📞

Đức chỉ trích ông Trump về các sắc lệnh “đòi công bằng”

06:08 | 02/04/2017
Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries đã lên tiếng chỉ trích hai sắc lệnh hành pháp về thâm hụt thương mại và bán phá giá mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký là dấu hiệu cho thấy Washington muốn chống lại thương mại tự do và các thỏa thuận quốc tế.

Phát biểu trước báo giới ngày 1/4, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hai sắc lệnh nhằm chống lại thứ mà ông gọi là sự bất công với Mỹ trong thương mại, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng, mặc dù các sắc lệnh trên bước đầu chỉ là hành động xem xét, song "lại cho thấy rõ ràng Mỹ muốn xa rời tự do thương mại và các thỏa thuận thương mại".

Bà Zypries nhấn mạnh cần phải tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng cũng như làm rõ việc, các nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ không chỉ là ở nước ngoài. Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng cho biết sẽ nêu vấn đề trên tại các cuộc thảo luận với những người đồng cấp của Mỹ trong chuyến thăm thủ đô Washington vào tháng 5 tới.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries chỉ trích Mỹ muốn chống lại thương mại tự do và các thỏa thuận quốc tế. (Nguồn: Le Figaro)

Suốt nhiều năm qua, Mỹ đã nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Đức hơn là xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, do khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của các công ty Đức và nhu cầu cao của người tiêu dùng Mỹ với hàng hóa gắn mác "Sản xuất tại Đức". Theo thống kê, thâm hụt thương mại của Mỹ với Đức đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua từ khoảng 28,8 tỷ Euro (khoảng 27 tỷ USD) năm 2006 lên 49 tỷ Euro (gần 46 tỷ USD) năm 2016.

Trước đó, ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp nhằm đối phó với các vụ lạm dụng thương mại của nước ngoài, vốn góp phần dẫn đến thâm hụt thương mại khoảng 500 tỷ USD/năm của nước này. Theo sắc lệnh thứ nhất, trong vòng 90 ngày, Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ sẽ tiến hành một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng các khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với một số đối tác thương mại lớn nhất nhằm xác định những hành vi gian lận, thương mại không công bằng và mất cân bằng tiền tệ. Sắc lệnh thứ hai siết chặt luật chống bán phá giá nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất nước ngoài chèn ép các công ty Mỹ thông qua việc bán hàng hóa giá rẻ.

Giới quan sát nhận định hai sắc lệnh trên đánh dấu nỗ lực mới nhất của Tổng thống Trump trong việc tiếp tục quan điểm tranh cử khi lên án các nước khác đang lợi dụng chính sách thương mại của Mỹ.

(theo Reuters)