Liên minh cầm quyền Đức đã nhất trí về một dự thảo ngân sách cho năm 2017 với mức chi nhiều hơn cho các lĩnh vực an ninh, tình báo và viện trợ nước ngoài. Nhiều quỹ cũng được thiết lập nhằm tạo nguồn lực tài chính để đối phó với các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư.
Tăng ngân sách cho an ninh và nhân đạo
Các nhà lập pháp Đức cho biết đó là một phần trong nỗ lực đối phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng. Quyết định được đưa ra sau khi đạt được sự đồng thuận giữa các đảng liên minh, bao gồm đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc (CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
Các nhà lập pháp hi vọng, với số tiền được chi thêm sẽ giúp tạo ra khoảng 4.300 việc làm mới trong lĩnh vực cảnh sát và an ninh của nước Đức vào năm 2020, hãng tin DPA cho biết. Tờ nhật báo Welt đưa tin rằng các thành viên của Ủy ban ngân sách Quốc hội Đức cũng nhất trí tăng gấp đôi nhân sự cho một cơ quan cơ yếu mới được thành lập, với số lượng nhân lực lên tới 120 người.
Vấn đề người di cư đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong chính trường Đức. (Nguồn: CBC) |
Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ dành 1,2 tỷ USD chi tiêu cho viện trợ nhân đạo và các chương trình được thiết kế để chống lại các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, có số này không lớn so với 22 tỷ Euro mà Đức chi tiêu cho các chương trình hỗ trợ hàng trăm ngàn người xin tị nạn tại đất nước này trong năm qua.
Bên cạnh đó, Ủy ban ngân sách cũng nhất trí rót thêm 40 triệu Euro cho một chương trình hỗ trợ những người xin tị nạn nhưng bị từ chối.
Tổng cộng, Chính phủ liên bang có kế hoạch chi ngân sách khoảng 321,9 tỷ Euro trong năm 2017, nhiều hơn 400 triệu Euro so với tổng số tiền đã chi tiêu từ đầu năm 2016 tới giờ.
Đồng thời, Đức cũng muốn duy trì một ngân sách cân bằng trong 4 năm liên tiếp, bất chấp gánh nặng tài chính ngày càng tăng để chi tiêu cho các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư.
Kế hoạch Marshall cho châu Phi
Hơn nữa, để hạn chế số lượng người di cư thực hiện các cuộc hành trình nguy hiểm đến châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel và các quan chức nước này đang đẩy mạnh đầu tư công và tư vào châu Phi.
Để triển khai kế hoạch này, Đức cũng kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế châu Phi, tạo công ăn việc làm và làm chậm dòng người di cư từ châu Phi đến châu Âu.
Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Müller cho biết trong vài tuần tới Đức sẽ chính thức công bố "Kế hoạch Marshall cho châu Phi" – với nhiều nét tương đồng với chương trình đầu tư khổng lồ mà Hoa Kỳ đã thực hiện để vực dậy nền kinh tế Đức bị tàn phá sau chiến tranh thế giới II.
Ông Müller cho biết kế hoạch trên tập trung vào các chương trình hỗ trợ dành cho thanh niên, giáo dục và đào tạo song song với các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và thực thi các quy định của pháp luật.
Trong chuyến thăm châu Phi hồi tháng trước và tại cuộc họp của các nước công nghiệp G20 ở Trung Quốc, Thủ tướng Merkel cũng đã đề cập đến kế hoạch này.
Ông Müller cho biết một phần đáng kể trong số ngân sách được tăng vào năm 2017 sẽ dành cho các dự án ở châu Phi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần đề cập đến Kế hoạch Marshall cho châu Phi. (Nguồn: Reuters) |
Hôm 7/11, Đức đã cam kết chi 61 triệu Euro tài trợ cho các hoạt động cứu trợ của Liên hợp quốc ở châu Phi. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier công bố về gói đóng góp này sau cuộc họp với Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi tại Berlin.
Gói tài chính này đã đưa tổng số đóng góp của Đức cho Cao ủy LHQ về người tị nạn lên đến 298 triệu Euro trong năm nay, nâng tổng ngân sách cho các hoạt động nhân đạo lên tới 1,28 tỷ Euro.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Đức cho biết các gói viện trợ sẽ mang lại lợi ích cho người dân ở Burundi, Mali, Somalia, Nam Sudan, các nước lân cận và những người sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc nổi dậy của các chiến binh nhóm Boko Haram ở Chad.
Ngoại trưởng Steinmeier cho biết nhiều quốc gia châu Phi đang cần sự giúp đỡ thiết thực của Đức để hạn chế người dân thực hiện các hành trình nguy hiểm tới châu Âu trong bối cảnh các cuộc xung đột đang leo thang và nhiều thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu đang gia tăng ở châu Phi.