìm các giải pháp thay thế.
Thứ hai, quyết định của châu Âu phải đảm bảo nguyên tắc không làm giá dầu toàn cầu tăng vọt để tránh tình huống phản tác dụng. “Chúng ta phải thận trọng với lệnh cấm nhập khẩu dầu hoàn toàn mà châu Âu đưa ra”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo hồi tháng Tư.
Giới hạn giá mà Mỹ khuyến khích là một “biện pháp thông minh” vừa tránh được tình trạng đầu cơ trong khi dầu bán vẫn có lãi, vừa “được áp dụng cả bên ngoài châu Âu và Mỹ”, một quan chức hữu quan châu Âu giải thích.
Mong muốn đa dạng hóa nguồn cung của châu Âu và một lộ trình dần ngừng mua dầu và các sản phẩm dầu của Nga sẽ kéo dài từ 6 - 8 tháng. Đây là thông báo có mục đích tránh làm bùng nổ giá dầu trên thị trường thế giới.
Cuối tuần qua, EC đã tổ chức thảo luận giữa các nước thành viên EU có liên quan nhất, với sự góp mặt của đại diện Mỹ, cũng như Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) để hoàn thiện đề xuất trước khi lấy ý kiến thông qua của đầy đủ 27 nước thành viên.
Ngày 2/5, tại Brussels đã diễn cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng 27 nước EU, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra, do EC chưa đệ trình đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Đặt toàn bộ hệ sinh thái dầu mỏ của Nga vào các biện pháp trừng phạt
Gói biện pháp thứ 6 của châu Âu do EC chuẩn bị sẽ đặt toàn bộ hệ sinh thái dầu mỏ của Nga vào các biện pháp trừng phạt.
Một số nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, trước mắt, một trong những biện pháp được nhắm tới là tăng phí vận chuyển đường biển dầu và sản phẩm dầu của Nga. Ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank, chiếm 37% thị trường, cũng bị loại khỏi hệ thống giao dịch SWIFT.
EU muốn cắt nguồn cung tài chính phục vụ cho các chiến dịch quân sự đặc biệt của Điện Kremlin. Nga xuất khẩu 2/3 sản lượng dầu mỏ sang EU. Năm 2021, 30% khối lượng dầu thô và 15% khối lượng sản phẩm dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga. “Hóa đơn nhập khẩu dầu của Nga lớn gấp 4 lần so với khí đốt, tức là 80 tỷ USD so với 20 tỷ USD”, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell cho biết.
Các nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch chính từ Nga (khí đốt, dầu thô, sản phẩm dầu mỏ và than đá) là Đức, Italy, Hà Lan và Pháp. Lệnh cấm đối với than đá, được quyết định vào ngày 7/4, sẽ có hiệu lực vào đầu tháng Tám.
Bộ trưởng Kinh tế và khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, Đức đã giảm nhập khẩu dầu mỏ Nga từ 35% xuống còn 12% trong những tuần gần đây và ủng hộ nguyên tắc cấm vận theo giai đoạn của châu Âu.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 27/4 cho hay, Moscow trong thời gian tới sẽ tìm kiếm nhiều đối tác khác muốn mua năng lượng của Nga. Ông Siluanov cho biết, “chúng tôi hiểu rằng, các nước phương Tây sẽ từ chối, nhưng chúng tôi sẽ tìm kiếm các nguồn tiêu thụ năng lượng khác. Nếu ở một nơi họ từ chối, chúng tôi sẽ bán ở những nơi khác”.
Bộ trưởng Siluanov không loại trừ khả năng sản lượng khai thác dầu mỏ ở Nga trong năm 2022 sẽ suy giảm 17%. Dự đoán này đã được tính đến trên cơ sở tỷ giá hối đoái, khối lượng sản xuất và giá năng lượng trong tình hình hiện tại.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi quyết định mới của EU, các lệnh cấm xuất khẩu máy móc và công nghệ khai thác dầu khí mà phương Tây ban hành gần đây có thể tác động đáng kể đến ngành công nghiệp trụ cột của kinh tế Nga trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Từ cuối tháng Hai, EU đã ban hành hai gói biện pháp chống lại Nga, bao gồm việc cấm đầu tư mới và cấm xuất khẩu các công nghệ quan trọng trong lĩnh vực này sang Nga.
Hầu hết các mỏ dầu và khí đốt hiện có, cũng như hầu hết các dự án đang thực hiện tại Nga, đều liên doanh với các tập đoàn lớn và sử dụng công nghệ của từ phương Tây. Mặc dù khai thác dầu khí là trụ cột của nền kinh tế, nhưng Nga không thể sản xuất một số mũi khoan dầu hoặc làm chủ một số công nghệ khí hóa lỏng. Do vậy, có thể nói, các lệnh trừng phạt đối với Nga đã “bóp chết” các dự án sản xuất mới ngay từ trong trứng nước.
Điều này trực tiếp đánh vào tham vọng rất lớn của Nga về phát triển khí hóa lỏng ở Siberia, nhất là khi Nga đang muốn tìm một động lực tăng trưởng mới do các mỏ hiện có đã đạt đến giới hạn, với sản lượng đang suy giảm dần.
Đây không phải là lần đầu tiên lĩnh vực dầu khí Nga “ngấm đòn” của phương Tây. Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, phương Tây đã cấm mọi hoạt động xuất khẩu công nghệ thăm dò và khai thác có liên quan tới vùng biển sâu ở Bắc Cực.
Mất nguồn công nghệ độc quyền của phương Tây, Nga đã không thể phát triển thêm bất kỳ dự án nào trong các lĩnh vực này.
| Italy kêu gọi EU hành động để giải quyết vấn đề giá năng lượng, mở rộng về phía Đông kết nạp Ukraine và các nước có nguyện vọng Ngày 3/5, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hành động để giải quyết vấn đề giá năng lượng ... |
| Kinh tế Nhật Bản sẽ vượt ra khỏi tác động xấu từ xung đột Nga-Ukraine bằng cách nào? IMF vừa cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2022 xuống 2,4%, so với dự báo trước đó là 3,3%, với ... |