📞

Đưa văn chương Việt sang bên kia Thái Bình Dương

10:53 | 27/11/2015
Khác hẳn với hình dung về một nghệ sĩ râu dài tóc bạc, nhà văn Nguyễn Quí Đức đã làm tôi hoàn toàn bất ngờ khi xuất hiện với quần Alibaba, áo khuy tết, giày Converse và dắt theo con chó Bull. Trông ông phong độ chẳng khác nào những “bô lão” của làng thời trang như Karl Lagerfeld hay Vương Đức Thuận.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức.

Sinh ra tại Đà Lạt trong một gia đình gốc Huế, nhà văn Nguyễn Quí Đức sang Mỹ năm 17 tuổi. Sau 30 năm bôn ba khắp các nước Anh, Morocco, Indonesia, Trung Quốc..., ông đã trở về Việt Nam định cư. Nhìn ông lão “chất nghệ” thường ngồi trên vỉa hè phố Tông Đản ngắm dòng người lại qua, ít ai biết rằng, đó chính là người đã góp công lớn trong việc giới thiệu văn chương Việt Nam với bạn bè phương Tây.

Mang cái nhìn mới tới người Mỹ

Với niềm đam mê văn chương từ nhỏ, năm 1978, Nguyễn Quí Đức đảm nhận công việc phóng viên, biên tập viên cho các đài truyền hình, truyền thanh công cộng tại Mỹ. Ông cũng chấp bút cho nhiều tờ báo, tạp chí như Asian Wall Street Journal, New York Times, San Francisco Examiner... Những bài viết của ông thường đề cập cuộc sống, sự hòa nhập của những người Á Đông di cư sang Mỹ. Năm 1989, ông về Việt Nam lần đầu tiên sau hơn 15 năm xa quê. Khi đọc các tác phẩm ra đời trong thời kỳ mở cửa, ông đã bị ấn tượng mạnh với cái nhìn mới mẻ của các nhà văn Việt Nam.

Cũng vào thời gian này, một số nhóm độc giả ở Mỹ rất quan tâm tới Việt Nam. Họ tò mò muốn biết đất nước ở phía bên kia Thái Bình Dương đã ra sao sau ngần ấy năm chiến tranh. Một số trường đại học tại xứ cờ hoa cũng mở ngành Việt Nam học nên rất cần các ấn phẩm làm tài liệu nghiên cứu.

Kể từ đó, nhà báo này bắt đầu dịch các truyện ngắn của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái... và gửi đăng trên tạp chí văn học để người Mỹ biết thêm về số phận của những người dân Việt Nam trong cuộc chiến. Sau đó, ông tìm đến những tác phẩm viết về cuộc sống thời hậu chiến của những nhà văn trẻ tuổi. Nguyễn Quí Đức chia sẻ: “Cứ nhắc tới hai chữ Việt Nam là nhiều người Mỹ lại nghĩ đến súng đạn. Khi dịch những tác phẩm này, tôi muốn họ hiểu rằng đất nước ta đang khắc phục những hậu quả chiến tranh và có một nền văn hóa đa dạng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới”.

Vào thời điểm ấy, mỗi lần dịch tác phẩm là ông lại về nước, gặp các tác giả để đặt vấn đề hay gửi tiền tác quyền cho họ. Những truyện ngắn, tiểu thuyết được nhà báo này giới thiệu được các học giả Mỹ rất quan tâm. Họ coi đây như một nguồn tư liệu để nghiên cứu sâu hơn về Việt Nam và thực hiện những đề tài so sánh điểm giống và khác nhau giữa người Việt với người Đông Âu, người Do Thái. Chẳng bao lâu sau, các nhà văn như Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến... cũng được mời sang Mỹ để giao lưu với cựu chiến binh và các sinh viên ngành Việt Nam học.

Nhà văn nhiều tài lẻ

Năm 2006, nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức quyết định trở về Việt Nam định cư. Hơn một năm sau, ông mở quán bar Tadioto để làm nơi vẽ tranh, triển lãm và thực hiện một số dự án thể nghiệm... Quán bar này cũng là địa chỉ mà các nhà văn nước ngoài thường tìm đến khi ghé thăm Hà Nội. Mỗi lần như vậy, ông này lại tổ chức các buổi giao lưu để độc giả Việt Nam trao đổi với họ về tác phẩm hay những vấn đề xã hội. Tadioto đã từng là nơi “tiếp đón” Paolo Giordano - tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi cô đơn của các số nguyên tố.

Nói về những buổi giao lưu, nghệ sĩ gốc Huế nhận xét: “Người Việt Nam viết sách vẫn đặt nặng vấn đề văn chương, từ ngữ. Trong khi đó, các nhà văn nước ngoài lại chọn cách viết tự nhiên. Họ tập trung khai thác câu chuyện của những con người rất bình thường trong xã hội để đem đến sự gần gũi cho độc giả”.

Khi được hỏi về quyết định chọn Hà Nội làm nơi định cư, thay vì Huế, nhà văn lý giải: “Khi đó, mẹ tôi bị bệnh và cần sống ở một thành phố lớn để tiện sang nước ngoài chữa bệnh. Thêm vào đó, tôi cũng muốn thoát khỏi tinh thần nhìn về quá khứ của người Huế và những ký ức buồn ở thành phố này. Tôi có nhiều bạn bè ở Hà Nội và cũng rất thích thời tiết nơi đây”.

Mỗi ngày của nhà văn Nguyễn Quí Đức diễn ra rất khác nhau. Có khi, ông ở lỳ tại căn biệt thự trên Tam Đảo để sáng tác; có khi lại tham gia thiết kế nhà cửa, quán bar, nhà hàng... Ông cũng thừa nhận là hay đi nhặt nhạnh những thứ đồ bỏ đi để tận dụng cho quán hay chế tạo thành những món đồ chơi độc đáo như: bộ xương biết hát, đàn lợn gỗ to nhỏ đủ loại... “Tôi thấy nhiều vật liệu mà người ta không tận dụng nên hay tiếc rẻ. Nếu so về sự phí phạm thì người Việt Nam cũng chả kém người Mỹ là bao. Một cốc nước khách uống thừa có thể đem tưới cây mà nhân viên của tôi sẵn sàng đổ đi. Khi đất nước phát triển, ai cũng thích sắm đồ mới. Có lẽ, người ta đã quên đi mình đã từng sống khốn khó như thế nào...”, ông chia sẻ.

Nhận thấy sự phát triển của môn nghệ thuật thứ bảy, kể từ khi về Việt Nam đến nay, nhà văn Nguyễn Quí Đức đã tạm dừng việc dịch truyện ngắn, tiểu thuyết và chuyển hướng sang điện ảnh. Ngoài việc dịch lời thoại để làm phụ đề, ông còn dịch các kịch bản phim... để hiểu hơn về cách nghĩ của những nhà làm phim trẻ và giúp họ gửi tác phẩm đến những hãng phim lớn hay các Liên hoan phim nước ngoài. Ông tiết lộ mình đã chú ý đến một vài cuốn sách và sẽ bắt tay vào dịch chúng trong một ngày không xa để tiếp tục giới thiệu văn chương Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Hoàng Quân