Đức chi tiền tỷ xây dựng 4 nhà máy điện chạy bằng khí đốt. (Nguồn: Getty Images) |
Các quan chức Đức cho biết, các nhà máy điện mới chạy bằng khí đốt sau đó sẽ được chuyển đổi sang chạy bằng hydro từ năm 2035 đến năm 2040. Cơ chế tăng công suất dựa trên thị trường sẽ cho phép mở rộng sản xuất điện vào năm 2028.
Các nhà máy này sẽ có tổng công suất lên tới 10 gigawatt, đóng vai trò quan trọng để bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định ngay cả trong những thời điểm có rất ít điện mặt trời và điện gió.
Công ty năng lượng Uniper của Đức được cho là sẽ tham gia vào việc xây dựng.
Công ty trên cho biết “nhẹ nhõm” khi quyết định xây dựng các nhà máy mới đã được đưa ra. Đức cần hành động nhanh chóng vì quy trình phê duyệt và việc xây dựng nhà máy và cơ sở lưu trữ sẽ mất vài năm.
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Đức đã thúc đẩy ngành công nghiệp của mình bằng khí đốt Nga. Tuy nhiên, đất nước đã phải tăng cường nhập khẩu điện vào năm ngoái sau khi chính phủ quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân để chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Tháng 4/2023, Đức đóng cửa 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng bất chấp cảnh báo rằng, việc đóng cửa sẽ thực sự khiến nhiều nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy hơn.
* Theo hãng tin Bloomberg, chi phí năng lượng tăng cao đã dẫn đến việc hàng loạt nhà máy tại Đức phải đóng cửa hoặc chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài.
Việc không còn nhận được nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga đã giáng thêm "đòn” đối với các nhà sản xuất tại Đức vốn đang phải vật lộn để duy trì khả năng cạnh tranh về chi phí.
"Triều đại siêu cường" công nghiệp của Đức đang sắp kết thúc khi sản lượng công nghiệp tại nước này lần đầu tiên ghi nhận mức giảm kể từ năm 2017 và ngày càng khó khăn hơn do Nga giảm mạnh nguồn cung vào năm 2022.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sau vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 (Nord Stream 1, 2) vào tháng 9/2022.
Ông Stefan Klebert, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất máy móc GEA Group AG cho hay: “Thực sự, chúng tôi không chắc chắc có thể trụ vững trong thời gian tới hay không, chi phí sản xuất đang tăng chóng mặt”.
Kết quả cuộc khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp Đức vào tháng 9/2023 cho thấy, những lo ngại về an ninh năng lượng và chi phí năng lượng là lý do hàng đầu khiến nhiều công ty tại Đức chuyển dịch đầu tư ra nước ngoài.
Các doanh nghiệp sản xuất hóa chất là những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất nguồn khí đốt của Nga.
Đơn cử như BASF SE - nhà sản xuất hóa chất lớn nhất châu Âu - và tập đoàn hóa chất Lanxess AG hiện đang cắt giảm hàng nghìn việc làm.